Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống bệnh dại
Lượt xem: 121

Chiều ngày 01/4/2024, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống bệnh dại. Tham dự có lãnh đạo và công chức các phòng trực thuộc Sở Y tế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Chi cục trồng trọt và chăn nuôi.

 

anh tin bai

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu được thông tin về đặc điểm chung của bệnh dại, thời gian ủ bệnh; tình hình bệnh dại tại Việt Nam. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 người chết do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (khoảng 17%).  Khu vực miền Bắc là khu vực có số người tử vong do bệnh dại cao nhất (38,6%); khu vực miền Trung 13,4%; khu vực miền Nam và Tây Nguyên 24,4%. Trong 02 tháng đầu năm 2024, ghi nhận sự gia tăng đột biến với 22 người tử vong do bệnh dại, tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Tại tỉnh Cao Bằng, bệnh dại vẫn luôn có nguy cơ tiềm ẩn, số người phải điều trị dự phòng sau phơi nhiễm hằng năm ghi nhận trên 3.000 người. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 02/82 trường hợp tử vong do dại (chiếm 2,4% so với toàn quốc); 4.385 người tiêm phòng dại, không có trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng. 02 tháng đầu năm 2024, tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc dại.

Hội nghị các đại biểu đã thảo luận, trao đổi thông tin về tình hình, công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương, đơn vị; những khó khăn, tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp để phòng, chống bệnh dại trong thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, nguy cơ y cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp; nhận thức của người dân về bệnh dại, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế... Ngành y tế tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống dịch tại các tuyến; tăng cường kiểm tra, giám sát; thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật. Đẩy mạnh truyền thông nguy cơ, truyền thông đại chúng; đa dạng hóa các kênh truyền thông, chú trọng truyền thông cho các dân tộc thiểu số, truyền thông cho trẻ em, truyền thông về sự an toàn và hiệu quả của vắc xin. Quan tâm theo dõi tình hình dịch, giám sát phát hiện sớm các ca mắc, chia sẻ thông tin sớm với các bên liên quan để có biện pháp đáp ứng và phối hợp kịp thời và hiệu quả. Tăng cường phối hợp liên ngành, không chỉ giữa ngành y tế và ngành thú y; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng, xã hội. Đồng thời, có kế hoạch, phương án mỗi huyện ít nhất 01 điểm tiêm vắc xin dại, đảm bảo an toàn tiêm chủng nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.

Kim Cúc 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1