Kết quả thực hiện các mục tiêu tại Quyết định số 496 của Thủ tướng Chính phủ
Lượt xem: 64

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp, tỉnh Cao Bằng đã đạt được một số mục tiêu đề ra.

Theo đó, trong thời gian qua HĐND và UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác Dân số như: Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh Quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở xóm, tổ dân phố; mức bồi dưỡng, số lượng người trực tiếp tham gia công việc của xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 82/2023/NQ-HĐND ngày 08/02/2023 của HĐND tỉnh Quy định chức danh, mức phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở xóm, tổ dân phố; chức danh mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Hướng dẫn về tổ chức bộ máy làm công tác dân số của tỉnh; về tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

anh tin bai

Sau sinh, bà mẹ và trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đúng cách

Về cấp tỉnh Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác dân số tỉnh Cao Bằng được thành lập và kiện toàn hằng năm. Trưởng BCĐ là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn hóa - xã hội; Phó Trưởng BCĐ là đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách công tác dân số; thành viên BCĐ là lãnh đạo các Sở, Ban ngành, đoàn thể của tỉnh. Hoạt động truyền thông phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ với các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số cấp tỉnh luôn được quan tâm chú trọng; tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thành viên BCĐ công tác Dân số, các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chính sách sinh hai con và các quy định xử lý vi phạm, các nội dung về dân số và phát triển, các kế hoạch công tác dân số đến 2030. Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin phản ánh kịp thời các hoạt động về công tác Dân số- KHHGĐ tại cơ sở. Hàng năm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình điểm lĩnh vực công tác gia đình trong đó lồng ghép công tác Dân số - KHHGĐ: "Câu lạc bộ nuôi dạy con tốt": "Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc"; "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới". Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại các Trường Trung học phổ thông và Trường Dân tộc nội trú dưới các hình thức ngoại khóa hoặc đưa vào tiết học Giáo dục công dân.

 Đối với cấp huyện: 10/10 huyện, thành phố đều thành lập BCĐ công tác dân số và kiện toàn hàng năm, Trưởng BCĐ là đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố phụ trách khối văn hóa - xã hội, Phó Trưởng BCĐ là lãnh đạo Trung tâm y tế huyện, thành phố; thành viên BCĐ là lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, các phòng, ban, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của huyện, thành phố.

Trung tâm y tế huyện, thành phố phối hợp với ban, ngành, đoàn thể huyện, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động công tác dân số để tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước về dân số, cư trú, biên giới hoặc tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, cập nhật thông tin về biên động dân số. Tăng cường truyền thông phòng chống mất cân bằng giới tính khi sinh; Nghị quyết 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Đối với cấp xã: 161/161 xã, phường, thị trấn có BCĐ công tác Dân số- KHHGĐ do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban; Trưởng Trạm y tế xã làm Phó Trưởng BCĐ, thư ký giúp việc cho BCĐ là cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác dân số xã; thành viên BCĐ là các đồng chí phụ trách: Mặt trận Tổ quốc, Văn hóa, Đoàn Thanh niên, Tư pháp, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh của xã, phường, thị trấn. BCĐ công tác Dân số xã, phường, thị trấn chỉ đạo thực hiện truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình, các chính sách về dân số, biến động dân số trên địa bàn.

anh tin bai

Tình nguyện viên, công tác viên dân số đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Về mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em; hiện nay có 1.366/1.462 xóm, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm công tác của cộng tác viên dân số làm nhiệm vụ thường xuyên cung cấp thông tin về KHHGĐ và cung ứng các phương tiện tránh thai phi lâm sàng tại hộ gia đình ở 161 xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai, ngày càng đa dạng hóa các biện pháp tránh thai.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số khó khăn: Do số lượng biên chế tại các Trung tâm y tế chưa đảm bảo theo định mức quy định; phòng chuyên môn thực hiện công tác dân số tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đều được tổ chức lồng ghép thêm các chức năng nhiệm vụ khác dẫn đến cơ cấu tổ chức không đồng nhất. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, nhân lực làm công tác dân số các cấp còn thiểu, yếu về chuyên môn. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tuyến cơ sở có nhiều biến động và mất cân đối ở tuyến xã. Thực hiện lồng ghép 3 chức danh Y tế thôn bản, Cô đỡ thôn bản, Cộng tác viên dân số thành Nhân viên y tế thôn bản kiêm cô đỡ thôn bản, kiêm cộng tác viên đây là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự nhiệt tình và được đào tạo, tập huấn đầy đủ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tuy nhiên chế độ phụ cấp quá thấp so với yêu cầu công việc. Nguồn lực dành cho công tác dân số còn hạn hẹp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác dân số trong thời kì mới…

Trong thời gian tới: tỉnh tiếp tục Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, bảo đảm sự thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách sang dân số và phát triển. Đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vận động, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện chính sách dân số. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ về dân số và phát triển. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số và phát triển.

Đẩy mạnh truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường; Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số trong tình hình mới. Bổ sung nội dung, định mức chi cho công tác dân số trong phân bổ dự toán chi thường xuyên và vốn đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước. Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số và phát triển theo kế hoạch của UBND tỉnh; Đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phân phối cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực dân số và phát triển. Kiện toàn BCĐ công tác dân số và phát triển các cấp; Củng cố kiện toàn phòng chuyên môn thực hiện công tác dân số; tăng cường thực hiện nhiệm vụ về công tác dân số và phát triển trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân số và phát triển của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung về dân số vào các hoạt động của đơn vị…

 

Kim Cúc 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1