Banner 1100x185

   KHEN THƯỞNG - XỬ PHẠT

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đất đai tỉnh Cao Bằng

Đất đai tỉnh Cao Bằng

Tỉnh Cao Bằng có tổng diện tích tự nhiên 6.700,39 km2, quy mô diện tích ở mức trung bình so với các tỉnh khác trong toàn quốc. Với đặc điểm địa chất, địa hình, khí hậu, thuỷ văn và trải qua quá trình lâu dài bởi sự tác động tương hỗ các yếu tố tự nhiên, ở Cao Bằng hình thành 24 loại đất khác nhau. Tuy nhiên, phân loại theo độ cao địa hình, đất đai của Cao Bằng chia làm 3 nhóm chính có đặc trưng riêng như sau:

1. Đất feralit vàng đỏ và đỏ vàng

Hình thành trên đồi núi thấp dưới 600 m, đặc tính chung của loại đất này là chua và ít chất dinh dưỡng. Đá mẹ là đá phún xuất, diệp thạch, cát kết... chiếm phần lớn diện tích trong tỉnh, ngoài ra còn có đất có thành phần cơ giới từ nhẹ lên trung bình, tầng đất dày, lượng mùn khá cao, thuận lợi cho canh tác. Loại đất này phân bố ở các huyện: Nguyên Bình, Hoà An, Hà Quảng, Thạch An.

Ở vành đai giữa độ cao 700 - 1.500 m, hình thành loại đất feralit có mùn, chiếm một diện tích khá lớn ở các cao nguyên biên giới.

Ở độ cao trên 1.500 m, hình thành loại đất mùn núi cao chỉ phát triển trên vài ngọn núi như Phja Dạ, Phja Oắc (huyện Nguyên Bình), núi thuộc xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc).

2. Đất feralit nâu đỏ

Đất này khá giàu chất dinh dưỡng, kết cấu tốt, có độ PH trung tính hoặc hơi kiềm, đất tơi xốp rất phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.

Loại đất này phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhiều nhất là các huyện Bảo Lạc, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh. Đây là loại đất tốt, hiện nay còn tiềm năng lớn để mở rộng khai thác, song đất có nhược điểm giữ nước kém nên vấn đề xây dựng các công trình thuỷ lợi lớn là cần thiết.

3. Đất phù sa

Chiếm khoảng 10% diện tích đất toàn tỉnh, được hình thành do phù sa các sông, suối bồi đắp - các vùng trũng, các vùng hồ đệ tam và thung lũng các sông, suối. Đất này được cải tạo lâu đời đã trở thành những vùng trồng lúa chính của tỉnh. Đất trồng lúa nước chủ yếu phân bố ở thung lũng sông Bằng kéo dài từ phía nam huyện Hà Quảng, huyện Hoà An tới thành phố Cao Bằng. Ngoài ra, đất trồng lúa nước còn phân bố ở các thung lũng đá vôi và thung lũng của các sông nhỏ thuộc các huyện Thạch An, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hoà.

Theo sách địa lí - lịch sử tỉnh Cao Bằng