Banner 1100x185

   KHEN THƯỞNG - XỬ PHẠT

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Tài nguyên rừng và đa dạng sinh học

Tài nguyên rừng và đa dạng sinh học

Cao Bằng có địa hình khá đa dạng, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối khá dày. Bên cạnh đó, Cao Bằng có khí hậu nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao và có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc. Đặc điểm khí hậu kết hợp với sự phức tạp của địa hình đã tạo cho Cao Bằng những lợi thế riêng về tài nguyên rừng và để hình thành các tiểu vùng sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học.

1. Tài nguyên rừng

Năm 2022, tổng diện tích rừng của tỉnh là 374,1 nghìn ha (trong đó rừng tự nhiên là 353,5 nghìn ha), độ che phủ là 55,3% với nhiều hệ sinh thái rừng khác nhau trong đó chứa đựng nhiều nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ và phát triển. So với trước đây, diện tích và độ che phủ rừng có xu hướng tăng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng nghèo, rừng non mới tái sinh, rừng trồng và rừng vầu nên trữ lượng gỗ ít. Rừng tự nhiên còn một số gỗ quý như nghiến, sến, tô mộc, lát nhưng không nhiều, dưới tán rừng còn có một số loài dược liệu quý như sa nhân, bạch truật, ba kích, hà thủ ô và một số loài thú quý hiếm như: gấu, hươu, nai, và một số loài chim...

2. Đa dạng sinh học

2.1. Đa dạng sinh học: được thể hiện ở sự đa dạng loài, đa dạng nguồn gen và hệ sinh thái.

a) Đa dạng loài: Hệ động vật, thực vật của Cao Bằng đa dạng cả về giống, loài quý hiếm, có nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

- Hệ thực vật: tập trung nhiều và có tính đa dạng sinh học cao nhất là ở Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén và một số huyện có diện tích rừng lớn như Hạ Lang, Trùng Khánh, Thạch An, Quảng Hòa. Trong đó, thành phần loài bậc thấp có khoảng 192 loài tảo và 400 loài nấm, thành phần loài bậc cao có khoảng gần 2.000 loài. Trong số 97 loài thực vật quý hiếm được thống kê thì có khoảng 82 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007), chủ yếu là những cây gỗ và các loài cây thuốc quý hiếm như: nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gà, bảy lá một hoa, trai lý, giảo cổ lam...

- Động vật: gồm có nhóm động vật có xương sống và không xương sống được phân bố chủ yếu trong các khu vực bảo tồn loài sinh cảnh Trùng Khánh, Hạ Lang và Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén. Nhóm động vật có xương sống có khoảng 302 loài chim, 105 loài thú và 89 loài bò sát - lưỡng cư. Trong đó có nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: vượn Cao Vít, khỉ mặt đỏ, gà lôi trắng, rắn hổ chúa, cá chuối hoa... Nhóm động vật không xương sống có khoảng 642 loài côn trùng, 92 loài động vật nổi và 134 loài động vật bám đáy được tập trung chủ yếu ở Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén và khu vực sông Bằng, sông Quây Sơn. Một số loài đặc biệt quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như cua bay, cua bay đen, kẹp kìm sừng đao, bọ hung chữ Y, trai cóc dày, trai cóc hình tai...

b) Đa dạng nguồn gen: Cao Bằng có nhiều loại nguồn gen vật nuôi, cây trồng đặc sản nổi tiếng bao gồm:

- Về cây trồng: có các nguồn gen đặc sản sau:

+ Nguồn gen cây lương thực, thực phẩm như: lúa nếp hương Xuân Trường, lúa nếp pì pất, nếp ong Trùng Khánh, bí thơm, lúa nếp cẩm...

+ Nguồn gen cây ăn quả như: quýt (Trà Lĩnh, Hà Trì), cam Trưng Vương, lê vàng, lê xanh, mận máu, mận Tảo Lý, mác cọt...

+ Nguồn gen cây trồng lâm nghiệp là cây dẻ Trùng Khánh, cây Mác Niếng.

+ Nguồn gen cây trồng lâu nă m là cây mác mật, chè đắng và chè Phja Đén.

+ Nguồn gen dược liệu như: cây sâm Cao Bằng, nấm linh chi đen, hà thủ ô...

- Về vật nuôi: có các nguồn gen như Cáy Củm (gà không phao câu), ngựa Nước Hai, chó lùn Bảo Lạc, lợn đen Lục Khu, bò Mông, lợn đen Tắp Ná,...

Để tiếp tục bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị trên địa bàn tỉnh, ngày 25/9/2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 1773/QĐ-UBND phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu bảo tồn 21 nguồn gen và khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản, đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

c) Đa dạng hệ sinh thái: Cao Bằng có 10 hệ sinh thái khác nhau thuộc 2 nhóm hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo.

Bảng các hệ sinh thái ở Cao Bằng

STT

Hệ sinh thái

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

 

1

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao (độ cao trên 1.600 m)

613,94

0,09

 

2

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình (độ cao 600 - 1.600 m)

99.814,06

14,89

 

3

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp (độ cao dưới 600 m)

115.703,00

17,26

 

4

Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi

152.766,70

22,79

 

5

Hệ sinh thái rừng trồng

22.240,00

3,32

 

6

Hệ sinh thái rừng tre nứa

3.567,24

0,53

 

7

Hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi

122.827,32

18,32

 

8

Hệ sinh thái đất ngập nước

4.312,00

0,64

 

9

Hệ sinh thái nông nghiệp

143.800,00

21,45

 

10

Hệ sinh thái khu dân cư

4.698,13

0,70

 

Tổng diện tích

670.342,39

100,0

 

Nguồn: Báo cáo tổng hợp đánh giá khí hậu Cao Bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng.

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao: có diện tích 613,94 ha, chiếm 0,09% diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng. Đây là hệ sinh thái có diện tích nhỏ nhất trong các hệ sinh thái, phân bố ở độ cao trên 1.600 m tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình. Thực vật nơi đây có 50 loài quý hiếm, đáng chú ý có một số loài lan, đặc biệt là lan hài. Hệ động vật có 48 loài quý hiếm. Điểm đặc trưng của hệ sinh thái này là có rừng rêu, còn gọi là rừng cảnh tiên, một trong những kiểu rừng ít gặp ở nước ta.

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình: Đây là hệ sinh thái phân bố chủ yếu trên đất phát triển từ đá mẹ là đá vôi ở đai độ cao 600-1.600 m, phân bố chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc và một phần phía đông nam huyện Trùng Khánh, có diện tích là 99.814,06 ha, chiếm 14,89% diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng.

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp: có diện tích là 115.703,00 ha, chiếm 17,26% diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng. Đây là hệ sinh thái phân bố trên đất phát triển từ các loại đá mẹ khác nhau (trừ đá vôi) ở độ cao dưới 600 m, phân bố rải rác ở một số khu vực của huyện Hoà An, phía tây nam huyện Hà Quảng, huyện Thạch An, huyện Nguyên Bình, phía tây huyện Bảo Lạc.

Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi: chiếm diện tích tương đối lớn của tỉnh, phân bố ở các huyện Hạ Lang, Trùng Khánh, Quảng Hoà, Hà Quảng với diện tích khoảng 152.766,70 ha; chiếm 22,79% diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những hệ sinh thái đặc trưng không chỉ của Cao Bằng mà là của cả nước với nhiều loài động, thực vật quý hiếm gồm 67 loài thực vật và 51 loài động vật, trong đó có nhiều loài chỉ có trên núi đá như: thông đỏ bắc, thiết sam giả, thiết sam núi đá, thông Pà Cò, một số’ loài lan hài... Động vật có vượn Cao Vít.

Hệ sinh thái rừng tre nứa: có diện tích 3.567,24 ha; chiếm 0,53% diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng. Hệ sinh thái này phân bố chủ yếu tại các xã Huy Giáp, Sơn Lộ, Hưng Đạo (huyện Bảo Lạc); các xã Đức Long, Lê Chung (huyện Hoà An); xã Thịnh Vượng (huyện Nguyên Bình).

Hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi: phân bố rộng rãi ở nhiều khu vực trên các đai cao, nhưng chủ yếu từ độ cao dưới 700 m, cũng có thể đến độ cao hơn 1.000 m, trên đất phong hoá từ các loài đá mẹ khác nhau, kể cả đá vôi. Hệ động, thực vật của hệ sinh thái này bao gồm một số loài cây bụi, cây gỗ nhỏ, mọc nhanh xuất hiện cùng với một số loài cây thân thảo của nhóm thực vật khuyết, một số loài thuộc các họ hòa thảo, chuối, gừng, gai, cói...

Hệ sinh thái đất ngập nước: hệ thực vật có đủ đại diện của 6 ngành tảo gồm tảo lục, tảo silic, tảo lam, tảo giáp, tảo mắt và tảo vàng. Động vật nổi có 12 loài thuộc 6 ngành. Có một số loài cá đặc trưng cho thuỷ vực nước nông như cá mương, cá thiểu mắt to, cá chạch suối, cá mại...

Hệ sinh thái rừng trồng: có 22 loài thực vật, thuộc 8 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch. Về động vật có 38 loài thú, 286 loài chim, 33 loài bò sát, 29 loài ếch nhái. Loài cây trồng là cây bản địa như: lát hoa, trám, dẻ, sấu, muồng đen, một số loài cây ăn quả, đặc sản. Một số cây phụ trợ như keo lai, keo tai tượng, luồng, tre lấy măng. Rừng trồng có cấu trúc đơn giản chỉ gồm 2 tầng. Tầng cây gỗ cao 8-10 m và tầng cây bụi xen cây thảo, rất ít dây leo. Hệ động vật chủ yếu gồm một số loài thú nhỏ như sóc, chồn, chuột... Chim chủ yếu là các loài chim chích, chào mào, sáo, chích chòe. Bò sát, lưỡng cư thường gặp là rắn ráo, nhái, thằn lằn...

Hệ sinh thái nông nghiệp: hệ sinh thái nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng rất đa dạng và phong phú, được phân bố hầu hết trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đây là hệ sinh thái có diện tích lớn thứ 2 sau hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi. Đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp được tạo nên bởi thành phần loài và kiểu gen của các sinh vật chính như: cây trồng, côn trùng, các động vật ăn cỏ, ăn thịt và ký sinh, cũng như vi sinh vật cùng các sinh vật phân huỷ khác. Sự đa dạng cây trồng và thảm thực vật nói chung có vai trò quan trọng nhất đối với sự đa dạng các thành phần sinh vật trong hệ sinh thái nông nghiệp. Trong hệ sinh thái nông nghiệp có 176 loài thuộc 43 họ của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch. Ngoài ra, hệ sinh thái nông nghiệp hiện đang lưu giữ 34 loại nguồn gen vật nuôi, cây trồng đặc sản nổi tiếng.

2.2. Bảo tồn đa dạng sinh học: Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” bao gồm quy hoạch hệ thống khu bảo tồn và quy hoạch hành lang đa dạng sinh học.

a) Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn: bao gồm 01 Vườn Quốc gia, 05 khu bảo tồn loài - sinh cảnh và 05 khu bảo vệ cảnh quan.

Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình): được thành lập theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 11/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Phja Oắc - Phja Đén trước đây. Diện tích Vườn Quốc gia là 10.593,5 ha, có 9 hệ sinh thái, trong đó hệ sinh thái rừng tự nhiên có diện tích 8.584,85 ha, chiếm 81% diện tích Vườn Quốc gia. Trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng kín thường xanh á nhiệt đới hỗn giao cây lá rộng - lá kim trên núi trung bình có diện tích lớn nhất với gần một nửa là rừng nguyên sinh (3.530,63 ha). Hệ sinh thái rừng rêu - rừng lùn đặc trưng của hệ sinh thái rừng thường xanh ôn đới núi cao vùng Đông Bắc Việt Nam có diện tích khá lớn, khoảng 467,60 ha. Tại đây đã thống kê được 47 loài thực vật và 66 loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam.

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vượn Cao Vít, Trùng Khánh: Bảo tồn và phát triển quần thể vượn Cao Vít và môi trường sống của chúng, là hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi và các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác. Diện tích tự nhiên là 6.046 ha, với 9 hệ sinh thái, 41 loài thực vật, 19 loài động vật quý hiếm.

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Trà Lĩnh - Thăng Hen: Được đề xuất trên cơ sở mở rộng Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Thăng Hen (nay thuộc huyện Quảng Hòa). Khu bảo tồn có diện tích 5.164 ha, gồm 7 hệ sinh thái với 21 loài thực vật và 29 loài động vật quý hiếm.

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang: Được đề xuất trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi của huyện Hạ Lang. Khu bảo tồn có diện tích 7.343 ha, trong đó riêng hệ sinh thái núi đá vôi có diện tích 10.730,4 ha, chiếm 58,96% diện tích khu bảo tồn; có 37 loài thực vật và 39 loài động vật quý hiếm, 7 hệ sinh thái, đáng chú ý là hệ sinh thái núi đá vôi.

Khu bảo tồn - loài sinh cảnh Bảo Lạc: Được đề xuất trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi và rừng tự nhiên trên núi trung bình của hai xã Khánh Xuân và Xuân Trường (huyện Bảo Lạc). Khu bảo tồn có diện tích 3.996 ha, có 30 loài thực vật và 19 loài động vật quý hiếm.

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bảo Lâm: Được đề xuất trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi trung bình và cao của huyện Bảo Lâm. Khu bảo tồn có diện tích 4.569 ha; có 5 hệ sinh thái, trong đó hệ sinh thái rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình, độ cao 600-1.600 m với diện tích là 3.292,2 ha, chiếm 70,7% diện tích khu bảo tồn, có 20 loài thực vật và 23 loài động vật quý hiếm.

Khu bảo vệ cảnh quan

Khu bảo vệ cảnh quan Pác Bó: Được đề xuất trên cơ sở mở rộng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng) hiện có, diện tích tự nhiên là 6.354 ha.

Khu bảo vệ cảnh quan Thạch An: Trên cơ sở mở rộng khu di tích Lăng Đồn hiện có, diện tích tự nhiên là 3.997 ha.

Khu bảo vệ cảnh quan Bản Giốc: Trên cơ sở Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (huyện Trùng Khánh) hiện có, diện tích là 566 ha.

Khu bảo vệ cảnh quan Lam Sơn: Đề xuất trên cơ sở cụm di tích hiện có gồm: hang Tốc Rù, hang Bó Hoài, vách núi Lũng Sa, nền nhà ông Mã Văn Hản, hang Bó Tháy, hang Ngườm Bốc, Thành Nhà Mạc, đền Dẻ Đoóng, Thành Na Lữ (huyện Hòa An) với diện tích 75 ha.

Khu bảo vệ cảnh quan Trần Hưng Đạo: Trên cơ sở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) với diện tích 1.143 ha.

Khu bảo tồn vùng nước nội địa: Khu bảo tồn vùng nước nội địa Sông Bằng trên địa phận các huyện Hà Quảng, Hòa An, Quảng Hòa và thành phố Cao Bằng với diện tích 575,8 ha.

b) Quy hoạch hành lang đa dạng sinh học

- Hành lang đa dạng sinh học xuyên biên giới kết nối Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh) với Trung Quốc. Nằm sát biên giới, khu bảo tồn có chiều dài 21,7 km, có ý nghĩa trong hợp tác quốc tế về bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái rừng; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hợp tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời bảo đảm việc giao lưu, di chuyển, mở rộng đàn và loài vượn Cao Vít tại Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

- Hành lang đa dạng sinh học nội tỉnh: Hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang với khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh) nhằm hỗ trợ việc giao lưu dịch chuyển, mở rộng đàn của các loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn, đặc biệt là loài vượn Cao Vít.

Theo sách địa lí - lịch sử tỉnh Cao Bằng