Banner 1100x185

   KHEN THƯỞNG - XỬ PHẠT

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Vị trí địa lý tỉnh Cao Bằng

Vị trí địa lý tỉnh Cao Bằng

1. Vị trí và lãnh thổ

Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía đông bắc Việt Nam, có vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước. Tọa độ địa lí từ 22021'21” đến 23007'12” vĩ độ Bắc, 105016'15” đến 106050'25” kinh độ Đông. Phía Tây giáp hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Phía Nam giáp hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Phía Bắc và phía Đông giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài 333,125 km.

Diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.700,39 km2, chiếm 2,02% diện tích cả nước, số dân năm 2022 là 533.086 người (đứng thứ 61 cả nước).

Với vị trí địa lí như trên, Cao Bằng tuy cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và miền Bắc nhưng lại có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua phát triển kinh tế cửa khẩu với 02 cửa khẩu quốc tế là Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) và Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), các cửa khẩu chính (hay cửa khẩu song phương) gồm: cửa khẩu Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Lý Vạn (huyện Hạ Lang), các cửa khẩu phụ và lối mở biên giới.

Ngoài ra, Cao Bằng còn có các tuyến giao thông đường bộ đi các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang và Thủ đô Hà Nội khá thuận lợi; đồng thời, hiện nay tỉnh đang xúc tiến thực hiện việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

2. Sự phân chia hành chính

Địa danh Cao Bằng được ghi chép trong sử sách từ rất sớm. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, đất Cao Bằng xưa thuộc bộ Vũ Định thời Hùng Vương.

Thời Lý, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết Cao Bằng là phủ Bắc Bình thuộc đạo Thái Nguyên, có 4 châu là: châu Thái Nguyên (sau này đổi tên thành châu Thạch Lâm), châu Quảng Nguyên, châu Thượng Lang và châu Hạ Lang.

Thời Trần, Cao Bằng chưa là một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương, mà là một phần của phủ Thái Nguyên.

Thời thuộc Minh, địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày nay “là đất các huyện Long Thạch, Thái Nguyên, thuộc phủ Thái Nguyên và các châu Thượng Tư, Hạ Tư, Quảng Nguyên phủ Lạng Sơn”.

Đầu thời Lê sơ, Cao Bằng lúc đó gọi là phủ Bắc Bình trực thuộc Thừa tuyên Thái Nguyên. Năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên đặt thành trấn Cao Bằng. Từ thời điểm này, Cao Bằng trở thành một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền Trung ương.

Thời nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng (1592-1677) quản lý cả các vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nhà Mạc mất, nhà Lê đặt lại trấn Cao Bằng. Thời vua Lê Hy Tông, Cao Bằng được đặt làm trọng trấn, gồm phủ Cao Bằng và 4 châu: Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang.

Đầu thời nhà Nguyễn, trấn Cao Bằng gồm 4 châu (Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang), 27 tổng, 233 xã, thôn, phường, phố, trại, động. Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính, đổi trấn Cao Bằng thành tỉnh Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng gồm 1 phủ là Trùng Khánh và 4 châu là Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm. Năm 1834, nhà Nguyễn đổi các châu thành huyện. Năm 1835, lập thêm phủ Hòa An; chia huyện Thạch Lâm làm hai huyện là Thạch An và Thạch Lâm thuộc phủ Hòa An; bỏ chế độ thổ quan, đặt lại chế độ lưu quan. Năm Tự Đức thứ tư (1851), triều đình lại bỏ phủ Hòa An, tỉnh Cao Bằng chỉ còn 1 phủ Trùng Khánh gồm 5 huyện: Thạch Lâm, Thạch An, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang.

Những năm cuối thế kỷ XIX, tỉnh Cao Bằng gồm có phủ Trùng Khánh (với 3 châu: Thượng Lang, Hạ Lang, Quảng Uyên) và phủ Hòa An (với 3 châu: Thạch Lâm, Thạch An, Nguyên Bình).

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (năm 1858) và xâm chiếm Cao Bằng (năm 1886), nhà Nguyễn vẫn duy trì bộ máy chính quyền để quản lý vùng biên và tích cực thực hiện chế độ lưu quan. Sau đó, thực dân Pháp cai trị Cao Bằng theo chế độ quân quản. Năm 1888, Cao Bằng là một khu. Ngày 06/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ các quân khu và thiết lập các đạo quan binh1. Cao Bằng trở thành tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh 2, gồm 3 tiểu quân khu: Cao Bằng, Bảo Lạc, Bắc Kạn, lỵ sở đạo lỵ đặt tại thị xã Cao Bằng. Từ sau nghị định của Toàn quyền Đông Dương, ngày 16/4/1908 được ban hành, đạo quan binh chia thành các đơn vị hành chính và tư pháp ngang với công sứ các tỉnh dân sự.

Về biên giới lãnh thổ, thực dân Pháp cũng xúc tiến việc điều đình với triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) về đường biên, mốc giới. Các công ước hoạch định biên giới ngày 20/6/1885 và ngày 20/6/1887 đã hình thành địa giới chính thức Việt Nam - Trung Quốc mang tính pháp lý quốc tế có chiều dài 1.463 km với 341 cột mốc. Trên phần đất Cao Bằng giáp Quảng Tây (Trung Quốc) có đường biên dài trên 333 km với 161 cột mốc (trong đó có 117 mốc chính, 44 mốc phụ), là tỉnh có đường biên giới chung dài nhất và cột mốc chung với Trung Quốc nhiều nhất so với các tỉnh biên giới phía Bắc. Đường biên giới hình thành cũng lần lượt ra đời các cửa khẩu; thời thuộc Pháp, Cao Bằng có 7 cửa khẩu.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cả nước bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân ra đời. Năm 1948, Chính phủ quyết định bãi bỏ cấp tổng, phủ, đạo, châu; cấp trên cấp xã và dưới cấp tỉnh gọi chung là huyện. Cao Bằng lúc đó có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thị xã Cao Bằng và các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, Phục Hoà, Hạ Lang, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Trấn Biên

Ngày 03/10/1950, Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Ngày 01/7/1956, Cao Bằng cùng các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang hợp thành Khu tự trị Việt Bắc.

Ngày 27/12/1975, Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ 2 quyết nghị bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính; quyết định hợp nhất tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cao Bằng. Diện tích tỉnh Cao Lạng là: 13.691,25 km2; gồm 20 huyện, thị xã, trong đó có 2 thị xã, 402 xã, phường. Đường biên giới giáp Trung Quốc dài 513 km với 242 cột mốc.

Ngày 29/12/1978, Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 4 quyết nghị chia tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh là Cao Bằng và Lạng Sơn. Sáp nhập 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Rã (sau đó huyện Chợ Rã được gọi là huyện Ba Bể) của tỉnh Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng.

Ngày 06/11/1996, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 phê chuẩn tách 2 huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng về tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh Cao Bằng thời điểm này gồm 11 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thị xã, 10 huyện) với 89 xã, phường, thị trấn.

Ngày 18/10/2010, thị xã Cao Bằng được công nhận là đô thị loại III theo Quyết định số 926/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Ngày 25/9/2012, Thành phố Cao Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng được thành lập theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14, ngày 09/01/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng và Nghị quyết số 897/NQ-UBTVQH14, ngày 11/02/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng; tỉnh Cao Bằng đã tiến hành sáp nhập huyện Thông Nông vào huyện Hà Quảng, lấy tên là huyện Hà Quảng; sáp nhập huyện Trà Lĩnh vào huyện Trùng Khánh, lấy tên là huyện Trùng Khánh; thành lập huyện Quảng Hòa trên cơ sở sáp nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên.

Hiện nay, Cao Bằng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Cao Bằng và 9 huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình.

Toàn tỉnh có 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 40 xã, thị trấn biên giới.

Các đơn vị hành chính tỉnh Cao Bằng năm 2022

STT

Các huyện, thành phố

Diện tích

(km2)

Số đơn vị hành chính cấp xã

Số xã

Số phường

Số thị trấn

Toàn tỉnh

6.700,39

139

8

14

1

Thành phố Cao Bằng

107,12

3

8

 

2

Huyện Bảo Lạc

920,73

16

 

1

3

Huyện Bảo Lâm

913,06

12

 

1

4

Huyện Hà Quảng

811,18

19

 

2

5

Huyện Hạ Lang

456,51

12

 

1

6

Huyện Hoà An

605,85

14

 

1

7

Huyện Nguyên Bình

837,95

15

 

2

8

Huyện Quảng Hoà

668,95

16

 

3

9

Huyện Thạch An

691,04

13

 

1

10

Huyện Trùng Khánh

688,00

19

 

2

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng

Theo sách địa lí - lịch sử tỉnh Cao Bằng