Banner 1100x185

   KHEN THƯỞNG - XỬ PHẠT

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Khoáng sản tỉnh Cao Bằng

Khoáng sản tỉnh Cao Bằng

Lịch sử phát triển địa chất Cao Bằng trải qua các đại Cổ sinh (Palêôzôi), Trung sinh (Mêzôzôi), Tân sinh (Kainôzôi) với bề dày trầm tích của nhiều hệ khác nhau tham gia vào cấu tạo địa chất khu vực. Quá trình hình thành đó, Cao Bằng có 6 phức hệ mácma xâm nhập bao gồm từ siêu bazic đến axít. Mặt khác, Cao Bằng lại nằm trong miền uốn nếp Bắc Bộ, sự vận động kiến tạo mạnh mẽ đã tạo nên nhiều nếp địa hình đa dạng và đứt gãy gắn với hoạt động mácma. Lịch sử địa chất Cao Bằng là nguyên nhân chính hình thành các loại khoáng sản như ngày nay.

1. Sự phong phú, đa dạng của khoáng sản Cao Bằng

Khoáng sản Cao Bằng phong phú, đa dạng cả khoáng nội sinh và ngoại sinh, có mặt gần đầy đủ các chủng loại, được sắp xếp theo các nhóm như sau:

- Nhóm nhiên liệu: than lửa.

- Nhóm kim loại: kim loại đen, kim loại màu và kim loại quý hiếm (niken, đồng, chì, bôxit, antimoan, thiếc, vonfram, vàng, bạc, urani).

- Nhóm á kim: nguyên liệu hóa chất và trợ dung (pirit, barit, fluorit, dolomit); nguyên liệu phân bón (photforit); nguyên liệu và vật liệu xây dựng (đá vôi, sét, gạch, ngói, cát, cuội, sỏi, ngọc bích, spilit); nguyên liệu gốm, sành sứ (sét cao lanh, sét gốm sành); nguyên liệu dãn cách (acbet) và các nguyên liệu quang học - áp điện (tinh thể thạch anh pluorin).

- Nhóm nước: gồm nước sinh hoạt, nước công nghiệp và nước khoáng chữa bệnh (nước khoáng sunfua).

Theo thống kê, Cao Bằng có 130 mỏ và điểm khoáng sản rắn, trong đó có 114 mỏ và điểm khoáng sản thuộc nhóm kim loại, 3 mỏ và điểm khoáng sản thuộc nhóm nguyên liệu, số còn lại thuộc các nhóm khác. Như vậy, số lượng khoáng sản kim loại nhiều hơn cả, khoáng sản nhiên liệu là ít nhất

2. Phân bố khoáng sản

Khoáng sản phong phú, nhưng sự phân bố trên địa bàn tỉnh không đồng đều. Các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Trùng Khánh có mật độ khoáng sản khá cao: Hòa An 15,4 km2/điểm khoáng sản; Nguyên Bình 14,7 km2/điểm khoáng sản; Trùng Khánh 14,5 km2/điểm khoáng sản.

2.1. Nhóm nhiên liệu: Đến nay, đã phát hiện được ba khu vực chứa than phân bố ở thành phố Cao Bằng và huyện Hòa An, đó là mỏ than Nà Cáp, Bản Lày, Nà Đuốc; trong đó các mỏ than Nà Cáp và Bản Lày có triển vọng hơn cả.

- Mỏ than Nà Cáp nằm dọc theo quốc lộ 3 được hình thành trong hố sụt địa phương kiểu nguồn gốc đầm, hồ có tuổi Nêôgen. Đó là loại than lửa có độ tro cao, nhiều lưu huỳnh, nhiệt lượng 6.900 kcal/kg.

- Mỏ than Bản Lày, thực chất là phần diện tích than kéo dài từ mỏ Nà Cáp đến phường Đề Thám (thuộc thành phố Cao Bằng). Bề dày tầng than tương đối ổn định từ 0,5 m trở lên và có thể khai thác lộ thiên thuận lợi.

2.2. Nhóm kim loại:

2.2.1. Kim loại đen: chủ yếu là sắt và mangan.

- Sắt: Kết quả tìm kiếm thăm dò khảo sát, quặng sắt phân bố chủ yếu ở 3 khu vực là huyện Hòa An, thành phố Cao Bằng và huyện Nguyên Bình.

+ Khu vực quặng sắt Hòa An, thành phố Cao Bằng bao gồm 15 điểm quặng: Ngườm Cháng, Bó Nình, Nà Phja, Nà Coóc, Khau Gạm, Hào Lịch, Bó Lếch, Nà Rụa, Nà Lũng (Nà Lủng), Bản Chang, Nà Cạn, Kéo Mơ, Khau Mìa, Boong Quang, Nà Pha. Các mỏ đều phân bố dọc theo đứt gãy sâu Cao Bằng - Lạng Sơn, có chiều dài khoảng 40 km, chiều rộng 2 - 4 km.

Quặng sắt thuộc đới Hòa An có nguồn gốc skacnơ, hệ quặng mahêtít - hêmatít. Riêng điểm quặng Nà Cạn có thể có nguyên nhân từ mácma. Thành phần chủ yếu của quặng là mahêtít và một số hêmatít, lác đác có pirit limonit và hyđroxít sắt. Chất lượng quặng khá tốt, hàm lượng sắt đạt 55% trở lên, các chất độc hại đều nằm trong giới hạn hàm lượng cho phép để luyện kim. Trữ lượng tổng thể tương đối lớn, trong đó có 3 mỏ: Ngườm Cháng, Nà Rụa, Nà Lũng (Nà Lủng) là đáng kể nhất.

+ Khu vực quặng sắt Nguyên Bình: Phân bố chủ yếu ở phía bắc huyện Nguyên Bình, gồm các xã Yên Lạc, Triệu Nguyên, Thể Dục với 8 điểm quặng: Tà Phình, Pác Tháy, Lũng Luông, Khuổi Tông, Làng Chang, Bản Nùng, Bản Hỏ và thị trấn Nguyên Bình.

Thân quặng dài, nhỏ, cách xa nhau. Nguồn gốc quặng sắt Nguyên Bình chủ yếu từ skacnơ. Thành phần khoáng vật chính là mahêtít. Chất lượng quặng sắt khá tốt, hàm lượng sắt đạt 62% trở lên.

- Mangan: Cao Bằng đã phát hiện được 38 điểm mỏ quặng mangan với diện tích 1.500 km2 phân bố ở các huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, tạo nên vùng mangan rộng lớn như sau:

+ Trường quặng Trà Lĩnh, Mã Phục, Bắc Vọng, Lý Quốc và Vinh Quý.

+ Trường quặng ở Trùng Khánh gồm 2 nhánh: Khâm Thành và Đình Phong.

Quặng mangan xuất hiện trên đới phức nếp lồi Hạ Lang gồm 3 dạng: quặng gốc, quặng deluvi và quặng kết hạch. Quặng gốc nằm ở trầm tích Đêvôn trên bậc Paranít thuộc hệ có nguồn gốc tích tụ.

2.2.2. Kim loại màu: chủ yếu gồm có đồng, niken, nhôm, chì, kẽm.

- Đồng - niken: Đến nay đã phát hiện được 5 điểm quặng hóa đồng - niken gồm: Suối Củn, Đông Chang, Bó Thoòng, Thác Đét, Khau Sọn. Trong đó, đồng - niken ở Suối Củn có giá trị cao hơn cả. Hàm lượng trung bình của niken trong quặng khoảng 0,2¬1,635%, của đồng 0,6-0,8%.

- Nhôm (bôxít): Qua thăm dò, khảo sát, tìm kiếm, Cao Bằng đã xác định được 54 điểm quặng bôxít phân bố rộng rãi trên địa bàn huyện Hà Quảng, Quảng Hòa. Quặng có nguồn gốc từ trầm tích biển, là phần đáy của trầm tích thống Pecmi, có thể phân chia thành 2 khu vực quặng:

+ Khu vực quặng bôxít Thông Nông: bôxít khu vực này chủ yếu nằm ở vùng Thông Nông (huyện Hà Quảng) và một số ít ở huyện Nguyên Bình. Hàm lượng nhôm trong quặng tương đối lớn, có khả năng sản xuất ra allumin, bột đất màu và xi măng allumin.

+ Đới quặng bôxít Hà Quảng - Quảng Hòa: đới quặng này bao gồm trên 30 điểm và mỏ bôxít từ Sóc Giang (huyện Hà Quảng) đến Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) theo hướng tây bắc - đông nam với chiều dài 65 km, rộng khoảng 8-10 km. Dựa vào đặc điểm phân bố và đặc tính của quặng, có thể chia thành 2 phụ đới quặng: phụ đới quặng bôxít Hà Quảng trữ lượng tương đối lớn và phụ đới quặng bôxít Quảng Hòa trữ lượng thấp.

- Chì - kẽm: Cao Bằng có 13 điểm và mỏ quặng chì - kẽm, chủ yếu nằm ở phía tây bắc huyện Nguyên Bình, bao gồm các xã Phan Thanh, Quang Thành, Thành Công và Vũ Nông. Quặng chì - kẽm tập trung vào nút quặng thiếc đa kim Nguyên Bình. Trong số các điểm mỏ, Tổng Tinh là mỏ có trữ lượng lớn, có các thân quặng dạng mạch kéo dài 60-200 m, tạo thành đới rộng 50-150 m.

2.2.3. Kim loại quý hiếm: có vàng, bạc, antimon, thiếc và vonfram.

Antimon được phân bố thành 2 khu vực chứa quặng chính, đó là Nguyên Bình, Bảo Lạc và Đông Khê. Thiếc - vonfram phân bố chủ yếu ở miền núi phía tây bắc huyện Nguyên Bình. Mỏ thiếc sa khoáng Tĩnh Túc bắt đầu được khai thác từ thời Pháp thuộc (1902).

2.2.4. Kim loại phóng xạ: có quặng urani ở Bình Đường thuộc xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình.

2.3. Nhóm khoáng chất công nghiệp

- Quặng barit: tập trung ở huyện Bảo Lâm, ngoài ra còn phát hiện trên địa bàn các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa.

- Quặng flourit: phát hiện 01 mỏ trên địa bàn huyện Nguyên Bình.

- Quặng photphorit: phát hiện 02 điểm mỏ trên địa bàn huyện Hòa An.

- Travectin: phát hiện 01 điểm khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa An.

- Thạch anh tinh thể : phát hiện 06 điểm mỏ trên địa bàn huyện Nguyên Bình và 01 điểm trên địa bàn huyện Hạ Lang.

- Dolomit: tập trung trên địa bàn huyện Nguyên Bình, ngoài ra phát hiện ở Quảng Hòa, Trùng Khánh.

- Atsbet: phát hiện 02 điểm mỏ trên địa bàn huyện Hòa An.

- Quarzit: phát hiện 01 điểm mỏ trên địa bàn huyện Nguyên Bình.

Ngoài ra, ở Cao Bằng còn có các loại: đá in, nguyên liệu sét, cát, sỏi, cuội, đá lát, sành, sứ, cao lanh, amiăng, nguyên liệu quang học và cáp điện.

Nhóm nước bao gồm: nước sinh hoạt, nước công nghiệp, nước khoáng chữa bệnh và các dòng chảy (sông, suối) có tiềm năng thuỷ điện.

Như vậy, Cao Bằng có gần như đầy đủ các loại khoáng sản được phân bố tập trung theo cấu trúc địa tầng. Đó là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, một số khoáng sản đã được khai thác từ lâu (thiếc), hiện nay đã cạn kiệt; nhiều mỏ khoáng sản là các mỏ nhỏ, điều kiện khai thác khó khăn.

Theo sách địa lí - lịch sử tỉnh Cao Bằng