Tạo sức mạnh khối đại đoàn kết từ các phong trào thi đua, cuộc vận động
Lượt xem: 25

Sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và 15 năm Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã mang lại những kết quả quan trọng, phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Đây sẽ là tiền đề để Mặt trận thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn cách mạng mới.

DSC_7715

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương, khen thưởng 37 tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong 2 Cuộc vận động.

Những kết quả quan trọng

Nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước, tăng cường, tập hợp các tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 1995 và năm 2000, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã phát động toàn quốc hai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Tính đến nay, hai Cuộc vận động đã thực sự khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước; khơi dậy, vun đắp, giữ gìn và phát huy bản săc văn hoá dân tộc.

Ở từng cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, dân số kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ môi trường. Nhân dân ở mỗi khu dân cư đoàn kết phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo pháp luật, theo hương ước, quy ước của cộng đồng, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từ khi phát động, Cuộc vận động đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và tham gia thực hiện. Cuộc vận động đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư; tạo tiền đề và điều kiện cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở.

Đến nay, sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động, cả nước có hơn 18 triệu/gần 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 83,84%; 75.598/111.231 khu dân cư đạt chuẩn danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 67,96%. Hàng trăm ngàn mô hình khu dân cư tự quản, tổ hòa giải được xây dựng và duy trì, không ngừng phát huy vai trò của chính người dân trong xây dựng cuộc sống ở khu dân cư. Nhân kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) hằng năm, hầu hết các khu dân cư trong cả nước tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”; nhiều tỉnh, thành phố thường xuyên đổi mới hình thức tổ chức, làm cho Ngày hội ngày càng ý nghĩa và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con.

Thông qua việc thực hiện Cuộc vận động đã tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đạo đức, lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo được môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội đã từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Sinh hoạt văn hoá vừa thể hiện giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa đa dạng và nâng cao để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân ở tất cả các vùng, miền của đất nước.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phong trào văn hoá cơ sở được phát triển, nhân dân từ các cộng đồng dân cư đã đóng góp tạo ra cơ sở vật chất, điều kiện mới phục vụ cho cuộc sống văn hóa. Cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm được nâng cấp nhanh. Đặc biệt việc xây dựng nhà văn hóa, nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư đã trở thành phong trào rộng khắp ở các đô thị và vùng nông thôn, đồng bằng, miền núi, nâng tổng số nhà văn hóa ở các khu dân cư trong cả nước lên hơn 60 nghìn nhà. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao, dân số, bảo vệ môi trường... thường xuyên được quan tâm và có tiến bộ rõ rệt. Nhiều chương trình được xã hội hóa, huy động công sức của toàn dân từ cộng đồng dân cư, hộ gia đình.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã được Ban vận động Cuộc vận động các cấp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp, thống nhất của Chính phủ, các bộ, ban, ngành có liên quan. Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị ở địa phương, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các cá nhân, hộ gia đình... thông qua việc hỗ trợ ngày công lao động, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vốn, giống, cây con, giúp tạo việc làm, dạy chữ, dạy nghề miễn phí... Cuộc vận động đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm của các cấp Mặt trận trong cả nước, triển khai các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ người nghèo.

Từ khi phát động (tháng 9/2010) đến nay, “Quỹ vì người nghèo” ở bốn cấp đã tiếp nhận hơn 10 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn quỹ, cùng với sự giúp đỡ bằng ngày công, hiện vật trị giá hàng ngàn tỷ đồng và phối hợp với chính quyền các cấp, Mặt trận các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.415.772 căn nhà cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, Mặt trận đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai các chương trình an sinh xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cùng với các chính sách của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể đã vận động nhân dân xây dựng quỹ Vì người nghèo, triển khai các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ các hộ nghèo. Công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và trở thành chủ trương xã hội hóa công tác chăm lo giúp đỡ người nghèo của Nhà nước. Cùng sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của mọi người dân trong việc trợ giúp người nghèo, qua vận động, các tổ chức quốc tế đã ủng hộ và có nhiều hoạt động, dự án hỗ trợ giải quyết vấn đề giảm nghèo ở Việt Nam. Kết quả đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển bền vững của đất nước.

Nâng cao chất và lượng cuộc vận động mới

Đánh giá cao những kết quả của hai Cuộc vận động, tuy nhiên, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng thừa nhận những hạn chế, khó khăn của hai Cuộc vận động này. Đó là trong một thời gian dài, nhiều nơi MTTQ các cấp chưa kịp thời đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phối hợp, tổ chức thực hiện, vì vậy việc thực hiện Cuộc vận động có biểu hiện chững lại. Ở một số nơi có hiện tượng hình thức, qua loa, đánh giá chung chung, chạy theo thành tích, hiệu quả mang lại thấp. Việc phối hợp tổ chức thực hiện các Cuộc vận động, các phong trào thi đua giữa MTTQ và các tổ chức thành viên ở các cấp chưa thật rõ ràng, cụ thể. Một số nơi nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền về ý nghĩa của Cuộc vận động chưa sâu sắc và toàn diện, có nơi còn tư tưởng coi đây là của riêng Mặt trận, thiếu chính sách động viên và hỗ trợ cán bộ cơ sở. Trong thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác vận động nên chưa huy động nhiều nguồn lực chăm lo giúp đỡ người nghèo…

Trước những kết quả quan trọng, những bài học kinh nghiệm cũng như những hạn chế của hai Cuộc vận động trên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định xây dựng Đề án và phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cuộc vận động này là sự kế thừa và tích hợp những kết quả quan trọng của hai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang làm trong thời gian qua.

755580aa-17a6-4fd6-af9d-236c2a7d5ea2

Từ "Quỹ vì người nghèo", MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là cơ sở để MTTQ Việt Nam các cấp hiệp thương với các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền các cấp để xây dựng và triển khai cụ thể chương trình thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam ở các cấp và mỗi địa phương. Theo đó, nội dung cơ bản của Cuộc vận động hướng đến việc phát động toàn dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái. Cùng với đó, vận động toàn dân đoàn kết, tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

Cụ thể, tại khu vực thành thị, căn cứ vào hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, thị trấn đề xuất các tiêu chí cụ thể vận động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư (khu phố, tổ dân phố) và phường, thị trấn theo hướng đô thị văn minh. MTTQ Việt Nam hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh. Các tổ chức thành viên cần xây dựng các mô hình tự quản, đảm nhận các việc cụ thể, hỗ trợ các gia đình cụ thể để phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, mỗi địa phương chung sức xây dựng đô thị văn minh. Hằng năm, vận động các hộ gia đình đăng ký và xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của đô thị văn minh.

Đối với khu vực nông thôn, trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể hóa thành các nội dung để vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, vận động nhân dân tiếp tục phát huy kết quả, tích cực tham gia các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, MTTQ hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát huy tính sáng tạo, tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện cuộc vận động, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đổi mới công tác phối hợp với các tổ chức thành viên; nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; phối hợp rà soát, điều chỉnh các nội dung, điều kiện triển khai Cuộc vận động; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cuộc vận động với các phong trào thi đua của cả nước. MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền xác định các yêu cầu cụ thể ở mỗi địa phương cần tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức thực hiện để đạt được các mục tiêu của phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành bổ sung, hoàn thiện cơ chế thực hiện Cuộc vận động. Như thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng về tiêu chí xây dựng khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; thống nhất với Bộ Xây dựng xây dựng bộ tiêu chí khu dân cư đạt chuẩn đô thị văn minh; thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn nội dung, tiêu chí, khen thưởng đối với Cuộc vận động.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách tạo điều kiện để triển khai Cuộc vận động. Đề nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đề nghị Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án thí điểm về thành lập Trung tâm hoạt động cộng đồng tại một số địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Theo cpv.org.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1