Cao Bằng - Nghị quyết 11/NQ-CP đi vào cuộc sống
Lượt xem: 3763

Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Để thực hiện kịp thời và hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân nhất là người lao động, người nghèo và người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 vượt qua khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, đã giúp hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, từng bước ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ kịp thời, thiết thực

Theo Nghị quyết, NHCSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022-2023), gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong đó cần quan tâm đến đối tượng người lao động từ các khu công nghiệp, các huyện, thành phố vì tác động của dịch COVID-19 quay trở về địa phương sinh sống và có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, duy trì, ổn định cuộc sống; Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; Cho vay đối với học sinh các cấp, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua sắm máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19 và trang trải chi phí học tập; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP là cơ hội cho nhiều hộ nghèo và cận nghèo, đối tượng chính sách của tỉnh Cao Bằng tiếp cận nguồn vốn phục hồi kinh tế, đời sống sau đại dịch COVID-19.

Anh Vi Hoàng Luật, xóm Đông Giang 2, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An vay vốn từ Nghị quyết 11/NĐ-CP để đầu tư nuôi cá lồng

Trao đổi với chúng tôi, anh Vi Hoàng Luật, xóm Đông Giang 2, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An cho biết, cuối tháng 4/2022, gia đình anh được tuyên truyền về chính sách cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP, anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để đầu tư vào trồng rừng, nuôi cá lồng, hiện nay gia đình đã trồng được trên 7ha cây keo, nuôi 02 lồng cá và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng. Anh Luật bày tỏ: “Nguồn vốn vay từ NHCSXH là cơ hội và động lực để tôi thực hiện ước mơ làm giàu ngay chính quê hương mình”.

Gia đình chị Hoàng Thị Pính, xóm Minh Loan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An vay mua sắm máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19

Gia đình chị Hoàng Thị Pính, xóm Minh Loan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, có con đang học lớp 11, gia đình thuộc hộ cận nghèo của thị trấn, do dịch bệnh COVID-19 nên con phải học trực tuyến nhưng gia đình không có điều kiện để mua máy tính cho con đi học. Qua các thông tin đại chúng, cũng như tuyên truyền của cán bộ NHCSXH, các tổ chức hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn gia đình được biết đến chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, gia đình tôi đã đề nghị Tổ Tiết kiệm và Vay vốn bình xét cho vay 10 triệu đồng để mua máy tính phục vụ trong công việc học tập của con. Nhờ vay nguồn vốn này, tôi mới mua được máy vi tính, giúp con thuận tiện học tập”.

Nắm bắt cơ hội phục hồi

Ngay sau khi Nghị Quyết 11/NQ-CP được ban hành, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức triển khai, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền, khảo sát đến các cán bộ công nhân, viên chức, người lao đông trong toàn tỉnh được trên 1.500 người; chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn rà soát, xác định đối tượng và tổng hợp nhu cầu vay vốn từ cơ sở. Từ đó, chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện về hồ sơ thủ tục, quy trình nghiệp vụ cho vay để giải ngân các chương trình, đảm bảo kịp thời đúng đối tượng, theo đúng tinh thần chỉ đạo và mục tiêu của Nghị quyết số 11/NQ-CP, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Nguồn vốn vay từ Nghị quyết 11/NĐ-CP đã giúp HSSV thuận tiện trong học tập

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng được phân bổ 91,8 tỷ đồng để giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Trong đó: chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 30 tỷ đồng; nhà ở xã hội 24,3 tỷ đồng; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 5 tỷ đồng; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 32 tỷ đồng; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 500 triệu đồng. Đến hết tháng 5, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 34 tỷ đồng với trên 614 hộ vay vốn. Các khoản cho vay giải ngân trong 2 năm 2022-2023, lãi suất trên 6%/năm được hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Riêng đối với chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến lãi suất cho vay 1,2%/năm. Qua đó, nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách rất phấn khởi vì được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Để tất cả các đối tượng được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, thời gian tới, chi nhánh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương rà soát đối tượng đủ điều kiện và tổ chức cho vay kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, tổ chức giám sát, nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

PV Dương Liễu – CTV Hữu Nghĩa (NHCSXH tỉnh)

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1