Cao Bằng: Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”
Lượt xem: 3388

Cao Bằng là tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020"; đời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 Những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW và các chương trình, chính sách của Trung ương dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được sự quan tâm, chỉ đạo, quản lý điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến của Mặt trận, các đoàn thể; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan và sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân.

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động được triển khai đến các xã, thôn, xóm. (Nguồn ảnh: baocaobang.vn)

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình việc làm, xuất khẩu lao động và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai chính sách việc làm, xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động, thông báo nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp được triển khai đến thôn, xóm để người lao động lựa chọn việc làm phù hợp khả năng và nguyện vọng. Kết quả giai đoạn 2012-2020, đã tạo việc làm cho 100.431 người (trong đó: đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.393 người; vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 15.837 người; đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh 38.403 người; thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội 44.798 người); tư vấn, giới thiệu việc làm cho 177.617 lượt người; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2020 xuống còn 3,6%.

Trong giai đoạn 2012-2020, đã triển khai thực hiện 82 đề án khuyến công, với tổng kinh phí 15,008 tỷ đồng; đầu tư thêm 10 nhà máy thủy điện, với tổng công suất là 196,9 MW. Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, tăng trưởng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2020 đạt 2.732,4 tỷ đồng, với tổng số hộ còn dư nợ là 57.187 hộ, tăng 1.465,7 tỷ đồng so với năm 2012, tỷ lệ tăng bình quân 12,8%/năm. Thực hiện tốt hoạt động ủy thác thông qua 161 Điểm giao dịch xã, với gần 2.243 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 219.368 lượt người được vay vốn, với số tiền hơn 6.867,787 tỷ đồng, nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho trên 13.500 người lao động, hỗ trợ xây dựng trên 45.600 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ xây dựng 2.174 căn nhà ở cho hộ nghèo. Từ năm 2012 đến nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xây dựng được 955 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân dưới 20%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2016 đạt 86,48% đến hết năm 2021 đạt 91%. Bên cạnh đó, việc đưa lưới điện quốc gia về với các xóm, bản vùng cao đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện để các hộ dân phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đến hết năm 2021, 100% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; số hộ có điện lưới quốc gia là 118.473/130.135 hộ, bằng 91,04% (tăng 15,32% so với năm 2012), trong đó, số hộ nông thôn có điện lưới quốc gia là 85.510/94.944 hộ, bằng 87,95% (tăng 18,24% so với năm 2012).

Hộ dân xã Nam Tuấn, huyện Hòa An được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư nuôi cá lồng

Đối với công tác giảm nghèo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng cho người dân. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh thực hiện đầu tư trên 817 lượt công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, khai hoang phục hóa tạo ruộng bậc thang, hỗ trợ các dự án đa dạng hóa sinh kế tạo việc làm tăng thu nhập cho 221.441 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng và nhân rộng 228 mô hình giảm nghèo, với 7.778 hộ tham gia; hỗ trợ 970.488 liều vắc xin phòng, chống dịch bệnh động vật; hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho 952 hộ, 06 bộ trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động...; 105.233 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất tạo việc làm; cấp 3.202.200 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ cận nghèo; thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 9.483 hộ.

Giai đoạn 2012-2015, tỷ lệ giảm nghèo đạt 17,12%, mỗi năm bình quân giảm 4,28%. Giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ giảm nghèo đạt 20,5%, giảm bình quân 4,12%/năm, đạt 137,3% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bình quân giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm đạt 4%. Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 bền vững hơn giai đoạn 2011-2015.

          Có được những kết quả này do tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình, dự án, như: Thực hiện Chương trình 30a (Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn). Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo giai đoạn 2016-2020 là 444.699 triệu đồng, thực hiện giải ngân được 421.507,8 triệu đồng (bằng 94,78% KH giao); Chương trình 135 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn). Tổng vốn kế hoạch giao là 358.852 triệu đồng, thực hiện giải ngân đạt 349.577,6 triệu đồng (bằng 97,41% KH giao). Bên cạnh đó, triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 với tổng vốn kế hoạch giao là 6.502 triệu đồng, thực hiện giải ngân đạt 6.502 triệu đồng (đạt 100% KH giao).

Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

Để hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh, từ năm 2012 đến nay, thực hiện hiệu quả Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2), toàn tỉnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa 11.523 nhà ở với tổng kinh phí trên 329 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22 là 9.397/10.001 nhà (4.465 nhà làm mới, 4.932 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 276 tỷ 448 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33 là 2.126/3.735 nhà (1.928 nhà làm mới, 198 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 52 tỷ 975 triệu đồng. Ngoài 2 chương trình trên, nhiều hộ gia đình chính sách, hộ hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về nhà ở thông qua việc huy động từ nhiều chương trình, tổ chức, các nhà hảo tâm khác nhau, như: nhà tình nghĩa, nhà "Đại đoàn kết", các quỹ thiện tâm, thiện nguyện... Nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa, chất lượng nhà ở của đồng bào các dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ngày càng kiên cố, bảo đảm an toàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NĐ-CP ngày 09/02/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 236.908 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; 100% hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ tiền điện. Các hoạt động chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, trợ giúp đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, trợ cấp cứu đói giáp hạt được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trợ cấp xã hội thường xuyên cho 129.452 lượt đối tượng tại cộng đồng, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội 1.816 lượt người; trợ giúp khó khăn đột xuất cho 13.817 trường hợp; trợ cấp mai táng phí cho 5.000 trường hợp; thực hiện cứu đói tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt cho 229.494 hộ, 954.168 khẩu, với số gạo 16.930,2 tấn. Tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 47.696 lượt người cao tuổi, trong đó có 150 lượt cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước gửi thiếp chúc thọ.

Cấp phát gạo cứu đói giáp hạt cho người dân huyện Bảo Lâm

Các chính sách, pháp luật của Nhà nước về Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế cho người lao động là người dân tộc thiểu số được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai mạnh mẽ. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 48.807 người tham gia BHXH, tăng 13.515 người so với năm 2012; có 26.823 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 7,69% lực lượng lao động, tăng 2.183 người so với năm 2012. Toàn tỉnh đã hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 11 đơn vị sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, với 774 lao động là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ, tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại tỉnh đến hết năm 2020 đạt 97,40%.

Các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách về dân tộc và về an sinh xã hội. Đến nay, truyền hình đã phủ sóng đến 100% cấp xã; phát thanh phủ sóng 98% cấp xã. Có 45% số xã có trạm truyền thanh và hệ thống loa đến các xóm; thực hiện tốt chính sách cấp không thu tiền 19 đầu báo miễn phí đến các điểm Bưu điện văn hóa xã và UBND xã. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã duy trì, xây dựng phát sóng 4 thứ tiếng trên sóng phát thanh (Tày - Nùng; Mông; Dao; Tiếng Việt) và 3 thứ tiếng trên sóng truyền hình (tiếng Việt, tiếng Mông và tiếng Dao) chất lượng HD trên vệ tinh Vina Sat 1 nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng sử dụng ngôn ngữ dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội nêu trên góp phần phát triển kinh tế - xã hội  vùng dân tộc thiểu số toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần xã đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.

Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ việc làm, cung cấp các dịch vụ việc làm có chất lượng cao theo nhu cầu nhằm thu hút them các nguồn vốn từ doanh nghiệp, cơ sở, sử dụng lao động và người lao động. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm; tiếp tục thực hiện các dự án, tiểu dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để  triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho đối tượng hộ nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo có thu nhập ổn định, thông qua việc hỗ trợ các vật tư mang tính bền vững, lâu dài như: máy móc, công cụ phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, giống đại gia súc, giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao… Ưu tiên chăm sóc sức khỏe của đồng bảo dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đảm bảo nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, nhất là đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1