Sức bật Hoàng Tung
Lượt xem: 34

Trở lại Hoàng Tung (Hòa An) khi xuân mới cận kề, đi trên cây cầu bê tông bề thế bắc qua sông Bằng nối liền Hoàng Tung với chợ Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố), trong tôi dạt dào cảm xúc về con người, vùng đất nơi đây. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Hoàng Tung vững bước trên đường đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trở lại Hoàng Tung (Hòa An) khi xuân mới cận kề, đi trên cây cầu bê tông bề thế bắc qua sông Bằng nối liền Hoàng Tung với chợ Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố), trong tôi dạt dào cảm xúc về con người, vùng đất nơi đây. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Hoàng Tung vững bước trên đường đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

dien%20mao

Diện mạo mới trên xóm Bến Đò, xã Hoàng Tung (Hòa An).

TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG

Trên xe ô tô cùng chúng tôi đi một vòng qua các xóm: Kế Nông, Bến Đò, Nà Nâm, Hào Lịch, Bó Lếch, Làng Đền..., giới thiệu về những đổi thay của quê hương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoàng Tung Lý Văn Thư không giấu nổi niềm tự hào. Anh bảo, được tham gia Ban Chỉ đạo biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hoàng Tung, anh càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, những gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha anh. Từ đó mà tự hào, mà càng thấy cần phải trách nhiệm, tận tụy hơn với công việc của một cán bộ xã.

Theo lời anh Thư, qua những trang lịch sử Đảng bộ, cảnh lầm than của người dân mất nước và những năm tháng hào hùng khí thế cách mạng của Hoàng Tung cũng hiện về. Ngày xưa, đất đai rộng nhưng cả xóm Bến Đò, xóm trung tâm của xã Hoàng Tung có 7 nóc nhà mà quanh năm thiếu ăn. Không riêng Bến Đò mà cả xã đói quanh năm vì phần lớn thóc gạo làm ra đều bị nộp cho giặc Tây, giặc Nhật, lại thêm cảnh phu phen tạp dịch triền miên. Xác xơ những mái nhà lợp rơm, người được đi học đếm trên đầu ngón tay...

Bị áp bức bóc lột, dồn nén đến cùng cực nên người dân Hoàng Tung rất căm thù quân xâm lược và bè lũ tay sai và sớm được giác ngộ, hăng hái tham gia các tổ chức cách mạng. Ngay từ những năm 1926 - 1927, nhiều con em của Hoàng Tung đã được cử sang Trung Quốc dự các lớp huấn luyện, trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng trở về xây dựng phong trào cách mạng tại quê hương. Ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập tại khu Nặm Lìn, Kế Trang (xóm Hào Lịch, Hoàng Tung). Dù bị địch khủng bố gắt gao, nhưng nhân dân Hoàng Tung vẫn một lòng kiên trung bảo vệ, chở che những hạt giống đỏ của cách mạng. Để từ nơi đây, tổ chức Đảng phát triển lớn mạnh, lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh hoà với cuộc cách mạng của cả dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trải qua các cuộc kháng chiến, toàn xã có tới 66 cán bộ Lão thành Cách mạng; 33 gia đình được tặng Bằng có công với nước; 68 người con ưu tú của Hoàng Tung đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Ghi nhận những đóng góp lớn lao của Hoàng Tung trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã 2 lần phong tặng Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Hoàng Tung danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.  

HOÀNG TUNG ĐỔI MỚI

Hoàng Tung hôm nay đang thay da, đổi thịt từng ngày. Điện tỏa sáng khắp  các xóm, bản; trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang; 14/14 xóm đều có đường ô tô, nhiều tuyến đường đã được bê tông hóa. Xã đã phổ cập THCS, duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ngày càng nhiều học sinh của xã bước chân vào các giảng đường đại học, được đào tạo trở thành cán bộ giữ trọng trách ở huyện, tỉnh, Trung ương; đã có 3 con em của xã đạt đến học vị tiến sỹ, 7 người đạt học vị thạc sỹ.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hoàng Tung ra sức phát huy nội lực xây dựng quê hương. Xuân này, Hoàng Tung lại càng vui hơn vì có thêm nhiều nét mới. Trong năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ 29,6 triệu đồng mua xi măng, nhân dân đóng góp 30,8 triệu đồng làm đường bê tông giao thông nông thôn tuyến Bản Gải - Nà Riềm dài 153 m, rộng 2,5 m, bê tông dày 0,15 m, nâng số xóm có đường bê tông lên 7/14 xóm. Trong phát triển kinh tế, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, ở những xóm khó khăn về nước tưới, bà con chuyển đổi đất trồng lúa một vụ sang trồng ngô nếp giống mới, bán lẻ hoặc bán giao ngay tại chân ruộng cũng thu được 5 triệu đồng/vụ trên diện tích 500 m2.  Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) được triển khai tại xã với 79 hộ tham gia, đồng thời, mở 8 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 240 lượt người; phong trào chăn nuôi theo hướng hàng hóa được nhân rộng, nhờ vậy mà tổng đàn lợn đạt 2.691 con, vượt 10% kế hoạch, tăng 241 con so với năm 2013.

Các chỉ tiêu phát triển KT -XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh xã đều thực hiện hoàn thành và vượt mức so với kế hoạch. Hiện nay, toàn xã không còn nhà tạm, nhà dân hầu hết đều được xây cấp 4 trở lên, nhà nào cũng có xe máy, ti vi và các phương tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hơn 90% diện tích được cày, bừa bằng máy. Khá nhiều diện tích được chuyển đổi sang trồng rau màu và cây lâu năm; lương thực bình quân đầu người đạt trên 600 kg/năm. 89% số hộ đạt Gia đình văn hóa; 14/14 xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; cả xã chỉ còn 16/834 hộ thuộc diện nghèo.

Đồng chí Lê Quang Tấn, Chủ tịch UBND xã vui vẻ nói với chúng tôi: Đáng mừng nhất là nhân dân xã ngày càng chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, thi đua góp công, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Được Nhà nước đầu tư gần 3 tỷ đồng bê tông hóa và mở rộng tuyến đường 1,6 km từ xóm Bến Đò vào đền Vua Lê, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ hàng rào, cây ven đường để giải phóng mặt bằng, không tính đền bù. Xã cũng đang chỉ đạo thi công 6 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 1,8 km, rộng từ 1,5 - 2,5 m, đổ bê tông dày từ 0,1 - 0,15 m, với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tạm biệt Hoàng Tung, từ đồi Gò Riềng nhìn xuống, cả cánh đồng Bến Đò rộng gần 20 ha đã được cày ải kỹ càng chuẩn bị bước vào vụ xuân; thấp thoáng giữa màu xanh của những lũy tre yên bình là những mái tôn tươi đỏ, rất nhiều những ngôi nhà mới xây... Lòng tôi rộn vui khi được biết, trong năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Vì người nghèo huyện, xã đã vận động nhân dân quyên góp giúp xóa nhà tạm cho 2 hộ nghèo đặc biệt khó khăn do neo đơn, bệnh tật ở xóm Hào Lịch. Những căn nhà đầy tình nghĩa ấy góp thêm sắc màu cho một mùa Xuân mới của Hoàng Tung hôm nay. Được chứng kiến cảnh bà con xóm Nà Nâm, xóm có điều kiện giao thông khó khăn nhất xã hồ hởi góp tiền, góp công, thuê máy xúc mở đường vào Nhà văn hóa xóm, đồng thời, tạo thêm một tuyến đường giao thông nông thôn càng làm chúng tôi cảm nhận sâu sắc ý chí, niềm tin mãnh liệt của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Mỗi mùa Xuân về, vùng đất Anh hùng này lại càng có nhiều đổi thay lớn lao, mạnh mẽ.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1