Để chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thực sự là động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số
Lượt xem: 4502

Cao Bằng là một tỉnh miền núi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Hiện nay dân số của tỉnh có trên 510 nghìn người với 8 thành phần dân tộc chính: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô, Hoa, trong đó có hơn 94% là dân tộc thiểu số.

Cao Bằng là một tỉnh miền núi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Hiện nay dân số của tỉnh có trên 510 nghìn người với 8 thành phần dân tộc chính: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô, Hoa, trong đó có hơn 94% là dân tộc thiểu số. Tỉnh có tiềm năng phát triển về nhiều mặt, nhưng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, hạ tầng cơ sở còn thấp kém, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng phương thức sản xuất, tập quán canh tác vùng đồng bào còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.
 

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thông Nông được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đồng bộ liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh... Là một tỉnh miền núi đông đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên Cao Bằng được hưởng hầu như tất cả các chính sách dân tộc do Đảng và Nhà nước ban hành. Trong các chính sách dân tộc mỗi chính sách đều có vị trí quan trọng riêng, tạo nên hệ thống chính sách nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào các dân tộc. Nhờ các chính sách đó, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ nét, có những chương trình, chính sách đã gắn bó lâu dài với bà con qua các giai đoạn, ghi dấu ấn khó phai mờ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc như Chương trình 135 của Chính phủ. Chương trình 135 là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, hiện nay chương trình đang thực hiện hai nội dung (hợp phần) lớn đó là xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ phát triển sản xuất. Hợp phần xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm tăng cường hạ tầng cơ sở tạo điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống.  

Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất có tổng nguồn vốn trong giai đoạn 2011 - 2015 là 130,67 tỷ đồng; các nội dung hỗ trợ gồm mua máy móc phục vụ sản xuất và chế biến nông, lâm sản, vật tư, giống cây trồng, giồng vật nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất... Trong giai đoạn vừa qua đã có hơn 20.000 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ để phát triển sản xuất. Đồng bào các dân tộc được tiếp cận với những mô hình làm ăn tốt, có hiệu quả cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời  sống được quan tâm mở rộng. Trong quá trình quản lý, tổ chức triển khai dự án, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên một bước. Trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như: thuốc lá, chè, mía, ngô, trúc sào, cam, quýt, nuôi bò, dê...

Theo báo cáo của các huyện, tỷ lệ giải ngân của dự án năm 2015 bình quân đạt 85%, chương trình đã và đang triển khai thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển các mặt về sản xuất, đời sống, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nói riêng và địa bàn toàn tỉnh nói chung. Chương trình đã góp phần từng bước đổi thay bộ mặt nông thôn và vùng đồng bào dân tộc tỉnh Cao Bằng, đã góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo của tỉnh, làm tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm bình quân 4 - 6%/năm. Trong những năm tới chương trình tiếp tục được duy trì sẽ góp phần hết sức quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Mặc dù kết quả đạt được rất đáng khích lệ nhưng đến nay, nhìn tổng thể cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các dân tộc, vùng miền còn lớn; một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, đồng bào còn có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước, vào sự hỗ trợ của cộng đồng, chưa tự vươn lên thoát nghèo mạnh mẽ.

Công tác tuyên truyền, quán triệt chưa làm tốt. Một số người dân được hỗ trợ nhưng không biết từ chính sách nào. Công tác giải ngân chưa tốt, chỉ đạt bình quân trên 85%/năm. Định mức hỗ trợ thấp, chưa đồng bộ, việc xây dựng nhu cầu đăng ký của người dân chưa thực sự phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng dân tộc. Việc huy động người dân chủ động tham gia xóa đói giảm nghèo cho gia đình và địa phương còn nhiều bất cập. Một số nội dung hỗ trợ còn trùng lặp với chính sách khác.

Thủ tục triển khai phức tạp, văn bản hướng dẫn nhiều do chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp giữa quy định chung và thực tế tại địa phương, việc thanh quyết toán còn gặp  khó khăn. Khâu lập kế hoạch, rà soát cấp phát phải có quy trình trong khi đó sản xuất của nhân dân lại mang tính mùa vụ nên thường xảy ra tình trạng lỡ kế hoạch, không kịp thời vụ. Công tác phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện qua nhiều cấp, nhiều ngành nên chậm, thường xảy ra sai sót. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn và nhân dân chưa thường xuyên.

Để thực hiện tốt chương trình trong giai đoạn tới cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Làm tốt công tác triển khai chính sách dân tộc nói chung, triển khai Chương trình 135 đến các xã đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo (đối tượng được thụ hưởng) phải hiểu chính sách, chủ động tiếp thu nguồn lực Nhà nước chỉ là hỗ trợ.

Tăng cường công tác quản lý ở các cấp, nhất là cấp xã, thôn. Cùng với triển khai cần đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát cộng đồng tại địa phương triển khai chương trình.

Phối hợp chương trình này với các chương trình, dự án khác nhằm tạo hiệu quả đồng bộ, tránh trùng lặp gây lãng phí.

Quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở, thông qua chương trình mà đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Xây dựng các mô hình tiêu biểu, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để người dân học tập.

Về phía Nhà nước: rà soát chính sách, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, ban hành chính sách khác phù hợp hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo định mức đầu tư đã đưa ra.

Việc triển khai hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 trên địa bàn  tỉnh trong những  năm vừa qua khẳng định kết quả đạt được là rất quan trọng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1