Dấu ấn Nghị quyết “Tam nông”
Lượt xem: 3863

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết “Tam nông”) sau hơn 13 năm được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tạo nên những dấu ấn quan trọng, có ý nghĩa “bước ngoặt” thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển toàn diện.

Trong những năm qua, với tinh thần quyết liệt, nhanh chóng đưa Nghị quyết “Tam nông” vào cuộc sống được các cấp ủy, chính quyền của tỉnh khẩn trương thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể: Đổi mới việc học tập, quán triệt Nghị quyết “Tam nông” theo hướng thực chất, thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương, tránh hình thức, qua loa, chiếu lệ; coi trọng việc thảo luận, bàn giải pháp thực hiện; phát huy tính tự giác, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu, thảo luận và tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch hành động… tạo sự đồng thuận, tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Để cụ thể hóa Nghị quyết “Tam nông” phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 14/10/2013 thực hiện Nghị quyết số 26 giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn 2020; Chương trình 07-CTr/TU ngày 29/4/2011 về phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm, nghiệp giai đoạn 2011-2015; Chương trình 08-CTr/TU ngày 19/4/2016 về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả, mô hình kinh tế. HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; UBND tỉnh thường xuyên rà soát, vận dụng chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ mục tiêu… được ban hành kịp thời để thực hiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình thuốc lá chất lượng cao tại xã Nam Tuấn (Hòa An)

Với sự lãnh, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp đạt những kết quả tích cực. Diện tích gieo trồng tăng từ 82.460 ha năm 2008 lên 92.425 ha năm 2020; tổng sản lượng cây có hạt tăng từ 236,8 nghìn tấn năm 2008 lên 282 nghìn tấn năm 2020; lương thực bình quân đầu người năm 2020 đạt 511 kg, tăng 10,1% so với năm 2008; tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 546,63 tấn, tăng 65% so với năm 2008. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 49,5% năm 2008 lên 55,29% năm 2020. Giá trị sản xuất trồng trọt năm 2008 đạt trên 18 triệu đồng/ha, đến năm 2020 tăng lên 40 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 5,93 triệu đồng, đến năm 2020 tăng lên 17 triệu đồng. Số lượng HTX nông nghiệp tăng từ 20 HTX năm 2008 lên 96 HTX năm 2020.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2008 đạt 1.549 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 4.411 tỷ đồng (tăng 2.862 tỷ đồng (tăng 285%)); giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn năm 2008 là 426,6 tỷ đồng, đến năm 2020 tăng lên 621 tỷ đồng, tốc độ bình quân tăng trưởng giai đoạn đạt 12,59%. Hộ nghèo giảm từ 31,25% năm 2008 xuống còn 22,06% cuối năm 2020. Gần 100 đề tài, dự án khoa học nông nghiệp được triển khai thực hiện…

Tỉnh quan tâm công tác khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng đến sản xuất hàng hóa theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được chú trọng thực hiện. Tạo hành lang cơ chế, chính sách thông thoáng, môi trường tiềm năng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp. Giai đoạn 2008-2020, toàn tỉnh đầu tư hỗ trợ 97,3 tỷ đồng thực hiện 161 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 35 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Các dự án tiêu biểu như: Hợp tác xã chăn nuôi lợn hương rừng Thắng Lợi (Hà Quảng) đầu tư 300 con lợn nái giống Thái Lan, 30 con lợn nái giống lợn hương, 50 con lợn nái giống ngoại; Dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn rừng sinh sản theo quy mô tập trung đảm bảo an toàn sinh học của Hợp tác xã Thành Lộc (Bảo Lạc) quy mô 60 con lợn rừng sinh sản… Đặc biệt năm 2020, Tập đoàn TH thực hiện Dự án đầu tư chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa có tổng vốn đầu tư 2.544,5 tỷ đồng, dự kiến xây dựng cụm trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô đàn bò sữa 10.000 con và nhà máy chế biến sữa công suất 49.000 tấn/năm.

Các đại biểu tham quan, đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, nhằm đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản địa phương, tỉnh tăng cường triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng giá trị nông sản thông qua chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại bài bản. Thông qua chương trình, tiến hành thống kê, đánh giá được trên 200 sản phẩm chủ lực của địa phương có thể tham gia Chương trình OCOP. Năm 2020, có 24 sản phẩm của 21 chủ thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm hạng 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021, tỉnh tiếp tục phân hạng, đánh giá 30 sản phẩm của các địa phương tham gia Chương trình. Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành đã thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của địa phương và của tỉnh phát triển.

Từ các chính sách đầu tư cho "Tam nông", ngành nông nghiệp tỉnh liên tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Giá trị gia tăng bình quân nông nghiệp trên 2,22%/năm.    

Những con đường vào xóm được xây mới, nâng cấp đã làm thay đổi diện mạo, thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống nhân dân

 Nghị quyết “Tam nông” đã góp phần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được hiện thực hóa bằng các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là động lực khiến bức tranh nông thôn Cao Bằng đã có thay đổi vượt bậc về diện mạo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn. Giai đoạn 2008-2021, toàn tỉnh đã huy động trên 15.000 tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng NTM; xây dựng,  hơn 3.520 km đường các loại. Tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi cho 116.565 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên vay vốn; hỗ trợ trên 9.600 hộ hoàn cảnh khó khăn làm nhà ở; đầu tư xây dựng 2.180 công trình; duy tu, bảo dưỡng 334 công trình. Hộ nghèo giảm trên 3%/năm.

Hiện nay, diện mạo nông thôn ở Cao Bằng thực sự đổi thay toàn diện, hạ tầng đường giao thông, các công trình văn hóa, hệ thống điện, cơ sở vật chất y tế, giáo dục, môi trường được quy hoạch lại, nâng cấp, xây mới theo các tiêu chí NTM một cách đồng bộ. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 12,2% tổng số xã; 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 52 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 64 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; không xã nào dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 11,07 tiêu chí/xã.       

Bằng các giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã giúp cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh nhận diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong việc thực hiện Nghị quyết “Tam nông” tại tỉnh. Đồng thời, có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn, tình hình trong quá trình thực hiện. Qua đó, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân để hiểu đúng, trúng và thực hiện hiệu quả nghị quyết, khiến Nghị quyết “Tam nông” thật sự “sống” và “thấm sâu” vào cuộc sống.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1