Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 126

Bằng các chính sách dân tộc thiết thực và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần từng bước cải thiện, khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng DTTS đang dần được thu hẹp. Đảm bảo tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS, miền núi và khu vực biên giới không ngừng củng cố và tăng cường.

Việc triển khai Dự án 2, Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, góp phần quan trọng vào chuyển biến trong sản xuất gắn với thị trường, các công trình hạ tầng được đầu tư thêm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa của đồng bào, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng. Trong Giai đoạn này, tỉnh đã thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng được 885 lượt công trình; duy tu, bảo dưỡng 356 công trình cơ sở hạ tầng; đầu tư 02 điểm định canh định cư tại xóm Tả Cán, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng và xóm Phiếng Pa, Phiếng Buông, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc. Thực hiện 780 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bằng việc hỗ trợ gia súc, gia cầm, các loại cây ăn quả, cây lương thực, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp,  phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp... xây mới, sửa chữa 628 chuồng trại cho 106.233 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Triển khai 194 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, làm đường với 7.120 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%, thêm ít nhất 1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người tỉnh đã hỗ trợ 1.079.316 cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao (cây quế, cây hồi và cây dầu sở); 354 con bò cái sinh sản; 167 chuồng trại. Tổ chức 13 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bình đẳng giới cho 416 đại biểu, trong đó tỷ lệ phụ nữ tham gia chiếm trên 90%.

anh tin bai

Các công trình được đầu tư xây dựng khang trang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS

Từ nguồn vốn của Dự án 1 Chương trình 30a, tỉnh đầu tư 599 công trình  thực hiện duy tu bảo dưỡng 156 công trình. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được 468 dự án với tổng số hộ thụ hưởng 59.404 hộ; hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo các thôn, bản biên giới, hộ nghèo nhận khoán, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực 4.569 hộ, 22.054 khẩu, 877,545 tấn gạo; triển khai 26 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với 1.328 hộ nghèo, cận nghèo tham gia; tiêm phòng được 970.488 liều gồm Vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò; dịch tả lợn; nhiệt thán. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện 78 mô hình dự án ngoài Chương trình 135 và Chương trình 30a nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thí điểm tạo việc làm công cho người nghèo thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng nhỏ ở thôn bản, tổ chức truyền thông về giảm nghèo, hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho 952 hộ nghèo thuộc các dân tộc rất ít người; hộ nghèo sống tại các xã đặc biệt khó khăn. Quan tâm đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mai tại vùng đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo là 12,32%, bình quân mỗi năm giảm ở mức 4,11% (đạt mục tiêu đề ra); tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm trên 5%. Đến hết năm 2023 thu nhập bình quân/người/năm của tỉnh là 41,5 triệu đồng. Ngành Nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh; tập trung hình thành các vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, chú trọng cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, tổ chức các hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS. Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hoàn thành giao đất gắn với rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo quy hoạch được phê duyệt; giải quyết đất ở, đất sản xuất và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo là người Kinh sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ người dân giống trâu, bò, lợn nái sinh sản... đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi; công tác giám sát dịch bệnh được quan tâm thực hiện, đa số các ổ dịch bệnh được phát hiện và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đẩy mạnh xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Theo đó, những năm qua, công tác xóa mù đang được triển khai ở nhiều địa phương và mang lại hiệu quả tích cực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có thể nói là một giải pháp hữu hiệu để ngành văn hóa và các địa phương tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào DTTS trong giai đoạn mới một cách hiệu quả.Tỉnh Cao Bằng đã kịp thời triển khai các nội dung của Dự án và đạt những kết quả tích cực bước đầu. Từ nguồn kinh phí được cấp cho các hoạt động tỉnh đã triển khai xây dựng 73 nhà văn hoá xóm; 18 điểm đến du lịch tiêu biểu; hướng dẫn tổ chức thành lập 01 câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá truyền dạy dân ca các dân tộc; hỗ trợ đầu tư bảo tồn 02 làng, bản phát huy giá trị văn hóa văn hoá truyền thống tiêu biểu của các DTTS gắn với phát triển du lịch... Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn liền được với phát triển du lịch là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân.

 Nỗ lực triển khai các nội dung của Dự án 7 về Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đã có 11 trạm y tế xã được hỗ trợ thực hiện thí điểm về Y học gia đình năm 2022; thực hiện chuyển giao kỹ thuật “Xét nghiệm đường máu mao mạch” cho 25 Trạm Y tế thuộc Trung tâm y tế các huyện. Tổ chức được 983 buổi tiêm chủng ngoại trạm cho 9.615 lượt người. Tổ chức chuyển giao kỹ thuật phục hồi chức năng (pha 1) cho 280 viên chức y tế thuộc 101 Trạm Y tế xã vùng III. Khám sức khẻo định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi tại 114 xã vùng III được 5403/8887 trẻ, đạt 60,8%. Các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi được triển khai tại 100% xã, phường trong toàn tỉnh... Theo đó, sau hơn 3 năm trển khai, bước đầu đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, nhất là tỷ lệ phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em đã cải thiện đáng kể.

anh tin bai

 Cán bộ y tế tuyến cơ sở khám bệnh ban đầu cho đồng bào DTTS

Bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cho trên 9.600 người dân tại các xóm. Đẩy mạnh tuyền truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS&MN với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng giáo dục truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về sức khoẻ sinh sản, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép phổ biến kiến thức về nâng cao chất lượng dân số; in ấn và cấp phát tờ rơi với nội dung về những hiểu biết đầy đủ để có hành động đúng trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho các đối tượng là học sinh, thanh niên và người dân vùng DTTS&MN.

Triển khai 03 mô hình tạo việc làm thông qua đầu tư công trình đường giao thông nông thôn quy mô nhỏ ở thôn, bản và 03 mô hình chăn nuôi, tổng số hộ hưởng lợi 898 hộ; 01 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cây thuốc lá tại các xã Dân Chủ, Hồng Nam, Ngũ Lão cho 202 hộ và trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, 124 dự án, kế hoạch phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai với trên 16.400 hộ hưởng lợi. Tổ chức đào tạo nghề cho 1.607 người; hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm, kết nối việc làm cho 1.050 lao động của các huyện; hỗ trợ đào tạo và các chi phí khác trong quá trình đào tạo và các thủ tục xuất cảnh cho người lao động. Thực hiện hiệu quả chủ trương này, sẽ từng bước giải quyết được việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Tăng cường cơ sở vật chất thiết lập mới, nâng cấp mở rộng hệ thống đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại 156 xã chưa có đài truyền thanh, các xã có đài truyền thanh công nghệ không dây FM đã hư hỏng xuống cấp; nâng cấp 01 Cụm thông tin cơ sở tại Cửa Khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Quảng Hòa phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới, duy trì, vận hành 99 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân tại các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn

Nhìn chung, Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ cho người DTTS và vùng đồng bào DTTS được triển khai đã bao phủ trên mọi lĩnh vực, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của người dân, hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu thiết yếu cho hộ DTTS nghèo, người dân vùng đồng bào DTTS... giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Công tác triển khai được thực hiện công khai, minh bạch, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành liên quan đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, nội dung hỗ trợ đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân; qua đó, góp phần giải quyết các khó khăn về đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tạo lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm chuyển biến về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện và đạt kết quả khá tốt, người dân luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Kim Thoa





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1