Bên lề Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng với sự tham gia của hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, tỉnh tổ chức không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thu hút đông đảo người dân, du khách và các đại biểu đến tham quan, mua sắm.
Không gian trưng bày các gian hàng OCOP
Khu vực trưng bày được thiết kế thành gian lớn với sự đa dạng, phong phú về sản phẩm; tỉnh Cao Bằng có 30 gian hàng đến từ các huyện, thành phố với nhiều đặc sản như: hạt dẻ Trùng Khánh, Gạo nếp hương, măng khô Bảo Lạc, Nấm hương, miến Nguyên Bình…các sản phẩm OCOP được Sở Công thương lựa chọn đều đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, tất cả đều có biển tên sản phẩm, niêm yết giá và có sản phẩm dùng thử để người tiêu dùng được trải nghiệm và dễ dàng lựa chọn. Tính chung khu vực trưng bày có 60 gian hàng từ ba miền Bắc - Trung - Nam, với nhiều đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và các sản phẩm OCOP đạt chuẩn, mang đến một bức tranh đầy màu sắc về văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Những sự kiện như thế này đã tạo cơ hội cho các chủ thể sản phẩm OCOP tiếp cận với lượng khách hàng mới trong nước và quốc tế.
Hiện nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP (13 sản phẩm OCOP 4 sao và 131 sản phẩm OCOP 3 sao) thuộc 4 nhóm sản phẩm gồm: 124 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 11 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 06 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Chủ thể thực hiện gồm 91 chủ thể, trong đó: 27 HTX, 07 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp, 47 hộ sản xuất kinh doanh.
Các gian hàng giới thiệu tỉ mỉ về sản phẩm tới khách hàng
Bà Phạm Thị Chính, đại diện gian hàng Thành phố Cao Bằng chia sẻ: Với mục tiêu đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản đến với người tiêu dùng trong cả nước, tôi đã tiếp cận nhiều kênh phân phối, cũng như tham gia tích cực các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, cùng các ngành, địa phương, tôi đã có điều kiện tiếp cận với khách hàng nhiều nơi thông qua các sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại. Tôi cho rằng, đây là hoạt động cần thiết, nên duy trì thực hiện thường xuyên để chủ thể sản phẩm OCOP có cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường. Thông qua kênh bán hàng này, sản phẩm nông sản của tỉnh đã tiếp cận với khách hàng mới trên cả nước, giúp gia tăng doanh số hiệu quả.
Thời gian qua, các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó chương trình OCOP bước đầu đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Hàng trăm loại nông sản đặc hữu, ẩm thực địa phương như gạo nếp, đỗ xanh, đỗ đen, nấm hương, mộc nhĩ; đặc sản như miến dong, bún khô, lạp sườn hun khói, tương Mẹc Cảng,... Các sản phẩm OCOP tiềm năng, chất lượng cao, được trồng, chăm sóc và chế biến tự nhiên, an toàn, tốt cho sức khỏe, lựa chọn, đánh giá kỹ càng trước khi bày bán. Cho đến các sản phẩm thủ công như Dao Phúc Sen, thổ cẩm, sản phẩm lưu niệm...
Sản phẩm Mật ong được trưng bày giới thiệu tại gian hàng
Tại không gian trưng bày sản phẩm mỗi gian hàng không chỉ mang đến những sản phẩm chất lượng mà còn giúp người tiêu dùng hiểu thêm về nguồn gốc, quy trình sản xuất, cùng những giá trị văn hóa, lịch sử mà các sản phẩm này mang lại. Bên cạnh đó, khách tham quan có thể trải nghiệm, mua sắm và tìm hiểu về những nét đặc sắc của từng địa phương qua các sản phẩm; các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, đạt danh hiệu OCOP, thể hiện cam kết về chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Chị Hoàng Thị Lan, phường Sông Hiến (Thành phố) chia sẻ: Những sản phẩm nông nghiệp do nông dân mình làm ra thực sự rất tốt, tôi cũng hay mua để gửi đi cho các con, các con cháu đang sinh sống ở Hà Nội. Hôm nay tôi đến đây để mua các nông sản đặc sản như miến, nấm hương, măng khô, cũng như một số loại dược liệu về dùng dần, OCOP là sản phẩm đặc trưng địa phương đã đánh giá nên tôi sử dụng cảm thấy rất an tâm.
Đại diện gian hàng OCOP đến từ Hà Giang chia sẻ: Mình là người trực tiếp làm các sản phẩm nông nghiệp, đặc trưng quê hương mình. Thực sự là khi làm ra một sản phẩm, chúng tôi làm rất tâm huyết, nên thông qua những dịp giới thiệu, bày bán sản phẩm như thế này tôi thấy sẽ có nhiều người biết đến các sản phẩm OCOP hơn không chỉ riêng của Hà Giang mà của các tỉnh khác nữa, sau này cứ nói đến tỉnh này huyện kia là sẽ biết tới sản phẩm đó, tên thương hiệu đó mà yên tâm mua về sử dụng.
Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa là hướng đi bền vững, giúp không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là mục tiêu lâu dài mà tỉnh Cao Bằng cũng như các tỉnh, thành khác trong vùng CVĐC hướng đến, thông qua các sản phẩm OCOP và hoạt động giao lưu, quảng bá tại các sự kiện quốc tế. Đồng thời, qua đó các chủ thể có sản phẩm OCOP chủ động tăng cường liên kết, gắn kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị để mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu.
Kim Cúc