Tiếp tục thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến
Lượt xem: 109

Chuyển đổi diện tích cây trồng để tăng diện tích các loại cây trồng đột phá; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tạo đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị các loại cây trồng, vật nuôi; thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung. Đẩy mạnh việc thực hiện phát triển thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu đang là xu thế và được coi là bước đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng. 

anh tin bai

Cây Lê đang được tỉnh chú trọng mở rộng diện tích

6 tháng đầu năm 2024, việc thực hiện kế hoạch đột phá về nông nghiệp cơ bản kịp tiến độ so với kế hoạch năm đề ra. Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích trồng mới cây Lê được 24,3 ha, bằng 28,6% kế hoạch (KH), nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 547,08 ha; cây Dẻ trồng mới được 190,83 ha, bằng 93,08% KH, nâng tổng diện tích lên 934,9 ha; cây thuốc lá mở rộng thêm được trên 1.398 ha so với năm 2023, đạt trên 1.260 % KH, nâng tổng diện tích lên 5.172,2 ha; cây Thạch đen trồng được 554,9 ha, mở rộng thêm được 177,2 ha so với năm 2023, đạt 91,8% KH.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, UBND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò cho 1.164 con trâu, bò, đạt 77,64%KH. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đàn lợn nái, lợn thịt 77 con, bằng 3,08% KH. Hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi 41,9 ha, đạt 55,87% KH năm 2024. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố đang tiếp tục triển khai hỗ trợ các dự án chăn nuôi trên địa bàn huyện từ nguồn kinh phí thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện theo các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm và dự án cộng đồng chăn nuôi.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, cây Hồi trồng mới 185,94  ha, đạt 64,8% KH, nâng tổng diện tích lên 8.546,83 ha; cây Quế trồng mới 773,97 ha, đạt 279,42% KH, nâng tổng diện tích lên 7.496,56 ha; cây Mắc ca trồng mới được 30,38 ha, đạt 279,42% KH, nâng tổng số diện tích lên 312,84 ha; cây trúc sào diện tích tăng thêm 44,96 ha, đạt 17,98% KH, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 4.541,78 ha. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2024 là 100 sản phẩm, trong đó có 68 sản phẩm đăng ký mới, 32/25 sản phẩm đăng ký đánh giá lại do hết thời hạn công nhận. Hỗ trợ Chứng nhận chất lượng (VietGap) 30,4 ha cây trồng, 12 đơn vị vật nuôi; hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 31 cơ sở. Trong năm 2024 đã bố trí trên 8.381 triệu đồng thực hiện Dự án Xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay đã cơ bản hoàn thiện hạng mục xây lắp và dựng nhà lưới, nhà màn, lắp đặt thiết bị…

Công tác tuyên truyền và thực hiện các giải pháp về giống, vật tư nông nghiệp. đất đai, liên kết tiêu thụ sản phẩm… được chú trọng. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền việc thực hiện chính sách liên kết, tập trung đất đai, giải phóng mặt bằng để thực hiện các khu sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học; hệ thống cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố sử dụng các nguồn kinh phí thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia để hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón; hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại trâu bò, phát triển trồng cỏ chăn nuôi. Ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên địa bàn tỉnh năm 2024, trong đó mục tiêu chuyển đổi 230,61 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thêm thu nhập cho các hộ sản xuất. Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ đề nghị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 48 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 420 dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng, trong đó: có 262 dự án/kế hoạch đã được phê duyệt và hiện nay đang tiến hành cấp phát vật tư, hoàn thiện hồ sơ thanh toán; 85 dự án/ kế hoạch đang trình thẩm định và 121 dự án/ kế hoạch đang xây dựng, hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định; tổng số hộ dân tham gia dự án/kế hoạch là 18.272 hộ. Hỗ trợ 04 điểm mua sắm gắn với các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản của địa phương; hỗ trợ 04 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia 02 hội chợ trong nước trưng bày, giới thiệu hơn 20 lượt sản phẩm của địa phương; dự kiến tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2024 với quy mô 200 gian hàng; tiếp tục duy trì sàn Thương mại điện tử tỉnh Cao Bằng (caobangtrade.vn); “Bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt” (caobang.etix.vn); phần mềm quản lý hội chợ triển lãm trực tuyến tỉnh Cao Bằng (caobang.ifair.vn).

anh tin bai

Vùng sản xuất thuốc lá xã Nam Tuấn (Hoà An)

Để thực hiện tốt hơn các nội dung đột phá về nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022-2025; mở rộng, hình thành các vùng sản xuất cây trồng đột phá, tập trung vào phát triển diện tích và chăm sóc các loại cây trồng hàng hóa, có giá trị cao đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024 và cả giai đoạn. Tiếp tục phát triển chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, trang trại đối với chăn nuôi trâu, bò thịt; mở rộng diện tích trồng có phục vụ chăn nuôi.

Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các dự án chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục rà soát diện tích phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng cây lâm sản ngoài gỗ (Trúc sào, Quế, Hồi, Mác ca, dược liệu...) khuyến khích các hình thực liên kết sản xuất, đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến đối với sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Đẩy mạnh các hình thực liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tập trung việc liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.  Thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương như: Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các nguồn vốn vay... các chính sách của địa phương về hỗ trợ phát triển nông nghiệp để thực hiện hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch.

Dương Liễu

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1