Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Lượt xem: 415

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, cùng với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, nòng cốt là hợp tác xã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tiếp tục phát huy vai trò trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh của kinh tế hộ, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, đóng góp vào Ngân sách Nhà nước, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 tại điểm cầu Cao Bằng

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, KTTT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của KTTT và HTX đã có bước chuyển biến tích cực, từ đó tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Việc triển khai thực hiện nghị quyết được cụ thể hóa bằng việc ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Tỉnh ủy ngày 27/9/2002 về thực hiện số 13-NQ/TW; Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 15/4/2003 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; các văn bản hướng tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện thí điểm hỗ trợ người lao động có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020. Các chính sách hỗ trợ về nhân lực, đất đai, tài chính, khoa học - công nghệ; hỗ trợ xúc tiến liên kết, tiếp thị, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, thực hiện Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất cho hợp tác xã được quan tâm thực hiện thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2001-2021, Liên minh HTX tỉnh tổ chức trên 20 lớp tập huấn, với 928 lượt người tham gia; Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết 99 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX để sản xuất kinh doanh; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới cho 12 HTX, với tổng vốn trên 3.779 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản như: Hạt dẻ (Trùng Khánh), Miến dong (Nguyên Bình), Bò Mông (Hà Quảng) Quýt (Quang Hán), Lạp sườn Tâm Hòa (Thành phố). Các HTX đã tổ chức hiệu quả hoạt động dịch vụ, mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực nội tại và hợp tác, liên kết với các đối tác để tăng tích lũy cho hợp tác xã và nâng cao thu nhập thành viên.

Đến nay, toàn tỉnh có 377 HTX, với 3.237 thành viên. Các HTX  hoạt động trong lĩnh vực như: Nông lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp (118 HTX, chiếm 31%); Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (97 HTX, chiếm 25,7%); sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng (78 HTX      chiếm 20,6%); Thương mại, dịch vụ (43 HTX, chiếm 11,4%); Giao thông vận tải (17 HTX, chiếm 4,5%); dịch vụ vệ sinh môi trường (24 HTX, chiếm 6,3%). Tổng vốn hoạt động của các HTX năm 2021 là 824,654 tỷ đồng, tăng 2,16 lần so với năm 2013, tăng gấp 24,6 lần so với năm 2002; bình quân vốn 2,19 tỷ đồng/01 HTX với tài sản bình quân 2,3 tỷ đồng /HTX. Doanh thu bình quân năm 2021 là 1,095 tỷ đồng/HTX, tăng 524 triệu đồng so với năm 2013, tăng 640 triệu đồng so với năm 2003. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 4,5 triệu đồng/ người/ tháng, tăng gấp 2 lần so với năm 2013, gấp 8 lần so với năm 2003. Doanh thu của HTX có sự tăng trưởng đều năm sau cao hơn năm trước, chủ yếu đến từ các hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào, liên kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên và các hộ liên kết, kinh doanh sản phẩm nông sản.

Sản phẩm nông sản của Hợp tác xã Ba Sạch. (Nguồn ảnh: Theo baocaobang.vn)

Các HTX trong tỉnh sản xuất kinh doanh ổn định đã có sự đóng góp nhất định vào GRDP của tỉnh. Tổng số nộp NSNN của các HTX năm 2021 ước đạt 30,1 tỷ đồng, tăng gấp 56 lần so với năm 2001. Có 265 HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012, hoạt động kinh doanh có lãi, thực hiện các nghĩa vụ của một tổ chức kinh tế đối với Nhà nước, thành viên, người lao động theo quy định hiện  hành, đem lại lợi ít cho thành viên HTX.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), năm 2020, có 6 HTX nông nghiệp có sản phẩn OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: HTX Tâm Hòa - sản phẩm thịt hun khói, lạp sườn; HTX Nông nghiệp Trường Anh - sản phẩm Dâu tây VietGap; HTX nông sản Tân Việt Á - sản phẩm Miến dong Tân Việt Á; HTX Tuấn Tú - sản phẩm rượu ngô CP999; HTX Vân An - sản phẩm nước cốt chanh leo; HTX sản xuất đường phên, chế biến rượu mía Bó Tờ - sản phẩm Đường phên Bó Tờ.

Trong giai đoạn 2001-2021, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm, như: sản xuất hàng nông sản: Nấm hương, Lạp sườn, Chanh dây, Dâu tây, Dưa lưới, Miến dong, Nho hạ đen… Một số HTX đã tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị. Một số mô hình HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như HTX Ba sạch Hưng đạo (Thành phố); HTX Thắng Lợi (Hà Quảng); HTX An Tịnh (Trùng Khánh); HTX Bảo Hưng (Hà Quảng)… Các mô hình hoạt động KTTT dần khẳng định vai trò và đã có những đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đưa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị thật sự đi vào cuộc sống.

Hợp tác xã chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà (Hà Quảng) hoạt động hiệu quả tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương (Nguồn ảnh: Theo baocaobang.vn)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận thấu đáo, để khắc phục, đó là: công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ở một số cấp ủy, địa phương, một số sở, ngành chưa được quan tâm đúng mức; công tác xây dựng cơ chế, chính sách còn vướng mắc, có chính sách được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, triển khai thực hiện gặp khó khăn; công tác quản lý, hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã vẫn chậm đổi mới;  một số hợp tác xã lúng túng trong xác định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp; việc tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ vẫn còn hạn chế.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có trên 750 tổ hợp tác với hơn 7.500 thành viên; có 520 HTX với hơn 4.000 thành viên; có 3 liên hiệp HTX với 30 thành viên; 100% HTX chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Tỷ lệ HTX hoạt động đạt loại tốt, khá đạt 85%; phấn đấu trên 80% cán bộ quản lý HTX được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các quan điểm về định hướng phát triển KTTT theo Nghị định số 13-NQ/TW và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 27/9/2002 của Tỉnh ủy và các văn bản: Luật HTX năm 2012; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX. Ban Chỉ đạo KTTT đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả cấp tỉnh, cấp huyện phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động. Tích cực tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế HTX, phát triển HTX đa ngành nghề, mô hình HTX điển hình tiên tiến; giới thiệu kinh nghiệm các HTX sản xuất, kinh doanh giỏi. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên đại bàn tỉnh Cao Bằng. Tiếp tục tổ chức thực hiện Luật HTX năm 2012; tư vấn, hướng dẫn về các thủ tục hành chính thuế, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất theo quy định. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; tiếp tục hỗ trợ, xây dựng mô hình KTTT, HTX kiểu mới, mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ và thành viên tổ hợp tác, HTX; huy động các nguồn lực xá hội trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT, HTX; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX gắn với các phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực KTTT, xây dựng các điển hình tiên tiến. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy hơn nữa vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tự nguyện tham gia các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh trong phát triển KTTT, HTX.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1