Thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 205

Giao đất, giao rừng cho người dân và cộng đồng dân cư quản lý nhằm tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2023. Việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách kịp thời, phù hợp với đối tượng, định mức, chế độ, chính sách. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân được tăng cường, công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm. Kết quả giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân thể hiện rừng đã có chủ, rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lâm sản trái phép đã được kiểm soát, tình trạng xâm canh lấn chiếm đã được hạn chế, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng đã được quản lý hiệu quả. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, góp phần quản lý tốt đất đai; các chủ rừng yên tâm đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Ý thức trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.

anh tin bai

Nhiều vườn ươm chuẩn chị các loại cây giống chất lượng phục vụ người dân các địa phương trong tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 521.317 ha, chiếm 77,8% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; trong đó diện tích có rừng là 362.243,23ha (rừng tự nhiên là 345.709ha, rừng trồng là 16,534ha), tỷ lệ tre phủ rừng năm 2023 đạt 54,06%.

Kết quả thực hiện chính sách pháp luật giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2019-2023. Tính đến hết năm 2023, việc cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Dự án không ảnh (Dự án thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 và hồ sơ địa chính khu vực đất lâm nghiệp, đất đồi núi chưa sử dụng từ tư liệu bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1/10.000 tỉnh Cao Bằng (Hạng mục công trình thuộc dự án xây dựng bản đồ địa chính bằng không ảnh để khai thác quỹ đất, phát triển sản xuất và ổn định dân cư thuộc 4 tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn là Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lào Cai. Dự án đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, với diện tích 394.133,77 ha, đã hoàn thành năm 2007.

Giai đoạn 2019-2023, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo nhu cầu của hộ gia đình cá nhân. Việc giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý không nhiều; ngoài ra có các dự án ổn định dân cư với tổng diện tích khoảng 25,06 ha.

Thời gian qua tỉnh luôn chủ động thực hiện các cơ chế, chính sách, hình thức tổ chức sản xuất trên diện tích đất, rừng được giao nhằm tạo sinh kế ổn định cho đồng bào DTTS như: Tiểu dự án 1, Dự án 3 (Chương trình 1719) về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân: Diện tích khoản bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng là 237.067,55 ha, được thực hiện tại 9 huyện, 127 xã khu vực II, III, trong đó: Hỗ trợ khoản bảo vệ rừng với diện tích 28.379,7 ha; Hỗ trợ bảo vệ rừng diện tích 208.687,85 ha; Chưa thực hiện: hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, hỗ trợ trồng rừng phòng hộ.

Thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 903/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 về việc phê duyệt dự án Bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2021-2025 với tổng diện tích trồng rừng theo Dự án 4.980 ha, nguồn kinh phí thực hiện 60 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên địa bàn các huyện Hạ Lang, Trùng Khánh, Quảng Hoà, Thạch An, Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc và Bảo Lâm, với sự tham gia của 2.580 lao động thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án trồng rừng thay thế (thực hiện trồng rừng phòng hộ) khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với 51 dự án, tổng số tiền 45,244 tỷ đồng, số lao động tham gia 1.452 người.

anh tin bai

Trồng rừng phủ xanh đất trống trên địa bàn tỉnh được diễn ra hàng năm

Đối với việc thực hiện thu hồi đất có nguồn gốc từ đất nông lâm trường giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng không còn các nông, lâm trường quốc doanh. Cơ bản đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường đã có chủ, do các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, UBND các xã, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị nhà nước quản lý, sử dụng. Việc bàn giao diện tích nêu trên chủ yếu trên sổ sách, do hồ sơ của các nông lâm trường cơ bản không còn, hoặc thất lạc do hạn chế của công tác lưu trữ của địa phương, nên việc tổng hợp diện tích chính xác chưa thực hiện được. Việc thu hồi đất giao lại cho địa phương khi nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích: Diện tích đất bàn giao cho địa phương là 22.953,22 ha, bao gồm đất của 11 nông, lâm trường giải thể trước năm 1994 (2.252,63ha), Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hòa An (4.281,32 ha), Ban quản lý rừng phòng hộ (16.419,27ha).

Bên cạnh những kết quả đạt được còn gặp những tồn tại hạn chế, vướng mắc như: Công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, người dân chưa được hưởng lợi ích kinh tế từ rừng; diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình chủ yếu thuộc loại rừng nghèo và nghèo kiệt, chất lượng rừng rất thấp, trước mắt, chưa có thu nhập kinh tế; do thiếu đất sản xuất nên vẫn còn tình trạng các hộ gia đình, cá nhân cố tình phá rừng nghèo kiệt, lấy đất để trồng rừng kinh tế hoặc trồng cây lương thực để đảm bảo cuộc sống. Chính sách để đầu tư kinh doanh vào sản xuất lâm nghiệp mặc dù đã có, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia. Sự phát triển kinh tê - xã hội, đô thị hóa, các dự án mở rộng mạng lưới giao thông, các công trình thủy điện... đều có nhu cầu sử dụng đất rừng, đặc biệt là đất có rừng tự nhiên, nên đã tạo ra áp lực rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế; nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền ở một số nơi còn đơn điệu, thiếu chiều sâu, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa thực sự hướng đến sự mong đợi của người dân. Kinh phí Trung ương cấp cho công tác bảo vệ rừng còn hạn chế, chưa đáp ứng được diện tích rừng cân bảo vệ, đặc biệt là rừng tự nhiên; trong khi ngân sách địa phương không có để phân bổ cho công tác bảo vệ rừng. Việc giao rừng chưa thống nhất, đồng bộ với giao đất theo quy định tại Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Để làm tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất; tăng kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất trong thời gian đóng cửa rừng. Sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022; cụ thể, bổ sung nội dung hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng xóm thuộc các xã ngoài khu vực II,III. Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 theo hướng bổ sung kinh phí kiểm tra, nghiệm thu để thực hiện các hoạt động: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, bố trí nguồn kinh phí thực hiện giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

Kim Cúc 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1