Phát triển thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Lượt xem: 192

Qua gần 14 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức tạo thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, xây dựng thương hiệu hàng Việt trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án).  Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất, đồng thời xây dựng thói quen mua sắm của người dân về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

anh tin bai

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng trưng bày giới thiệu tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023).

Triển khai Đề án, tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo và các tổ chức chính trị - xã hội; gắn thực hiện Đề án với các chương trình, phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức nhằm vận động các đoàn viên, hội viên, người lao động thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý; các cơ quan thành viên khác căn cứ nhiệm vụ trong tâm hàng năm của Ban Chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân như chuyên mục, phóng sự, tin, bài, băng rôn, khẩu hiệu, hội chợ triển lãm, hội nghị tuyên truyền; clip tuyên truyền quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh… Cùng với tuyên truyền, vận động, công tác quản lý nhà nước được các sở, ngành, địa phương tăng cường, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn ký 833 lượt cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh tại khu vực xung quanh cổng trường học; chấp hành pháp luật thương mại, dịch vụ và văn minh thương mại. Cấp phát 84.210 tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm, pháp luật về chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Tỉnh tập trung xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội kết nối giao thương, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Đẩy mạnh cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tập trung phát triển kênh phân phối hàng hóa Việt thông qua hệ thống siêu thị, chợ, điểm bán lẻ đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và đăng ký với Bộ Công thương 2 đề án về xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam”. 

anh tin bai

Khách hàng tìm hiểu và mua các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của tỉnh

 

Đến hết năm 2023, tỉnh tổ chức 29 hội chợ, phiên chợ với trên 2.000 gian hàng, thu hút hơn 1.900 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng Việt Nam và hàng hóa của tỉnh tham gia. Tạo điều kiện cho hơn 200 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh tại các hội nghị, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm, hội chợ triển lãm thương mại trong nước. Hỗ trợ xây dựng 42 gian hàng với 166 sản phẩm trên Cổng thông tin giao dịch thương mại điện tử tỉnh  (caobangtrade.vn); hỗ trợ 20 chủ thể hơn 80.000 túi đựng sản phẩm; tổ chức 47 lớp tập huấn cho 1.940 lượt công chức, viên chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD, đồng bào dân tộc về thương mại điện tử, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên Internet. Triển khai chương trình Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 09 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký tham gia 37 kế hoạch liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm; các mô hình liên kết chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho người dân phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Thạch đen huyện Thạch An; Miến dong tại các huyện Nguyên Bình, Hòa An; Mía cây tại huyện Quảng Hòa, Hạ Lang, trúc tại huyện Nguyên Bình, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao theo hướng hàng hóa.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong SXKD, phân phối hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng tổ chức 1.998 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 772 vụ vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, xử phạt và xử lý hàng hóa vi phạm nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,4 tỷ đồng… Người dân các địa phương phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021-2023 tỉnh đã thực hiện hoàn thành 05/08 mục tiêu nhiệm vụ đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025. Tính đến 31/12/2023, đã có 09 đơn vị trên địa bàn tỉnh ký họp đồng phân phối sản phẩm với siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh như Big C, AEON, VinMart, LOTTE Matr, sàn giao dịch thương mại điện tử và mở các đại lý tiêu thụ  sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, Trên địa bàn tỉnh có 05 siêu thị, 79 chợ, khoảng 7.000 của hàng bán lẻ, đạt chỉ tiêu phấn đấu 90-95% tỷ lệ hàng thiết yếu có xuất xứ Việt Nam được kinh doanh, bày bán tại chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tạp hóa,... trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.  Các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong mua sắm hàng hóa trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các cam kết quốc tế; 100% các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh thực hiện tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hàng năm tổ chức hoặc hỗ trợ các cơ sở sản xuất linh doanh hàng hóa thế mạnh của tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước…

Để đạt được các mục tiêu trong Đề án, giai đoạn 2024-2025 tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2021-2023; phấn đấu đạt các chỉ tiêu: 100% cơ quan thông tấn, báo chí ở tỉnh xây dựng chuyện trang, chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; thường xuyên tuyên truyền, quảng bá về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các ấn phẩm báo chí hoặc ấn phẩm có tính báo chí của cơ quan; Phấn đấu từ 90 - 100% các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và tham gia phong trào này; đồng thời cam kết thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng có niêm yết; Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm của địa phương, có ít nhất 05 sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng OCOP để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư SXKD của doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình SXKD hiệu quả, tiên tiến, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ SXKD. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhân rộng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi để cung ứng ra thị trường các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa sản phẩm niêm yết giá; tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất hàng giải, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

D.L

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1