Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại
Lượt xem: 232

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là 01 trong 03 Chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được quan tâm đầu tư, từng bước trở thành vùng động lực, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

anh tin bai

Một góc thành phố Cao Bằng

Hiện nay, toàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại III, 14 đô thị loại V. Tuy nhiên, các đô thị trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, mật độ tập trung dân số chưa cao, khả năng cân đối thu chi ngân sách nhiều đô thị chưa đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung cả nước. Hệ thống giao thông đô thị chưa đồng bộ, các trục chính đô thị vẫn đi chung với đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở các đô thị còn nhiều vướng mắc, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển đô thị.

Để đảm bảo được mục tiêu hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-­2025 đã chỉ ra các điểm nghẽn, nút thắt của tỉnh, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch - dịch vụ, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng đô thị đang còn yếu và thiếu đồng bộ. Với quan điểm phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển kết cấu hạ tầng; giành nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trọng điểm là dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) với tổng chiều dài tuyến là 121,06km đi qua địa phận 02 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Giai đoạn 1: đầu tư khoảng 93,35km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km93+350 điểm giao với Quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 14.330 tỷ đồng. Dự án đã khởi công từ ngày 01/01/2024, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng phối hợp với tỉnh Lạng Sơn khảo sát đoạn tuyến cao tốc qua địa phận huyện Tràng Định (Lạng Sơn)

Các dự án hạ tầng giao thông đô thị cũng đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện, như: Dự án Tuyến tránh thành phố Cao Bằng với tổng mức đầu tư trên 221 tỷ đồng; dự án Đường nội thị thị trấn Đông Khê với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng; tuyến tránh thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; tuyến tránh thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; dự án Tuyến tránh thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An với tổng mức đầu tư gần 197 tỷ đồng Khi các dự án triển khai hoàn thành sẽ góp phần tăng khả năng lưu thông, khắc phục tình trạng trục chính đô thị đi chung với đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, góp phần đồng bộ hệ thống giao thông đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT). Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh mở mới 269 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài 241,53 km, xây mới 11 cầu dân sinh với tổng chiều dài 237,6m. Tổng kinh phí thực hiện 502,85 tỷ đồng. Cải tạo, sửa chữa tổng 835 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài 758,86 km, tổng kinh phí sửa chữa 1.317,1 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025: ít nhất 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường, ít nhất 85% đường ngõ xóm được cứng hóa, tạo điều kiện phát triển nông thôn bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn.

anh tin bai

Nhiều tuyến đường nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Trong quá trình triển khai thực hiện tỉnh Cao Bằng đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương hỗ trợ tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn trong triển khai phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong triển khai chương trình phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh; sự chủ động, tích cực, sáng tạo, sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện của các cấp, các ngành; sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực để triển khai các Dự án phát triển hạ tầng; một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. Đặc biệt là các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án; trình tự, thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án nói chung, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường giao thông do trải dài theo tuyến nói riêng; một số quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng bất cập, chưa tạo được sự ủng hộ và đồng thuận cao của người dân. Ngoài ra, ảnh hưởng của tình hình kinh tế - xã hội chung của cả nước khó khăn cũng như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây ra không ít thách thức cho Tỉnh trong đầu tư phát triển hạ tầng.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các hạng mục Dự án Bảo tàng tỉnh

Nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm; đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương xem xét, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho tỉnh Cao Bằng để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) giai đoạn 1 và Dự án Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Chỉ đạo tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung danh mục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số. Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng. Tiếp tục rà soát, đề xuất với Bộ, ngành Trung ương về việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như tỉnh Cao Bằng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa phù hợp tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các Chủ đầu tư với các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố Cao Bằng trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Chủ đầu tư, các Nhà thầu thi công tổ chức triển khai thực hiện các đề án, dự án đầu tư để đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra.

 

D.L





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1