Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành Nông nghiệp
Lượt xem: 1038

Những kết quả khả quan sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ là cơ sở, tiền đề để ngành Nông nghiệp tỉnh Cao Bằng vững bước trên chặng đường tiếp theo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Giai đoạn 2021-2023, ngành Nông nghiệp tỉnh bước vào thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức đan xen; tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp; giá cả vật tư đầu vào và giá nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh.

Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022-2025; thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các nhiệm vụ của ngành như chỉ đạo người dân quan tâm chăm sóc, thu hoạch cây trồng đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao; rà soát, dự báo tình hình sâu bệnh trong thời gian sắp tới để kịp thời có phương án đối phó, loại trừ. Rà soát diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây trồng khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổ chức tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi địa bàn tỉnh; phát triển đàn lợn, trâu bò đảm bảo an toàn sinh học. Kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh giống cây trồng, phân bón tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; thực hiện kế hoạch đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và kiểm tra nguồn nước tại các hồ chứa, sông, suối, khe lạch để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Đôn đốc xây dựng các hạng mục công trình xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi đúng tiến độ để đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tham mưu thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện; Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia..

anh tin bai

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp cả giai đoạn ước đạt 3,05% (trong đó, năm 2021 đạt 3,07%; năm 2022 đạt 3,0%; năm 2023 ước đạt 3,1%). So với giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đã có nhiều sự tiến bộ (trung bình tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 2,25%). Tổng sản lượng lương thực trung bình năm ước đạt 295,4 nghìn tấn, đạt 103,8% KH giai đoạn. Giá trị sản xuất đến năm 2023 ước đạt 46 triệu/ha, đạt 100% Kế hoạch; tăng 06 triệu đồng so với năm 2020.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được tăng cường, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên; Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến năm 2023 ước đạt 93%, đạt 100% KH; tăng 3% so với năm 2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số hộ thực hiện di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà đến hết năm 2023 ước được 6.685/6.634 hộ, đạt 100,8% KH giai đoạn 2021-2023.

Về thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022-2025. Diện tích cây Lê trồng mới được 149,95ha, tương ứng 46,9% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích cây Lê toàn tỉnh lên 484,3ha; cây Dẻ trồng mới được 159,38ha, tương ứng 22,8% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích cây Dẻ toàn tỉnh lên 714,05ha; cây Thạch đen trồng mới được 193,5ha, tương ứng 38,7% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 579ha; cây Thuốc lá trồng mới được 815,08ha, tương ứng 81,5% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 3.763,5ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò được 2.990 chuồng, tương ứng 33,7% KH giai đoạn; hỗ trợ mua 2.383 con giống lợn thịt, tương ứng 23,8% KH giai đoạn; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi 74,2ha, tương ứng 29,7% KH giai đoạn; hỗ trợ triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hoà, đến nay chủ đầu tư đã tiến hành san lấp mặt bằng được 90%, dự kiến tháng 11/2023, sẽ triển khai xây dựng trang trại.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích cây Hồi trồng mới được 1.382ha, đạt 276,6% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 7.516,9ha; Cây Quế trồng mới được 2.719,09ha, đạt 151,1% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 5.183,33ha; cây Mắc ca trồng mới được 76,16ha, tương ứng 12,7% KH giai đoạn,  nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 134,56ha; cây Trúc sào trồng mới được 87,2ha, tương ứng 7,3% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 4.354,19ha.

anh tin bai

Cây trúc sào được sử dụng để sản xuất chiếu, đồ thủ công mỹ nghệ, đóng bàn ghế

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 02 dự án, gồm: Dự án xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 16,5 tỷ đồng, địa điểm xây dựng tại xã Lê Chung, huyện Hòa An. Đến nay, đang thực hiện thi công các hạng mục công trình Nhà ở cán bộ, Nhà sản xuất giống thực vật bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, Nhà trực kỹ thuật, Kho. Dự kiến hoàn thành tất cả các hạng mục vào Quý II năm 2024. Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh do Sở nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 2 tỷ đồng, địa điểm thực hiện tại xã Bạch Đằng, huyện Hòa An. Đến nay, đã hoàn thành xây dựng nhà ươm giống cây trồng, hệ thống tường rào; đang tiến hành hạng mục lắp đạt thiết bị để sớm đưa dự án vào hoạt động. Tổng vốn đã giải ngân 596,666 triệu đồng, dự kiến hoàn thành giải ngân trong quỹ III năm 2023.

Từ những kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp tỉnh Cao Bằng phấn đấu trong giai đoạn 2024-2025 với các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm (GRDP) nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng 3,1%; Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 50 triệu đồng; Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 60%; Phấn đấu đến năm 2025 có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh ước đạt 95%; Đến hết năm 2025 phấn đấu 100% số hộ chăn nuôi đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà…

Đưa  ra các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục truyên truyền, phố biến, quán triệt các nội dung về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng: Tiếp tục thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; thực hiện liên kết từ đầu tư sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm. Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bền vững hướng tới xuất khẩu ra các thị trường trong và ngoài nước. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh; chú trọng các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông minh, công nghệ cao vào sản xuất.

Đồng thời, tăng cường lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách trung ương như các Chương trình MTQG, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các nguồn vốn vay... các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá các sản phẩm nông sản trên các trang thương mại điện tử. Hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã tại các huyện, thành phố; củng cố hoạt động các hợp tác xã trung bình, yếu kém; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh; triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án cho các hợp tác xã tham gia; tổ chức thực hiện tốt Tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (hình thức tổ chức sản xuất) để xây dựng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1