Kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 154

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có một loại hình kết nối giao thông đường bộ với tổng chiều dài khoảng 714,36 km đường Quốc lộ, 1.034,84 km đường tỉnh, 1.491,1 km đường huyện và 3.508,9 km đường xã, thôn xóm; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường quốc lộ là 100%, địa phương là 72%. Những năm gần đây, các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa đáng kể về nền mặt đường, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông, xử lý nhiều điểm tiềm ẩn, điểm đen về tai nạn giao thông, đáp ứng khá kịp thời nhu cầu đi lại ngày càng tăng của Nhân dân.

anh tin bai

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo kế hoạch đề ra, hoàn thành trong năm 2025

Tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hoàn thiện các thủ tục và triển khai thi công hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng và triển khai các thủ tục đầu tư giai đoạn 2 đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng); Thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo sửa chữa các tuyến đường theo phương án kết nối giao thông tới các cửa khẩu, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và kết nối giữa một số huyện của tỉnh Cao Bằng với huyện giáp ranh của các tỉnh lân cận (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang) phù hợp với nguồn lực của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của giai đoạn 2021 - 2025 và tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa; Phấn đấu các tiêu chí: ít nhất 85% chiều dài các tuyến đường huyện được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường (thực hiện theo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Cao Bằng); ít nhất 85% chiều dài các tuyến đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa; ít nhất 85% đường ngõ xóm được cứng hóa; 100% đường ngõ xóm không bị trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa. Xây dựng cầu dân sinh theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (gồm cầu treo, cầu cứng, cầu bản, cầu tràn, đường tràn...). Đảm bảo 100% số km đường GTNT đã được đầu tư hoàn chỉnh phải được tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định để duy trì tốt nhất khả năng khai thác của tuyến đường.

Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã triển khai 20 dự án hạ tầng giao thông quan trọng với tổng kế hoạch vốn đã giao 4.653,488 tỷ đồng, bằng 24,63% tổng mức đầu tư (trong đó 100% là vốn NSNN). Lũy kế giải ngân đến 30/6/2024 là 1.384,003 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân trên kế hoạch vốn được giao đạt: 29,74%. Tỷ lệ giải ngân trên tổng mức đầu tư đạt 7,33%.

anh tin bai

Nhiều tuyến đường thôn, xóm, nội đồng được đầu tư

Các địa phương đang tích cực triển khai Đề án phát triển GTNT đồng bộ với 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ làm tốt công tác bảo trì đường bộ, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo quy định. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) -Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) đã cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Cao Bằng, bàn giao cho Doanh nghiệp dự án khoảng 41,26 km/41,35 km chiều dài tuyến. Thực hiện đầu tư 19 dự án nhằm nâng cấp các tuyến đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Dự án Đường và cầu nối giữa bờ Bắc - bờ Nam thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình đã hoàn thành trong năm 2023; 12 dự án đang triển khai thi công, trong đó 06/12 dự án đảm bảo tiến độ, 06/12 dự án chậm tiến độ so với kế hoạch; 01 dự án đang thực hiện hiện công tác giải phóng mặt bằng; 01 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp và nhà thầu giám sát thi công; 01 dự án đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư; 01 dự án đang triển khai các bước tiếp theo do vướng mắc các thủ tục về đất rừng, chưa ký được hiệp định tài trợ, 01 dự án chưa thực hiện do chưa bố trí vốn.

Các huyện, thành phố đã tích cực triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo kế hoạch, đã xây dựng mở mới, cải tạo, nâng cấp được nhiều tuyến đường GTNT, đặc biệt là đường thôn, xóm, nội đồng.  Đường huyện đã đầu tư xây dựng bao gồm cả xây dựng mới, cải tạo nâng cấp được 480,57km/561,3km, đạt 85,62% kế hoạch; Đường xã được  1.011,57km/606,6km, đạt  166,76%  kế  hoạch;  Đường thôn, xóm, nội đồng được 467,71km/1.002,9km, đạt 46,64% kế hoạch; Cầu dân sinh đã đầu tư xây dựng (xây dựng mới, cải tạo nâng cấp) được 55/50 cầu (1.391,5md/900md), đạt 154,61% kế hoạch; Tỉ lệ chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường được 82,5% (đạt 97,2% so với mục tiêu Kế hoạch đến năm 2025); Tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa: 159/161 xã đạt Tỉ lệ 98,8% (đạt 98,8% so với mục tiêu Kế hoạch đến năm 2025). Toàn tỉnh đã thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên 1.162 km đường tỉnh. Thực hiện sửa chữa định kỳ và đột xuất 62 công trình đường tỉnh đồng thời xử lý các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông và đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập 06 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị chưa được phê duyệt và bố trí kinh phí cho công tác lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị làm cơ sở để quản lý trật tự xây dựng. Rà soát, điều chỉnh bổ sung danh mục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số (bổ sung vào danh mục các dự án đã thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động, thu hồi chủ trương đầu tư). Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Chủ đầu tư các dự án cần phối hợp với Mặt trận tổ quốc các cấp thực hiện công tác tuyên truyền về chủ trương thu hồi đất, chế độ chính sách cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất và phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các hộ dân trong công tác giải phóng mặt bằng. UBND các huyện, thành phố và chủ đầu tư các dự án Tái định cư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Các Chủ đầu tư chủ động phối hợp với các Sở, ngành để được hướng dẫn và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định.

Tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong năm 2025 như kế hoạch đã đề ra; kiên quyết chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành các dự án theo đúng  tiến độ đã được phê duyệt. Đối với các dự án đang triển khai thi công, tiếp tục triển khai thi công đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ được phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo khối lượng, chất lượng, tiến độ và kịp thời giải ngân kế hoạch vốn được giao; tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025; quản lý tốt nguồn vốn đầu tư, huy động, lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác; làm tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về công tác tự quản, bảo dưỡng đối với đường GTNT; Triển khai chặt chẽ, có hiệu quả công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo quy định.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1