Kết quả thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh năm 2023
Lượt xem: 324

Để bắt nhịp thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, đưa các địa phương trong tỉnh thoát nghèo bền vững, năm 2019, tỉnh Cao Bằng đã ban hành Đề án “Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030” trong đó xác định rõ lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến đang là xu thế và coi đây là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.  

anh tin bai

Phát triển nông nghiệp thông minh là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Cao Bằng

Năm 2023, Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp đã ban hành Kế hoạch số 827/KH-TBNN về phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá đặc hữu gắn với chế biến năm 2023. Chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện nội dung đột phá nông nghiệp trên địa bàn. Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh trồng mới 65,13ha cây Lê, đạt 81,4% KH, nâng tổng diện tích cây Lê hiện có của toàn tỉnh lên 523,85ha. Trồng mới được 30ha cây Dẻ, đạt 16,2% KH, nâng tổng diện tích cây Dẻ toàn tỉnh lên 744,02ha. Cây Thạch đen có 337ha, giảm 223ha so với KH. Cây Thuốc lá trồng mới thêm được 260ha, đạt 173,3% KH, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 3.770ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò cho 2.917 con, đạt 194,5% KH. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đàn lợn nái, lợn thịt 3.849 con, đạt 194,5% KH. Hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi 85,8ha, đạt 78,4% KH. Trồng mới 844,23ha cây Hồi, đạt 415,9% KH, nâng tổng diện tích cây Hồi toàn tỉnh lên 8.360,89ha. Trồng mới 1.814,19ha cây Quế, đạt 403,2% KH, nâng tổng diện tích cây Quế toàn tỉnh lên 6.722,59ha. Trồng mới 308,12ha  cây Trúc sào, đạt 102,7% KH, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 4.496,82ha. Trồng mới được 192ha cây Mắc ca, đạt 286,6% KH, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 282,46ha.

Việc xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm được quan tâm thực hiện, Dự án xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 16,5 tỷ đồng thực hiện thi công các hạng mục công trình nhà ở cán bộ, nhà sản xuất giống thực vật bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, nhà trực kỹ thuật, kho. Năm 2023, đã bố trí 4.599 triệu đồng, đã thực hiện hoàn thành hạng mục xây lắp và dựng nhà lưới, nhà màng; chuẩn bị lắp đặt thiết bị; đã giải ngân 4.432,282 triệu đồng. Dự án Đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh do Sở nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, với tổng vốn 2.000 triệu đồng. Đến nay, đã hoàn thành xây dựng 03 nhà ươm giống cây, lắp đặt các thiết bị, hệ thống tường rào bao quanh. Để triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong năm, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đã thẩm định xong 58 hồ sơ (trong đó có 07 hồ sơ liên kết cấp tỉnh, 51 hồ sơ liên kết cấp huyện); đã phê duyệt 23 dự án liên kết và đang triển khai thực hiện, còn lại 33 dự án đang tiếp tục chỉnh sửa hồ sơ để trình phê duyệt theo quy định. Đối với dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng đã thực hiện được 472 dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng với 18.998 hộ tham gia (gồm 12.406 hộ nghèo, 4.915 hộ cận nghèo).

anh tin bai

Lễ ký kết hợp tác giao thương sản phẩm OCOP giữa 2 tỉnh: Cao Bằng - Lạng Sơn

Tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ phát triển sản phẩm và tìm các giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP (gồm 9 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao) thuộc 5 nhóm sản phẩm (gồm 77 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch); chủ thể thực hiện gồm 67 chủ thể (gồm 22 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất kinh doanh). Dự kiến năm 2024, sẽ có thêm 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (gồm 59 sản phẩm đăng ký mới, 11 sản phẩm hết hạn chứng nhận tham gia đánh giá lại). Tổ chức trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hội chợ Quốc tế Trung quốc - ASEAN năm 2023; sự kiện “Cao Bằng - Điểm đến và phát triển”; 16 Hội chợ triển lãm, hội nghị, chương trình kết nối giao thương, với hơn 150 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Qua đó, đã có 09 đơn vị ký hợp đồng phân phối sản phẩm với siêu thị Big C, AEON, VinMart, LOTTE Mart, sàn giao dịch thương mại điện tử và mở được các đại lý tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong nước; 05 đơn vị ký 09 bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng. Tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2023 với quy mô 131 gian hàng, trong đó, có 42 gian hàng của các huyện, thành phố và 89 gian hàng trưng bày sản phẩm của các tỉnh, thành phố tham gia. Đồng thời đã mời và giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, tỉnh Tuyên Quang… qua đó, góp phần quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh và nhận được sự phản hồi tốt của người tiêu dùng. Tiếp tục duy trì sàn Thương mại điện tử tỉnh Cao Bằng (caobangtrade.vn) và "Bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt" (caobang.etix.vn). Bố trí kinh phí cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo kế hoạch đã đề ra. Ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023, nhằm khai thác tốt nhất mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo điều kiện để huy động các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế cho phát triển KT-XH của địa phương, tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 với 03 nội dung đột phá, trong đó, có nội dung phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến, định hướng thu hút đầu tư là khuyến khích lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ cao phục vụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nghiên cứu cây trồng; phát triển mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất.

anh tin bai

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch của các địa phương tỉnh Cao Bằng.

Giới thiệu tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh Cao Bằng với Đoàn công tác chính quyền nhân dân thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc; cung cấp danh sách dự án trọng điểm với đối tác Nhật Bản để mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ và cửa khẩu; cung cấp thông tin để xây dựng ấn phẩm về môi trường đầu tư và khu công nghiệp đối với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA). Trong các hoạt động đó, có giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đã chuyển đổi được 393,4ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm, cây màu và kết hợp nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh đã phê duyệt 15 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định với tổng diện tích chuyển đổi 100,57ha (gồm 41,4ha rừng trồng; 59,17ha rừng tự nhiên) để giao cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn 04 chỉ tiêu thực hiện chậm tiến độ, sản xuất vẫn là quy mô nhỏ, việc sản xuất tập trung các loại cây đặc hữu, giá trị cao như cây Lê, Dẻ, Thạch đen còn gặp khó khăn; chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị từ người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Người dân chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăn nuôi còn ít, chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển quy mô vừa và lớn. Diện tích đất trống để trồng rừng nhỏ lẻ, rải rác, không liền vùng, liền khoảnh, độ dốc lớn, ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện…

Để thực hiện tốt hơn các nội dung đột phá về nông nghiệp, Tiểu ban Thực hiện nội dung đột phá nông nghiệp tiếp tục xây dựng Kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp năm 2024 và tiếp tục truyên truyền, phố biến, quán triệt Kế hoạch đến toàn thể người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng: Tiếp tục thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; thực hiện liên kết từ đầu tư sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm. Tăng diện tích trồng mới các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế như cây Lê, Dẻ, Thạch đen, Thuốc lá. Tiếp tục phát triển chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, trang trại thông qua việc hỗ trợ làm chuồng trại cho trâu, bò sinh sản, vỗ béo, lợn nái; hỗ trợ mua con giống; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi. Tiếp tục rà soát diện tích đất có thể phát triển lâm nghiệp để trồng tăng thêm cây Hồi, cây Quế, Trúc sào, cây Mắc ca. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh; chú trọng các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông minh, công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn.

Dương Liễu

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1