Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 346

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó HĐND tỉnh ban hành 04 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 07 Quyết định, 06 Kế hoạch, 08 Văn bản đôn đốc thực hiện Chương trình nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo.

anh tin bai

Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh chủ trì phiên họp BCĐ

Năm 2023, tỉnh Cao Bằng phấn đấu toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,0% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4% trở lên. Kết quả thực hiện: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,23%, giảm 5.349 hộ nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,94% xuống còn 24,71% vào cuối năm 2023, đạt 105,75%KH. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo bình quân giảm 5,65%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,21%.

Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 là 1.286,645 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương 1.125,662 tỷ đồng. Ngân sách địa phương 13,982 tỷ đồng. Vốn huy động xã hội hóa 18,001 tỷ đồng. Đến 31/01/2024 đã giải ngân nguồn Ngân sách trung ương 838,864/1.108,582 tỷ đồng, đạt 74,52% KH; Ngân sách địa phương 13,808 tỷ đồng, đạt 97% KH.  Vốn huy động xã hội hóa giải ngân 100% theo quy định.

Tỉnh tập trung thực hiện các dự án theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đã thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo được 177 lượt công trình hạ tầng (107 công trình giao thông, 12 công trình điện, 34 công trình trường học, 07 công trình y tế, 03 công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao, 09 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, 04 công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, 01 công trình do cộng đồng dân cư đề xuất); duy tu bảo dưỡng 64 công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển hình giảm nghèo với trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện 94 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng bằng việc tổ chức 39 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và truyền thông giáo dục nghề nghiệp với trên 2.500 người tham gia; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người dạy nghề cho 234 lượt người; 02 lớp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và cấp xã với 110 người; tổ chức ngày hội, hội nghị tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và thi ý tưởng khởi nghiệp với trên 1.000 lượt người; in ấn và cấp phát 25.500 tờ rơi tuyên truyền công tác giáo dục nghề nghiệp; 04 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đào tạo; tổ chức kiểm tra, giám sát được 04 cuộc; tổ chức đào tạo nghề được 57 lớp nghề (nghề trồng và nhân giống nấm; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng thuốc lá; trồng rau an toàn; chăn nuôi gà lợn hữu cơ…) với 1.796 người, trong đó: 811 người thuộc hộ nghèo, 590 người thuộc hộ cận nghèo, 395 người thuộc hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ và các thủ tục xuất cảnh cho 122 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Sàn giao dịch việc làm (trực tiếp, trực tuyến); kết nối cung cầu lao động với số vốn thực hiện và giải ngân là 1.894,2 triệu đồng. Dự án đã đầu tư một số máy móc, trang thiết bị công nghệ thông tin cho Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm; kết nối cung cầu lao động góp phần giải quyết việc làm tại địa phương. Biên soạn và in ấn ban hành 4.000 cuốn sổ nghiệp vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; 400 cuốn bản tin thị trường lao động; thực hiện kết nối thành công cho 288 lao động; cập nhật thông tin tuyển dụng của 345 người sử dụng lao động và nhu cầu tìm việc làm của 393 người lao động lên phần mềm “việc tìm người - người tìm việc”...

anh tin bai

Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Đoàn công tác của tỉnh trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ gia đình ông Đinh Văn Tuyến, xóm Nà Khoang, xã Vũ Minh (Nguyên Bình).

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được 3.412 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Tổ chức được 18 hội nghị truyền thông về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với 1.957 người tham dự, treo 60 áp phích tuyên truyền tại 60 nhà văn hóa các xóm, xây dựng nội dung băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2024, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; tích cực hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Phấn đấu toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4% trở lên. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh cùng với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường huy động, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

 

Dương Liễu

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1