Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 1052

Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể để bảo vệ, phát triển rừng và ngành Lâm nghiệp. Thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, 2 năm qua trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, công tác quản lý bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, độ che phủ rừng tăng qua các năm, giá trị ngành lâm nghiệp tăng; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng; các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách về phát triển lâm nghiệp được hoàn thiện, trong đó đặc biệt cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

anh tin bai

Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng được tỉnh chú trọng thực hiện

Để triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành kế hoạch số 1633/KH-UBND ngày 01/7/2021 thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 590/KH-UBND ngày 16/3/2022 thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 2015/KH-UBND ngày 08/8/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 903/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 về việc phê duyệt dự án Bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược theo mục tiêu đề ra; tham mưu phân bổ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án cho công tác bảo vệ và phát triển rừng theo quy định.

Tỉnh cũng chú trọng thực hiện các cơ chế chính sách để bảo vệ và phát triển rừng như: Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, đầu tư phát triển rừng phòng hộ, sản xuất; chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bình quân mỗi năm đã chi cho công tác bảo vệ rừng trên 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tuyên truyền pháp luật đến người dân về các quy định của Luật Lâm nghiệp; Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và các quy định về thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp góp phần giảm thời gian và chi phí trong công tác thẩm định hồ sơ thiết kế trồng rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp. Tăng cường năng lực trong công tác quản lý; phát triển nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp; Mở rộng hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho nông dân…

Sau 2 năm triển khai, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt Đề án trồng một tỷ cây xanh, kết quả trồng được 11,774 triệu cây/9,776 triệu cây đạt 120% KH; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021-2023 là 95.811,32 triệu đồng, tăng 17.992 triệu đồng (giai đoạn 2018-2020 là 77.819,258 triệu đồng). Trồng rừng phòng hộ được 194,33 ha. Phục hồi rừng bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 2.351,9 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, một số chủ rừng tự trồng bổ sung cây bản địa và mua cây giống trồng bổ sung…

Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp, phát triển trồng rừng gỗ lớn chủ yếu là cây Keo, Lát sinh trưởng nhanh, năng suất, chất lượng phù hợp với địa phương. Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng 7,78% so với năm 2020 (thu nhập bình quân năm 2020 là 26.220 nghìn đồng/ người/ năm; năm 2022 là 28.260 nghìn đồng/ người/ năm. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 56%; diện tích rừng đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững 5.474,02 ha.

anh tin bai

Tỉnh Cao Bằng xác định phát triển cây trúc sào theo hướng sản xuất hàng hoá đặc hữu

Triển khai theo định hướng phát triển trong chiến lược, UBND tỉnh đã thực hiện tích hợp quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến năm 2030, diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch là 521,3 nghìn ha; trong đó, rừng đặc dụng khoảng 24,3 nghìn ha, rừng phòng hộ khoảng 268,9 nghìn ha, rừng sản xuất khoảng 228,2 nghìn ha. Công tác bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ việc đóng cửa rừng tự nhiên; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học; đối với rừng đặc dụng đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm. Tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) thực hiện Dự án Bảo tồn Vượn Cao Vít giai đoạn 2021-2025 tại Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít, huyện Trùng Khánh; tiến hành thực hiện phục hồi sinh cảnh, trồng các cây bản địa trong Khu bảo tồn như: Mạy Puôn, Phì Pà (Tỳ bà diệp), Năng Khỉ, Mảy Chả, Nhội, Đa Lá To, Mảy Vậy...

Công tác phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung và nâng cao năng suất, chất lượng rừng, trồng rừng gỗ lớn, chọn loài cây trồng sinh trưởng nhanh, năng suất, chất lượng phù hợp với địa phương. Giai đoạn 2021-2023 toàn tỉnh trồng được 2217,05 ha; trong đó, rừng phòng hộ 194,33 ha; rừng sản suất 2.022,72 ha (trồng mới 1 220,07 ha; trồng lại sau khai thác 802,65 ha). Tiếp tục thực hiện quản lý chặt chẽ việc bảo vệ tốt rừng tự nhiên, không để xảy ra tình trạng khai thác gỗ tự nhiên trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sản lượng khai thác gỗ giai đoạn 2021- 2023 là 48.086,33 m3; trong đó, khai thác gỗ rừng trồng 52 950,33 m3 với các loài cây khai thác chủ yếu như: Thông, Keo, Sa mộc, Mỡ, Tông dù... khai thác cây phân tán khối lượng 3.011m3.

Phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng các loài cây bản địa, cây đa tác dụng được 194,33 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 2.351,9 ha, bảo vệ rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít, huyện Trùng Khánh; phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, một số cây có tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu như: Cây Quế, Hồi với tổng diện tích hiện có là 11.896,27 ha (quế 4.817,02 ha; hồi 7.079,25 ha). Ngoài ra còn các loài cây dược liệu khác có tiềm năng phát triển như: Cây Hà thủ ô đỏ, Cây Chàm tía (Xỏm đeng), Tam thất, Bảy lá một hoa, Ba kích, Khôi nhung, Đương quy, Cát sâm, Trà hoa vàng, Giảo cổ lam...

anh tin bai

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu

Để đạt được những kết quả cao nhất trong thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, mở rộng các nguồn thu cho ngành lâm nghiệp, khai thác tiềm năng dịch vụ môi trường rừng; sớm hoàn thành và công bố Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án Bảo vệ Phát triển rừng giai đoạn 2021-2025.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đối với rừng tự nhiên hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng. Phát triển nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và theo dõi diễn biến rừng, số hóa thông tin lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm, chọn giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực của ngành lâm nghiệp, ưu tiên tập trung đào tạo nguồn lực chất lượng cao; mở rộng các hình thức đào tạo. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, chia sẻ lợi ích, phát triển kinh doanh đa dạng, gắn rừng trồng với công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Dương Liễu

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1