Kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023
Lượt xem: 1824

Trong bối cảnh cùng một lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài và những vấn đề phát sinh trên địa bàn tỉnh, dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự đồng hành và giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh; với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, các địa phương của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện cả về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); an sinh xã hội; chăm sóc người có công, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

anh tin bai

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm tại Kỳ họp lần thứ 14 HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 (Ảnh P.V)

KT-XH được duy trì ổn định, tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, thách thức đa chiều

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, năm có ý nghĩa nền tảng, đặt bản lề phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2021-2025). Song, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Cao Bằng thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định; xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài; thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu có nhiều biến động, lạm phát cao và rủi ro tài chính gia tăng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu chậm lại; tăng trưởng thấp đi kèm với rủi ro suy thoái tại nhiều nước, đối tác lớn. Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ,... KT-XH nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó những điểm nghẽn, nút thắt của tỉnh chưa được giải quyết triệt để; quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn yếu; hậu quả của dịch COVID-19 phải khắc phục trong nhiều năm; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn... đã tác động mạnh đến việc điều hành phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự đồng hành và giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh; với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, Chương trình, Đề án của Trung ương, của Tỉnh, trọng tâm là Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 11 của Chính phủ về phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư và phục hồi kinh tế sau đại dịch; các chương trình mục tiêu quốc gia; 03 chương trình trọng tâm; 03 nội dung đột phá thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; các dự án trọng điểm có sức lan tỏa, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển KT-XH, chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách trọng tâm của Tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành; đảm bảo quốc phòng - an ninh; tạo điều kiện phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ đó, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh được duy trì ổn định, tăng trưởng và đạt những kết quả quan trọng.

KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm được duy trì ổn định và tăng trưởng, chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,29%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có những bước tiến, trong đó đa số các trụ cột của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng so với năm trước, đó là:

Trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn: Tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp chủ động thích ứng với bối cảnh thiên tai, rét đậm và hạn hán kéo dài; phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, theo đó Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,29%; trong đó năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm trước (cụ thể như: Lúa xuân: năng suất tăng 3,5%, sản lượng tăng 3,8%; Lạc xuân: năng suất tăng 4,2%, sản lượng tăng 6,4%; cây Thuốc: năng suất tăng 3,6%, sản lượng tăng 18,5%; ...), an ninh lương thực được đảm bảo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện tổng thể; có 12,2% tổng số xã trên toàn tỉnh đạt 19 tiêu chí; Bình quân các xã toàn tỉnh đạt 10,19 tiêu chí/xã.

Lĩnh vực Công Thương: Tỉnh đã kịp thời quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, tổ chức điều hành linh hoạt, tháo gỡ khó khăn và bố trí sản xuất, kinh doanh hợp lý, tập trung khai thác tối đa những yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và các lĩnh vực liên quan trên địa bàn tỉnh. Do đó, thương mại, dịch vụ, du lịch đạt mức tăng cao: tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 56,3% KH, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 34,45% về số lượt xe và tăng 144,55% về lượt hành khách so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt: 331,544 triệu USD, đạt 52% KH; Tổng lượt khách du lịch đến Cao Bằng đạt 71,7% KH, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước; Tổng thu du lịch ước đạt 71,3% KH, tăng 280% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch, xây dựng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Trung ương; Thực hiện một cách chủ động, kỹ lưỡng, sáng tạo những vấn đề cốt yếu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, trọng tâm là chuẩn bị thủ tục triển khai dự án Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và tổ chức các hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến, thông 3 cấp, từ tỉnh đến xã để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án đô thị, hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.

 Công tác quản lý, điều hành ngân sách và các tổ chức tín dụng được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 962,5 tỷ đồng, bằng 41% dự toán TW giao, bằng 34% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 38% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt tiết kiệm chi ngân sách; chủ động phương án huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho cứu trợ thiên tai, bão lũ; chi diễn tập phòng thủ và một số nhiệm vụ cấp thiết khác. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện được trên 3.250 tỷ đồng, so với dự toán TW giao đạt 25,1%; so với dự toán HĐND giao đạt 24,5%; so với cùng kỳ năm trước bằng 116,1%. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công được 1.034,8 tỷ đồng, bằng 23,18% tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao và nguồn vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023; trong đó: giải ngân kế hoạch vốn năm 2023: 597,807 tỷ đồng, bằng 20,92% KH, tăng 1,12% So với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nguồn vốn tín dụng tăng trưởng 6,6%; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,08% trong tổng dư nợ. Cơ cấu nguồn vốn ổn định, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế tư nhân tiếp tục phát huy hiệu quả. 6 tháng đầu năm đã đăng ký thành lập mới 60 doanh nghiệp, đạt 35,5% KH, bằng 64% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký576 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại ng 20%; số doanh nghiệp thông báo giải thể tự nguyện giảm 12%. Thành lập mới 08 HTX, bằng 53,3% KH.

Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được phát huy và nhân rộng. Các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng được tuyên truyền sâu rộng và được tổ chức ý nghĩa, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Công tác phân tuyến kỹ thuật và khám chữa bệnh cho Nhân dân tại các tuyến được thực hiện có hiệu quả. 6 tháng đầu năm đã khám bệnh cho 402.588 lượt người, đạt 57,9% KH, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước. Giáo dục đào tạo đạt được kết quả tích cực, đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm việc dạy và học đúng chương trình đề ra. Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được đẩy mạnh, qua đó tăng cường sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; số lao động được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt 250,6% KH.

 Công tác nội vụ, tư pháp, thanh tra được chú trọng chỉ đạo thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh. Tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xây dựng phần mềm quản lý, kết nối chia sẻ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy định.

Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác chuẩn bị tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ huyện, xã năm 2023 được thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm 2023 còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là căn bản, nguyên nhân khách quan tạo nhiều sức ép, cụ thể như sau:

Tăng trưởng GRDP đạt thấp hơn 3,06% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 0,43% so với bình quân chung của cả nước do tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, trong khi hậu quả của dịch COVID-19 để lại hết sức nặng nề; Phần lớn doanh nghiệp, người dân sau thời gian dài chống chịu với khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra, năng lực tài chính của doanh nghiệp đã suy giảm (thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư của dân cư và tư nhân giảm 36,94% so với cùng kỳ năm trước), nay lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố mới (như: lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào sản xuất tăng do giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng, năng lượng thiếu hụt...) nên lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, điều kiện khắc nghiệt, biến đổi nhanh của thời tiết đã ảnh hưởng nặng lề đến đời sống và sản xuất của nhân dân (từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 đợt thiên tai làm 01 người chết, 01 người bị thương, hư hỏng gần 1.200 ngôi nhà và nhiều công trình công cộng, thiệt hại khoảng 558ha diện tích sản xuất nông nghiệp; mặt khác, Thời tiết khô hạn khiến Diện tích nhiều loại cây trồng giảm so với cùng kỳ năm trước và có trên 9.000 ha các loại cây đã gieo trồng bị suy giảm khả năng sinh trưởng và ảnh hưởng đến năng suất.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,22% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành sản xuất và phân phối điện giảm 39,97; Số sản lượng điện giảm 77,82%,..

Thu ngân sách đạt thấp so với dự toán được giao (đạt 34%) và giảm 62% so với cùng kỳ năm trước do thực hiện nhiều chính sách giãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; thị trường bất động sản trầm lắng nên các khoản thu từ đất và tài sản trên đất gặp khó khăn....

Một số dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm, trong đó có một số chương trình mục tiêu quốc gia; Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc. Một số dự án lớn của tỉnh chưa hoàn thiện thủ tục nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khởi công mới thiếu chủ động, nhiều dự án còn vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong khi theo quy định của Luật Lâm nghiệp, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. Năng lực tham mưu, tư vấn và tổ chức thực hiện các dự án của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn hạn chế, tâm lý ngại giải ngân nhiều lần nên việc hoàn thiện thủ tục giải ngân chủ yếu thực hiện vào thời điểm cuối năm… Kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 mặc dù cao hơn 1,12% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng thấp hơn 9,57 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

 Kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao các chỉ số về: cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mặc dù được cải thiện về điểm số nhưng mức độ cải thiện thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trong nước; Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân song một trong những nguyên nhân chủ quan đang được chỉ đạo khắc phục đồng bộ, đó là: Nguồn nhân lực của tỉnh vừa thiếu về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng. Một số lãnh đạo các cấp, các ngành và công chức, viên chức chưa tích cực, chủ động giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tình trạng thiếu hụt giáo viên vẫn xảy ra cục bộ tại một số địa bàn; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số huyện còn gặp nhiều khó khăn. Do nguồn thí sinh dự tuyển đầu vào đủ điều kiện theo quy định của Trung ương còn thiếu, nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo còn hạn chế.

An ninh trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là các hoạt động về buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vi phạm Luật Lâm nghiệp...

Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023

Dự báo 6 tháng cuối năm 2023, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực biến động không ngừng, ngày càng khó lường hơn. Trong nước, tình hình KT-XH vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Trong tỉnh, một số điểm nghẽn, nút thắt phục vụ phát triển KT-XH như: hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ,... chưa được khắc phục triệt để; năng lực sản xuất, chất lượng tăng trưởng, tính tự chủ và sức cạnh tranh của các thành phần kinh tế chưa cao; ...

Trên cơ sở kết quả phát triển KT-XH tỉnh 6 tháng đầu năm và dự báo các yếu tố tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH địa phương, UBND tỉnh xác định, tiếp tục phát huy tính chủ động, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của Trung ương; của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; Chuẩn bị tốt việ xây dựng kế hoạch KT-XH, đầu tư công và dự toán ngân sách năm 2024; phấn đấu hoàn thành 17/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH năm 2023, trên cơ sở thực hiện thống nhất, xuyên suốt các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực, trong đó trọng tâm :

1. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các Chương trình MTQG, các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá của Tỉnh ủy Cao Bằng trong nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết của tỉnh.

2. Khôi phục và thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, trọng tâm là các trụ cột tăng trưởng kinh tế (gồm: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm). Trong đó tập trung: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tổng sản phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và thực hiện có hiệu quả nội dung đột phá về nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022-2025. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới; Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch, giao thông, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và khắc phục những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương,... Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành và huyện, thành phố. Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng thu và kiểm soát chặt chẽ các nội dung chi ngân sách

3. Quan tâm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp và tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

4. Thực hiện tốt công tác Nội vụ, Thanh tra, Tư pháp. Trong đó: tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, không đùn đẩy, thoái thác, né tránh trách nhiệm được các cấp ủy, chính quyền địa phương giao. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính.

5. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH./.

Nguyễn Bích Ngọc

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1