Đẩy mạnh các biện pháp gỡ khó cho tiêu thụ nông sản
Lượt xem: 1125

Sản xuất nông nghiệp thường đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của thời tiết, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân không tiêu thụ được. Chính vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp để “gỡ nút thắt” trong tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản.

Những kết quả đạt được

Hiện nay, tỉnh đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, các cây trồng thế mạnh, đặc sản, đặc hữu của địa phương như cây mía, thuốc lá, ngô ngọt, lạc, lúa, dong giềng, gừng trâu…gắn chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó, chuỗi giá trị cây thuốc lá, với diện tích 3.289 ha, sản lượng trên 8.127 tấn tại các huyện Hoà An, Hà Quảng được các doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; chuỗi giá trị cây mía, với diện tích 2.761 ha, sản lượng trên 186.010 tấn tại các huyện Quảng Hoà, Hạ Lang, Trùng Khánh được Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm; chuỗi giá trị cây Gừng trâu, với diện tích 179 ha, sản lượng 2.997 tấn tại huyện Hà Quảng, được Công ty DACE tham gia hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu; chuỗi giá trị cây Ngô ngọt phát triển tại huyện Quảng Hoà khoảng 98,2 ha, Thạch An 10ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn, được Hợp tác xã nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo ứng trước đầu vào giống, vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; chuỗi giá trị cây Lạc với diện tích 868 ha, sản lượng 1.368 tấn tại huyện Hà Quảng, được Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng, Công ty TNHH MTV nông nghiệp Hoà An tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lạc; chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao (gạo Nhật) phát triển tại các huyện Hoà An, thành phố khoảng 165 ha, được Công ty TNHH MTV Hoà An liên kết tiêu thụ sản phẩm; Lúa nếp pì pất phát triển tại huyện Hoà An khoảng 40 ha được Hợp tác xã nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo thu mua và bao tiêu khoảng 20 tấn, còn lại người dân tự tiêu thụ; chuỗi giá trị dong riềng diện tích 474,9 ha, sản lượng 25.467,9 tấn tại các huyện Hoà An, Nguyên Bình thu hút các doanh nghiệp, HTX xây dựng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu Miến dong Cao Bằng…

Với những chuỗi giá trị sản phẩm kể trên có thể khẳng định việc định hướng và phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị là giải pháp cốt lõi trong việc sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng, đảm bảo đầu ra và thị trường sản phẩm ổn định. Quý I/2023, Hội đồng thẩm định của tỉnh đã thẩm định 98 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát trợ liên kết sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. UBND tỉnh đã công nhận thêm 41 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

anh tin bai

Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng hướng dẫn trồng lạc ở Lục Khu

Một số khó khăn, vướng mắc đã và đang được giải quyết

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân, đặc biệt là các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiêu thụ trâu bò vỗ béo, dầu hồi, dầu sở, quế, sắn, thạch đen… Trước tình hình đó, để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó, đối với sản phẩm Dầu hồi, đề nghị UBND huyện Bảo Lạc cung cấp các thông tin về quy mô, chất lượng, sản lượng để phối hợp với các sở, ngành chuyên môn xúc tiến thương mại sản phẩm, thu hút các đơn vị đến đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, đến nay, huyện đang phối hợp với Công ty TECH Vina là đơn vị có năng lực về xuất khẩu tinh dầu hồi sang thị trường Châu Âu; đối với sản phẩm Dầu sở, diện tích cho khai thác 37.100 lít, huyện Bảo Lạc phối hợp các cơ quan chuyên môn vận động cá nhân, hợp tác xã trên địa bàn đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP Dầu sở Bảo Lạc, tiếp tục tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm trên thị trường trong nước; đối với cây Thạch đen, trong năm 2022, các sở, ngành đã tổ chức hướng dẫn cho một số đơn vị có nhu cầu cấp mã số vùng trồng cây thạch đen đề phục vụ xuất khẩu nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc.

Đối với trâu, bò vỗ béo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương đề nghị các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tạo điều kiện cho phép xuất khẩu trâu, bò sống vào thị trường Trung Quốc; đối với cây Bí hương chủ yếu được sản xuất tại huyện Thạch An, với sản lượng 150 tấn/năm, năm 2022, HTX Thuận Phong đã bao tiêu được khoảng 60 tấn, bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đã tổ chức các hoạt động giải cứu nông sản. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ban đầu, tình thế, để đầu ra cho sản phẩm nông sản ổn định và lâu dài tỉnh cần có kế hoạch chiến lược, các giải pháp bền vững hơn, tạo thị trường tiêu thụ bền vững cho người sản xuất nông nghiệp.

Các giải pháp gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm nông sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà cho biết: Trong thời gian tới, để việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản được thuận lợi, tỉnh tập trung tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; sản xuất có quy hoạch, có định hướng, đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng an toàn, VietGap, hữu cơ. Tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia xây dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững. Rà soát, cung cấp các thông tin về quy mô, diện tích, sản lượng, chất lượng các sản phẩm để phối hợp với các sở, ngành chuyên môn xúc tiến thương mại sản phẩm, thu hút các đơn vị đến đầu tư và tiêu thụ. Tăng cường nắm bắt thông tin, tình hình thị trường nông sản để có các giải pháp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh sản xuất, mở rộng quy mô, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận; vận động cá nhân, hợp tác xã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương; chú trọng khâu sơ chế, bảo quản và thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia các siêu thị, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Xây dựng các gian hàng trực tuyến, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến, các sàn thương mại điện tử. Đa dạng hoá sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm khắc phục tình trạng "được mùa mất giá", phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản.

Dương Liễu

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1