Chương trình 1719 và 809: Chính sách thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 47

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1719), Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (Chương trình 809) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các dự án, chính sách của Chương trình bao phủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có tác động thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các cấp, các ngành, của người dân và của toàn xã hội trong việc huy động nguồn lực cho việc quản lý bảo vệ, phát triển rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

anh tin bai

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh những năm qua được thực hiện tốt

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTgQuyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các Chương trình phù hợp với tình hình thực tế. Tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết, thành lập Ban Chỉ đạo, Đoàn kiểm tra giám sát, ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch hằng năm và ban hành các Quyết định, hướng dẫn thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ việc đóng cửa rừng tự nhiên, không để xảy ra khai thác gỗ tự nhiên trái phép trên địa bàn, bảo vệ diện tích rừng hiện có; quản lý chặt việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, chủ động tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, theo dõi tình hình thời tiết, cấp dự báo cháy rừng của tỉnh thông qua hệ thống trạm quan trắc thời tiết phục vụ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hệ thống trạm khí tượng được đặt tại các Hạt Kiểm lâm; trực nghiêm túc theo lịch trực cháy, tổ chức trực cháy rừng 24/24 giờ trong mùa khô hanh. Công tác quản lý các khu rừng đặc dụng quy hoạch như Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén huyện Nguyên Bình, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít Trùng Khánh thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt; các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh lưu giữ đa dạng sinh học cao và là nơi phục hồi, lưu giữ các nguồn gen động thực vật phục vụ nghiên cứu khoa học.

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loài cây dược liệu, gây trồng phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến dược liệu, tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát triển một số vùng trồng cây dược liệu chính có tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu như cây Quế, Hồi, Hà thủ ô đỏ, Chàm tía (Xỏm đeng), Tam thất, Bảy lá một hoa, Ba kích, Khôi nhung, Đương quy, Cát sâm, Trà hoa vàng, Giảo cổ lam... Đây là những lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong 97 sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng được công nhận, có nhiều sản phẩm được làm từ dược liệu, đạt thương hiệu OCOP 3 sao trở lên như: Trà cao chiết Hà Thủ Ô Đỏ; Trà cao chiết Khoai Sâm Hoàng Sin Cô;  Dầu Hồi (Cơ sở sản xuất kinh doanh dầu hồi Tẩn Dấu Quẩy); Trà Giảo Cổ Lam (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh).. đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống của tỉnh Cao Bằng, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

anh tin bai

Trà Giảo Cổ Lam sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Cao Bằng được nhiều người tin dùng

Luôn chú trọng phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Từ năm 2021 đến nay, trồng rừng được 4.188,51 ha, chủ yếu là trồng rừng sản xuất (rừng phòng hộ 829,36ha, rừng sản xuất 3.359,15 ha); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 2.351,9 ha; sản lượng khai thác gỗ đạt 71.913 m3; triển khai hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 116.630,58 lượt ha; hỗ trợ bảo vệ rừng 412.386,57 lượt; giao vốn 238.481,35 triệu đồng (năm 2022: 44.968,47 triệu đồng; năm 2023: 74.450,24 triệu đồng; ước thực hiện năm 2024: 119.062,64 triệu đồng). Hiện nay, có 04 huyện thực hiện trợ cấp gạo bảo vệ rừng cho các hộ gia đình (Hạ Lang, Hà Quảng, Nguyên Bình và Trùng Khánh), tổng số xã được trợ cấp gạo là 59 xã, số hộ gia đình được nhận trợ cấp 3.903 hộ, với 998,44 tấn gạo. Chính sách hỗ trợ phát triển rừng đã khuyến khích mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, cải thiện một phần cuộc sống của người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Tỉnh Cao Bằng có 03 chủ rừng là tổ chức xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Diện tích rừng đã xây dựng phương án là 4.362,52 ha (rừng tự nhiên 3.528,85 ha; rừng trồng 833,67 ha), chưa có diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Thông qua việc thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng đã có những bước tiến triển tích cực, không có các điểm nóng về khai thác, tình trạng xâm lấn, chiếm đất rừng đặc dụng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Cao Bằng đặt ra mục tiêu: Trồng rừng tập trung được 24 ha rừng phòng hộ (trồng rừng thay thế); bảo vệ rừng: 34.158,5 ha, trong đó bảo vệ rừng đặc dụng: 12.158,5 ha; bảo vệ rừng phòng hộ: 13.000 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 9.000 ha; hỗ trợ 40 cộng đồng vùng đệm (thuộc Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn cao Vít, Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén)Khoán bảo vệ rừng diện tích 48.359,66 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng: 238.935,2 ha; Phấn đấu đến năm 2030 tăng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh phấn đấu ổn định ở mức 55%, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đóng góp hiệu quả vào việc giảm khí thải nhà kính, đảm bảo an ninh môi trường; đến năm 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng; nâng cao hiệu quả bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao những mục tiêu trọng tâm, trong những năm tới, tỉnh tiếp tục tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong Nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng. Điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý của Quy hoạch 3 loại rừng, tiếp tục quản lý chặt chẽ và hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Áp dụng các quy trình, quy phạm về trồng rừng và trồng rừng thâm canh trên các vùng sinh thái và lập địa khác nhau, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong công tác nhân giống cây trồng lâm nghiệp. Sử dụng ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong điều tra, quản lý tài nguyên rừng, diễn biến rừng. Tăng cường năng lực trong trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực ngành Lâm nghiệp thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để đáp ứng công tác bảo vệ và phát triển rừng.Thực hiện xã hội hoá, đa dạng hoá trong huy động các nguồn vốn từ: Ngân sách nhà nước; vốn doanh nghiệp, vốn trong dân; chi trả dịch vụ môi trường rừng và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cao hiệu quả về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chủ động lồng ghép, phối hợp trong thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với các chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu của các Chương trình đã đề ra.

Kim Thoa





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1