Chú trọng phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 199

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng là dự án được triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay. Mục tiêu tổng quát của dự án là góp phần giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận thị trường cho các nông hộ nghèo của tỉnh.

Dự án gồm 4 hợp phần chính, đó là: Hỗ trợ quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng thị trường; Hỗ trợ xây dựng ngành “nông nghiệp xanh”; Hỗ trợ các trang trại, nông hộ có khả năng sinh lời được kết nối với nguồn tài chính và thị trường; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị điều phối dự án. Dự án được triển khai tại 30 xã của 3 huyện Hà Quảng; Nguyên Bình, Thạch An.

anh tin bai

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm do các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sản xuất

Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và sự quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo Dự án và sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực thi, sự đồng lòng của cộng đồng nhân dân trong việc triển khai thực hiện Dự án, đến nay đã đạt nhiều kết quả: số lượng người được tiếp cận các hoạt động Dự án đến nay là trên 23 nghìn người; gần 13 nghìn hộ được hưởng lợi, với hơn 57 nghìn thành viên trong hộ. Dự án đã thực hiện được gần 95% tổng mức đầu tư, kết quả khá rõ nét trên tất cả các hợp phần như: Xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp xã. Đã có 100% xã phường trên toàn tỉnh được tập huấn và áp dụng.

anh tin bai

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Phê duyệt Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dựa trên ngành hàng là các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương. Việc thực hiện kế hoạch giúp các hộ dân chuyển đổi từ hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống đảm bảo chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua đó góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Hỗ trợ thành lập 678 tổ hợp tác, trong đó có 644 tổ đã được Dự án tài trợ với số tiền là 43,5 tỷ đồng. Trong đó có hơn 120 tổ có liên kết với các doanh nghiệp, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ đầu tư 187 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn và đã được bàn giao và đưa vào sử dụng phục vụ cho sản xuất; thành lập được 322 nhóm tiết kiệm tín dụng; có 06 doanh nghiệp/hợp tác xã được tài trợ để tham gia liên kết theo chuỗi giá trị...

Từ thành công của Dự án CSSP đã đạt được trong việc phát triển chuỗi giá trị, tỉnh Cao Bằng tiếp tục hoàn thiện thể chế các kế hoạch đầu tư chiến lược (SIP); kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP) nhằm phát triển chuỗi giá trị theo định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thành công các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại tỉnh Cao Bằng. Tỉnh chú trọng triển khai thực hiện theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, giai đoạn 2018-2021 có 161 dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giai đoạn 2022 đến nay đã phê duyệt và triển khai thực hiện 58 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng 05 SIP cấp tỉnh và được đưa vào thực hiện gồm: lợn đen, bò Mông, dong riềng, gừng hàng hóa và lúa gạo chất lượng cao… Các bản SIP nhằm cụ thể hóa những mục tiêu, nội dung và giải pháp theo Đề án nông nghiệp thông minh, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Ban thực thi Dự án của Sở đã phối hợp với Ban điều phối dự án CSSP tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT 3 huyện vùng Dự án xây dựng được 08 VCAP cấp huyện, 53 bản VCAP cấp xã. Phối hợp dự án CSSP và nhóm chuyên gia - Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD); xây dựng sổ tay “hướng dẫn xây dựng SIP, tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức thực hiện xây dựng SIP cấp tỉnh có sự lồng ghép thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025”. Ban hành 07 cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: trâu, bò, lợn, cây dong riềng, cây gừng, cây lạc, cây lúa, cây thạch đen; tổ chức tập huấn sản xuất an toàn và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng đảm bảo điều kiện của Nghị định thư, Thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói; phối hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể miến dong Nguyên Bình và nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý Thạch đen (Thạch An). Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư cấp tỉnh nhằm mời gọi, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào các chuỗi giá trị của tỉnh…

anh tin bai

Nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm miến dong

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, một số chuỗi giá trị nông nghiệp đang dần được đẩy mạnh phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, thu hút nhiều nhóm sở thích/Tổ hợp tác tham gia mở rộng vùng trồng nguyên liệu, các Doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm như cây thạch đen, miến dong, gừng hàng hóa,…Các huyện trong vùng dự án đang từng bước thể chế hóa nội dung SIP, VCAP; lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc hữu của địa phương góp phần vào việc triển khai thành công, hiệu quả các chuỗi giá trị nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại Hội nghị về giải pháp phát triển chuỗi giá trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tiềm năng, cơ hội hợp tác phát triển KT-XH trong tương lai tại tỉnh Cao Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khẳng định: Dự án CSSP đã đóng góp đáng kể vào chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn Dự án triển khai, đồng thời góp phần tích cực thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh Cao Bằng. Mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của IFAD và các nhà tài trợ Quốc tế để duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được và truyền cảm hứng, tiếp tục đầu tư vốn ODA cho tỉnh Cao Bằng để nâng cao các chuỗi giá trị tiềm năng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu theo định hướng kinh tế xanh một cách bền vững.

 

Dương Liễu

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1