Chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc
Lượt xem: 486

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét (PCĐR) cho đàn gia súc, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm phòng vắc xin, che chắn chuồng trại và đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi trong những đợt rét đậm, rét hại.

Chuồng chăn nuôi của gia đình anh Bế Ngọc Hiệp, xóm Vững Bền, xã Quang Hán (Trùng Khánh) được xây dựng kiên cố đảm bảo phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021, vì vậy, các đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm. Một số địa phương vùng núi cao sẽ xuất hiện nhiều sương muối, nhiệt độ giảm sâu làm giảm sức đề kháng của gia súc, tạo điều kiện cho một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn, viêm da nổi cục… Một số vật nuôi già yếu, con non có sức đề kháng kém có thể bị chết nếu không có biện pháp phòng, chống thích hợp.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp PCĐR cho đàn gia súc. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch PCĐR cho vật nuôi và phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện trực tiếp phụ trách địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác PCĐR. Đồng thời, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn được giao hỗ trợ công tác PCĐR cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung, thức ăn tinh (bột, ngô, cám), tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi.

Tại huyện Hạ Lang, công tác PCĐR cho đàn gia súc được địa phương quan tâm. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn, tiêm phòng để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh viêm da nổi cục; khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; khuyến cáo người dân áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học giảm thiểu thiệt hại gia súc bị dịch bệnh. Hiện toàn huyện có 12.619 con trâu, bò, từ tháng 5/2021 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục tái phát làm 231 con trâu, bò mắc bệnh và 16 con trâu, bò bị chết.

Huyện Trùng Khánh hiện có 22.090 con trâu, 9.944 con bò. Những năm gần đây, người chăn nuôi nhận thức được giá trị kinh tế   từ chăn nuôi gia súc mang lại nên trước khi bước vào mùa đông, phần lớn người dân chủ động dự trữ thức ăn, chú trọng gia cố, vệ sinh chuồng trại. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải cho biết: Với diễn biến thời tiết có nhiều bất thường, phòng phân công cán bộ, chỉ đạo thú y viên xã tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện các biện pháp PCĐR cho đàn vật nuôi. Tại nhiều xã, thị trấn, từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2021, sau khi thu hoạch vụ hè thu, nhân dân thu gom rơm rạ, chuẩn bị cỏ voi, thân cây ngô, đỗ và một số phụ phẩm xanh trong nông nghiệp về ủ chua làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò.

Theo Anh Bế Ngọc Hiệp, xóm Vững Bền, xã Quang Hán (Trùng Khánh) chia sẻ: Năm nào cũng vậy, khi thời tiết chuyển lạnh, gia đình tôi lại quây chuồng trại bằng bạt để chắn gió lùa; hạn chế thả trâu khi trời còn sương; chủ động thức ăn từ rơm rạ kết hợp cỏ tự nhiên. Khi nhiệt độ xuống quá thấp thì đốt lửa ở cạnh chuồng để tạo hơi ấm cho vật nuôi. Hiện gia đình có 10 con trâu, bò; để đàn gia súc không bị chết đói, rét trong mùa đông, gia đình xây dựng chuồng trại kiên cố; tích trữ rơm, ngô, cám gạo; thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn. Tăng cường kiểm tra, rà soát kết quả tiêm phòng gia súc, tổ chức tiêm phòng bổ sung, đảm bảo 100% gia súc trong diện bắt buộc được tiêm phòng các loại vắc xin theo đúng định kỳ. Xây dựng kế hoạch, tham mưu Sở NN&PTNT thành lập đoàn kiểm tra công tác PCĐR cho gia súc tại các huyện, Thành phố. Tuy nhiên, tại một số địa phương, ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp PCĐR cho đàn vật nuôi chưa cao. Nguồn thức ăn dự trữ để bổ sung cho đàn gia súc còn thiếu; chuồng trại che chắn sơ sài, công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế; tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn thấp; một số người dân còn thả rông gia súc, sử dụng gia súc cày kéo khi nhiệt độ dưới 12°C.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Truân cho biết: Để phát triển đàn gia súc, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết lạnh giá, Sở tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo PCĐR và dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp. Tập trung hướng dẫn người dân, nhất là các địa bàn vùng cao đảm bảo dự trữ thức ăn, nuôi nhốt trâu, bò khi nhiệt độ giảm sâu. Các phòng, ban chuyên môn phân công cán bộ trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho người chăn nuôi các biện pháp PCĐR, tu sửa, che chắn chuồng trại, tăng cường vệ sinh phòng bệnh, xử lý tốt môi trường chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân không thả rông vật nuôi trong những ngày nhiệt độ thấp. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác PCĐR, dịch bệnh cho vật nuôi.             

Hiện toàn tỉnh có trên 101.100 con trâu, trên 107.700 con bò. Từ đầu năm đến nay, có trên 10.100 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục làm chết 765 con. Trong đó, các huyện có gia súc bị thiệt hại cao như: Bảo Lạc 210 con, Bảo Lâm 274 con, Trùng Khánh 112 con, Hòa An 80 con, Quảng Hòa 56 con.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1