Cao Bằng: Thiệt hại do bão và ảnh hưởng của bão số 3 ước tính khoảng 125 tỷ đồng
Lượt xem: 122

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão các khu vực trong tỉnh đã có mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất gây thiệt hại về người, nhà ở và ảnh hưởng sinh hoạt của người dân. Các sông, suối trên địa bàn tỉnh xuất hiện lũ vừa, lũ lớn (sông Gâm đạt đỉnh lũ hồi 19h ngày 09/9/2024 ở mức 199,42 m cao hơn báo động III 1,44 m; sông Bằng đạt đỉnh lũ hồi 19h ngày 09/9/2024 ở mức 182,80 m cao hơn báo động III 0,3 m), gây ngập úng một số khu vực dân, cư của TP.Cao Bằng, huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An. Sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ các khu vực huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt xảy ra sạt lở đất tại xã Yên Lạc, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình. Gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng trường học,Y tế, giao thông, trụ sở cơ quan, đơn vị,...

anh tin bai

Lũ trên sông Gâm đạt đỉnh lũ hồi 19h ngày 09/9/2024 ở mức 199,42 m cao hơn báo động III 1,44 m

Tính đến 14h ngày 11/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 34 người chết (chết do đuối nước 02 người tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình và xóm Nà Bó, xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm; chết do sạt lở đất, lũ quét tại các xã Yên Lạc, Vũ Nông, Ca Thành, huyện Nguyên Bình là 32 người); 17 người bị thương; 18 người mất tích; 1.263 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó nhà bị sập đổ hoàn toàn 26 nhà, 1.237 nhà bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái; 13 điểm trường bị hư hỏng; 03 cơ sở y tế, 03 nhà văn hóa xóm bị thiệt hại do sạt lở, ngập nước, tốc mái; 1.555,14 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ,vùi lấp, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 642,7 ha; diện tích hoa màu bị thiệt hại 912,44 ha; 1,9 ha diện tích nuôi cá, 13 ao nuôi cá truyền thống, 2,4 tấn cá thương phẩm bị trôi, tràn bờ; 02 lồng nuôi cá bị trôi, hư hỏng 09 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, sạt lở; 18 cột điện bị đổ, gẫy; 01 trạm biến áp bị hư hỏng, 02 tuyến cáp quang bị đứt.

Giao thông bị sạt lở, ngập nước nhiều tuyến đường quốc lộ (QL), đường tỉnh (ĐT) và các tuyến giao thông nông thôn (GTNT). QL 34 có 34 vị trí bị sạt lở, tắc đường; ngập sâu 3 vị trí (đoạn dài nhất 250 tại thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm), khối lượng sạt 99.270 m3, sạt taluy âm 609 md; ĐT.202, ĐT.212, ĐT T216 có 18 vị trí bị sạt lở, 02 vị trí ngập úng gây tắc đường; đường GTNT có 49 tuyến trên địa bàn các huyện bị sạt lở taluy âm, taluy dương khối lượng lớn, mặt đường bị sụt lún. Tổng thiệt hại (ước tính) do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh là 125 tỷ đồng.

Để ứng phó với bão số 3, UBND tỉnh, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai các phương án ứng phó bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Ngày 06/9/2024, UBND tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra đến cơ sở kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, đảm bảo giao thông, phương án đảm bảo an toàn dân cư khu vực có nguy cơ về sạt lở đất và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão, mưa lũ sau bão. Các Sở, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai theo lĩnh vực, địa bàn quản lý và tổ chức kiểm tra các điểm, công trình trọng yếu có nguy cao xảy ra thiên tai. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có Kế hoạch nghỉ học cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nghỉ học để ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, thời gian nghỉ học 05 ngày (ngày 09 đến hết ngày 13/9/2024). Công tác đảm bảo trực ban phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được tổ chức nghiêm túc và đảm bảo việc thông tin, cảnh báo kịp thời.

anh tin bai

Các lực lượng chức năng tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn

Ngay sau khi xảy ra thiên tai tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy cấp tỉnh đặt tại huyện Nguyên Bình do đồng chí Hoàng Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổng chỉ huy để chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3. Chính quyền các địa phương huy động các lực lượng, vận động nhân dân hỗ trợ giúp đỡ nhau chủ động khắc phục nhà ở bị thiệt hại; các nhà ở bị sạt lở đang có nguy cơ bị sạt tiếp đã sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Đến nay các thành phần tham gia cứu hộ, cứu nạn các cấp đang có mặt tại hiện trường thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Các tuyến đường giao thông các đơn vị quản lý đường bộ đang khẩn trương xử lý, khắc phục. Các điểm tắc đường lớn, đoạn đường, ngầm tràn bị ngập nước các lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, canh gác hướng dẫn, phân luồng giao thông.

Tỉnh Cao Bằng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Cao Bằng 100 tấn gạo và kinh phí với số tiền 100 tỷ đồng tại cuộc họp ngày 10/9/2024 do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì làm việc chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Cao Bằng đtỉnh tái thiết các công trình cơ sở hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục,...), khắc phục hậu quả thiên tai ổn định đời sống, dân sinh và phát triển kinh tế  - xã hội địa phương.

Kim Thoa





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1