Cao Bằng: Nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP không ngừng vươn xa
Lượt xem: 739

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) ra đời nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, nhất là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chương trình OCOP bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ năm 2020, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị nông sản, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng mang tính đặc trưng của tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định thương hiệu, chất lượng và có tiềm năng vươn ra thị trường nước ngoài.

Duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Tỉnh Cao Bằng có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển sản xuất nông sản đặc hữu của địa phương theo hướng hàng hóa, các điều kiện sinh thái, văn hóa giúp cho Cao Bằng có lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các sản phẩm nông sản gắn liền với bản sắc dân tộc và tri thức bản địa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 500 cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn, trong đó: 213 cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm; 177 cơ sở chế biến lâm sản; 118 hợp tác xã tham gia sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; 07 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Đến nay toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP (gồm 09 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao), thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm: 77 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 03 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 04 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 03 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Có 67 chủ thể thực hiện (22 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh).

anh tin bai

Gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng được nhiều khách hàng tham quan và mua sắm

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, phấn đấu có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 04 - 05 sản phẩm tiềm năng 05 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP; ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…).

Riêng năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. 

anh tin bai\

Sản phẩm mật ong Đoàn Linh, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình đạt 3 sao

Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: sản phẩm lạp sườn, thịt xông khói của HTX Tâm Hòa; nấm hương Việt Trúc Mai (xã Hưng Đạo, Thành phố); rượu ngô Đại Hoàng Cao Bằng; miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á; các sản phẩm bún khô của HTX Ba sạch Hưng Đạo; sản phẩm thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; sản phẩm gạo nếp Hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm; sản phẩm bún khô Cao Tuyền của Công ty TNHH Cao Tuyền… Ngoài ra, một số sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu như: sản phẩm hồng trà, lục trà của Công ty TNHH Kolia được xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia; sản phẩm chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tỉnh đã chỉ đạo các chủ thể chú trọng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy suất nguồn gốc sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP; Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP

Nhằm tạo cơ hội cho các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể sản xuất trong và ngoài tỉnh có dịp giao thương, học tập, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phát triển thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức thành công Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với quy mô cấp vùng thu hút hơn 100 chủ thể OCOP (là doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ đăng ký kinh doanh) từ các địa  phương trong và ngoài tỉnh với quy mô khoảng 260 gian hàng, trong đó: 60 gian khu triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng; 80 gian khu triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố tham gia; 120 gian khu thương mại, dịch vụ tổng hợp. Với các sản phẩm tham gia Hội chợ, như: Các mặt hàng nông sản đặc hữu, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, các món ẩm thực mang đặc trưng của các vùng miền…

anh tin bai

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở ngành thăm quan các gian hàng trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tổ chức tại Cao Bằng

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc ra ngoài tỉnh, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở Công Thương đăng ký, bố trí gian hàng và lựa chọn sản phẩm trưng bày giới thiệu tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023) diễn ra từ ngày ngày 16 - 19/9/2023 tại Thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc với 7 sản phẩm OCOP, trong đó có 06 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là: Trà các loại (Trà tiên, hồng trà, lục trà, O Long) của Công ty TNHH Kolia; Miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á; Gạo Nếp hương Bảo Lạc, Trà Cao triết Hà thủ ô đỏ, Trà túi lọc Chàm tía của Công Ty TNHH HATODO; Tương Mẹc Cảng của Huyện Trùng Khánh, Cao Bằng; Bún khô Cao Tuyền của Công ty TNHH Cao Tuyền và bộ 07 sản phẩm gia vị (hồi, quế, gừng, nghệ, tỏi, ớt, sả) của Công Ty TNHH Phát Triển Nông Nghiệp và Tư Vấn Môi Trường.

 

anh tin bai

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng trưng bày giới thiệu tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023).

Tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu 16 gian hàng của 10 huyện, Thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc hữu trong tỉnh và trình diễn chế biến các món ăn địa phương tại phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố) nhân sự kiện diễn ra Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2023 nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, sản vật của tỉnh Cao Bằng, mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị. 

Từ những nỗ lực trên, Chương trình OCOP đã khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1