Cao Bằng nỗ lực di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở
Lượt xem: 132

Di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cao Bằng. Những năm qua, Tỉnh đã đẩy mạnh công tác vận động người dân và hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân thực hiện xây dựng chuồng trại gắn với di dời chuồng chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, làm thay đổi tích cực môi trường sống, phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 30/10/2015 Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đưa 50% số hộ di dời chuồng chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Sau 5 năm thực hiện công tác di dời chuồng trại đạt vượt chỉ tiêu, cả giai đoạn đã thực hiện di dời được 16.942 hộ đạt 65,7%.

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Cao Bằng, nguồn lực hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện xây dựng chuồng trại gắn với di dời chuồng chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở còn hạn hẹp, nhưng đã có hàng chục nghìn hộ thực hiện công tác di dời, đó là sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để đạt những kết quả khích lệ, là tiền đề thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

anh tin bai

Xây dựng chuồng trại nuôi gia súc cách xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường

Từ việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, nhiều hộ gia đình đã thấy được những lợi ích tích cực. Anh Nông Văn Nam, ở xóm Bình Minh, xã Thanh Long (Hà Quảng) cho biết, từ năm 2020 gia đình tôi làm nhà mới, tôi dành một phần đất cạnh nhà để xây dựng chuồng chăn nuôi, chia thành nhiều ngăn để nuôi trâu bò, lợn, gà. Khi đưa trâu, bò ra khỏi gầm sàn tôi thấy thấy không khí khác hẳn, nhà cửa thoáng mát hơn, không còn mùi hôi thối. Con dĩn, con muỗi cũng ít đi, việc chăm sóc vật nuôi và vệ sinh chuồng trại cũng dễ hơn, chuồng nuôi đủ ánh sáng, tôi thấy đàn vật nuôi ít bệnh hơn, lớn nhanh hơn”.

Cũng như anh Nam, chị Mã Thị Loan, ở xóm Thượng Hà, Thanh Long (Hà Quảng) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi có thói quen nuôi nhốt trâu, bò, gà dưới gầm sàn nhà ở vì cho rằng tiện chăm sóc, không lo mất trộm. Được sự tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của chính quyền xã gia đình tôi chủ động vay vốn di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở, nhờ đó, môi trường sống, sức khỏe của cả nhà được đảm bảo, gia đình có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo tăng thêm thu nhập.

anh tin bai

Di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở tiện cho việc chăm sóc vật nuôi

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng có 9.917 hộ cần di dời chuồng trại gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh thực hiện di dời được 6.738 hộ (đạt 67,9% với kinh phí trên 17,3 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh còn thực hiện di dời 3.324 hộ chưa di dời với tổng nhu cầu kinh phí cần trên 25,1 tỷ đồng, trong đó nhu cầu ngân sách tỉnh là 795 hộ, kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở khó thực hiện do người dân thường làm nhà sát nhau, quỹ đất hạn hẹp không có mặt bằng để làm chuồng trại. Bên cạnh đó điều kiện kinh tế của người dân chăn nuôi còn khó khăn, số hộ để gia súc dưới gầm sàn nhà ở phần đa là hộ nghèo, cận nghèo. Do biến động giá cả thị trường đã ảnh hưởng rất lớn đến giá cả vật liệu, thực tế giá thành để làm chuồng trại quá cao so với điều kiện kinh tế của người dân, nên rất khó để thực hiện đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó, tập quán nuôi nhốt lâu đời, nhiều hộ dân vẫn duy trì tình trạng nuôi nhốt, chưa thay đổi ý thức nên việc di dời gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, sau khi đã sử dụng kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2024-2025, tổng kinh phí các huyện đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ là gần 3 tỷ đồng. Trong đó, huyện Trùng khánh 367 hộ, kinh phí 1,1 tỷ đồng; Quảng Hoà 100 hộ, kinh phí 250 triệu đồng; huyện Hạ Lang 328 hộ, kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. UBND đã ban hành Quyết định số 745/QĐ-UBND về việc giao dự toán chi ngân sách cho các huyện. Như vậy, nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện hỗ trợ công tác di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở giai đoạn 2024-2025 thực hiện hoàn thành trong năm 2024 đáp ứng nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách theo đề xuất của các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang và Quảng Hoà.

Các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm bố trí từ nguồn kinh phí của huyện và các Chương trình MTQG để thực hiện, không đề xuất nguồn từ ngân sách tỉnh. Cụ thể: Huyện Hà Quảng: 645 hộ, kinh phí gần 6,5 tỷ đồng; Huyện Nguyên Bình: 7 hộ, kinh phí 24 triệu đồng; Huyện Bảo Lạc: 7 hộ, kinh phí 42 triệu đồng; Huyện Bảo Lâm: 30 hộ, kinh phí 180 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: Việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2024. Tuy nhiên, đến nay số hộ cần di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ sức khỏe, môi trường, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành và người dân trong việc tổ chức thực hiện. Hằng năm, cân đối nguồn lực, chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, dự án, huy động mọi nguồn lực địa phương hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng gia súc. Đến năm 2025, hoàn thành 100% hộ chăn nuôi di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.

Để thực hiện hiệu quả việc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tăng cường vận động gắn với thực hiện các phong trào của các tổ chức đoàn thể để nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, chủ động di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, góp phần hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Dương Liễu

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1