Di tích lịch sử cách mạng xã Kéo Yên (Hà Quảng)
Lượt xem: 35

Kéo Yên là xã vùng cao biên giới, thuộc vùng Lục khu của huyện Hà Quảng, cách trung tâm huyện 10 km. Trước năm 1942 gọi là xã Hoàng Rượu (gồm xã Kéo Yên và xã Trường Hà hiện nay). Từ năm 1945 - 1950, đổi tên thành xã Quý Hiệu (gồm các xã Kéo Yên, Lũng Nặm, Trường Hà và một số xóm thuộc xã Vần Dính hiện nay). Năm 1950 đến nay tách ra thành xã Kéo Yên.

Kéo Yên là xã vùng cao biên giới, thuộc vùng Lục khu của huyện Hà Quảng, cách trung tâm huyện 10 km. Trước năm 1942 gọi là xã Hoàng Rượu (gồm xã Kéo Yên và xã Trường Hà hiện nay). Từ năm 1945 - 1950, đổi tên thành xã Quý Hiệu (gồm các xã Kéo Yên, Lũng Nặm, Trường Hà và một số xóm thuộc xã Vần Dính hiện nay). Năm 1950 đến nay tách ra thành xã Kéo Yên.

 

Một góc xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng.Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
 

Trước năm 1940, xã Kéo Yên là nơi sớm được gây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện Hà Quảng.

Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước đến Pác Bó, xã Trường Hà ở và làm việc (từ ngày 28/1/1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì cách mạng càng ảnh hưởng lớn đến xã Kéo Yên. Huyện ủy Hà Quảng đã cử đồng chí Lê Quảng Ba phụ trách, chịu trách nhiệm tổ chức các hội Cứu quốc từ Pác Bó lên vùng Lục khu, trong đó có xã Kéo Yên.

Tháng 2/1941, tại một điểm bí mật thuộc xã Kéo Yên đã tổ chức mở lớp huấn luyện chính trị. Lớp học tiến hành một tuần nhằm đào tạo cán bộ, triển khai thực hiện chương trình thí điểm Mặt trận Việt Minh. Đây là cơ sở quan trọng góp phần vào việc tổng kết công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng (4/1941). Đến cuối năm 1941, hầu hết các xã: Sóc Giang, Đào Ngạn, Nà Sác, Trường Hà, Xuân Hòa, Vần Dính, Phù Ngọc, Lương Can, Đa Thông, Kéo Yên đã có Ban Việt Minh xã. Khi được tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, nhân dân các dân tộc Hà Quảng nói chung, trong đó có Kéo Yên đã hăng hái tham gia các hội Cứu quốc.

Tháng 8/1942, theo chủ trương của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Hà Quảng đã giúp đỡ đoàn cán bộ của tỉnh tổ chức triển lãm ở một số địa điểm của các xã, trong đó tổ chức triển lãm ở Lũng Đôn, xã Kéo Yên. Đó là cuộc triển lãm trưng bày những tranh ảnh tố cáo tội ác của phát xít Nhật, ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của Hồng quân Liên Xô, tuyên truyền đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh, tình hình cách mạng thế giới và trong nước...

Năm 1942, xã Kéo Yên đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại lán Cốc Lót, do đồng chí Phúc Lai làm Bí thư. Chi bộ đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng của xã. Các địa điểm di tích cách mạng như: Lũng Slưa Thai - nơi cắt máu ăn thề, Thông Nhèn - bãi tập điều lệnh, Phja Sẻ - nơi nuôi dấu cán bộ.

Trong những năm 1943 - 1944, Đảng bộ huyện Hà Quảng đã phân công đảng viên đi các địa phương củng cố xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng, xã Kéo Yên vẫn đảm bảo an toàn cho cán bộ đến hoạt động, tránh được mọi sự khủng bố của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Việt Minh xã, nhân dân xã Kéo Yên đã bảo vệ, giúp đỡ cán bộ cách mạng về mọi mặt, đảm bảo bí mật an toàn.

Từ năm 1945 - 1950, xã Quý Hiệu có nhiệm vụ quan trọng là củng cố chính quyền cách mạng mới ra đời, chống bọn thổ phỉ cướp bóc ở địa phương, quan hệ tốt với cách mạng và nhân dân Trung Quốc ở vùng biên giới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp theo... Khi đó có các đồng chí lãnh đạo làm Bí thư Đảng ủy  xã, như: Dương Đại Phong, Phượng Đài, Nông Chẩn Sếnh...

Với những công lao, thành tích đóng góp của nhân dân trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xã Kéo Yên đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận xã Kéo Yên là xã An toàn khu, ngày 14/6/2014.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1