Dá hai: Làn điệu dân ca độc đáo của người Nùng (Cao Bằng)
Lượt xem: 794

Tỉnh Cao Bằng có kho tàng dân ca khá đồ sộ với hàng trăm làn điệu của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… Trong các làn điệu dân ca thì Dá hai là một trong những làn điệu hay, có sức cuốn hút lạ thường.

anh tin bai

Làn điệu Dá Hai “Lời ru truyền đời” do em Hoàng Ngọc Loan (huyện Hòa An) biểu diễn tại Hội thi Hát dân ca – trình diễn trang phục dân tộc tỉnh.

Hát Dá hai là loại hình dân ca nổi tiếng, đặc sắc của dân tộc Nùng miền Đông tỉnh Cao Bằng với nhiều làn điệu diễn đạt trạng thái tâm lý vui, buồn, yêu, ghét... Qua nghiên cứu, hiện nay đã sưu tầm được 10 làn điệu, đó là: (1) “Phình tiảo” (Phìn tiảo): là điệu bình, du dương, được sử dụng làm khúc mở đầu; (2) “Sai vá”: điệu hái hoa, phản ánh tâm trạng con người vui tươi, nhí nhảnh, phấn khởi, có phần hào sảng, thăng hoa; (3) “Chén cáo tiảo” (Phìn chén cáo tiảo): phản ánh tâm trạng bâng khuâng, nhẹ nhàng, cảm giác lâng lâng, phấn chấn của con người: (4) “Thán tiảo” (than thở): tự sự, tâm tình, tự tình, tự mình giãi bày...; (5) “Hỷ tiảo”: điệu hát vui, hân hoan, phản ánh tâm trạng con người phấn khởi, tự hào; (6) “Cồ pán”: thể hiện sự tự tình lặng lẽ, sâu lắng tâm hồn; (7) “Khù tiảo”: biểu hiện sự khóc lóc, than thân, trách phận, buồn bực, rầu rĩ, xót xa; (8) “Slí tiảo”: là điệu ngâm thơ phản ánh tâm trạng thăng hoa, ý nhị của con người; (9) “Cao tiảo”: thể hiện tâm trạng thư thái, đủng đỉnh, tiêu dao, sảng khoái; (10) “Sấu pán”: là làn điệu thường dùng để kết thúc.

Tại Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh được coi là trung tâm lan tỏa nghệ thuật ca kịch Dá hai. Ca kịch Dá hai bắt nguồn từ nghệ thuật Mộc Thầu Hý của các gánh hát Trung Quốc theo thương gia sang biểu diễn tại các vùng biên giới Cao Bằng vào những năm đầu thế kỷ XX. Mộc Thầu Hý là nghệ thuật múa rối có dàn nhạc hỗ trợ, khi sang Việt Nam đã được các nghệ nhân người Nùng ở Thông Huề quan sát và sáng tạo sử dụng các nghệ nhân hát thay thế các con rối, thể hiện nội dung bằng các làn điệu Dá hai. Có thể nói, đây là một sự sáng tạo văn hóa của người Nùng, là sự giao thoa văn hóa điển hình ở vùng biên giới Việt - Trung. Đội ca kịch Dá hai Thông Huề ra đời vào khoảng những năm 1950. Các nghệ nhân ca kịch Dá hai Thông Huề đã dày công nghiên cứu các tích tuồng cổ Trung Quốc có chủ đề, nội dung phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam và thị hiếu của nhân dân địa phương; có giá trị giáo dục nhân văn sâu sắc để dàn dựng các vở diễn.

Theo sự phát triển của xã hội, nghệ thuật Dá hai cũng dần có những sự biến đổi để thu hút người xem. Hiện nay, nội dung trong các tác phẩm tuồng Dá hai không chỉ dừng lại ở các tích truyện cũ mà có sự sáng tạo, gắn liền với cuộc sống hiện tại, mang ý nghĩa cao đẹp, đậm tính nhân văn sâu sắc như: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, gương người tốt việc tốt.

Dương Liễu (ST)





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1