Độc đáo trang phục truyền thống của người Sán Chỉ ở Bảo Lạc
Lượt xem: 994

Cộng đồng người Sán Chỉ ở Bảo Lạc (Cao Bằng) có khoảng trên 2.000 nhân khẩu, phân bố tại các xã: Thượng Hà, Hưng Đạo, Kim Cúc, Cốc Pàng và Sơn Lộ. Từ bao đời nay, nền văn hóa của người Sán Chỉ ở Bảo Lạc đã hòa cùng dòng chảy văn hóa miền non nước Cao Bằng, được các thế hệ tiếp nối gìn giữ, phát huy, góp phần làm nên sự đa dạng trong bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

 

anh tin bai

Trang phục dân tộc của người Sán Chỉ

Một trong những nét văn hóa của dân tộc Sán chỉ là việc lưu giữ trang phục truyền thống của dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử của từng dân tộc. Với đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Cao Bằng, trang phục dân tộc không chỉ là nét đặc trưng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ, mà bộ trang phục dân tộc giống như chứng minh lịch sử, kể câu chuyện văn hóa trường tồn.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ là sự kết hợp hoàn hảo giữa nét đẹp truyền thống và sự tinh tế trong từng đường may. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ về cơ bản gồm những yếu tố sau: Quần, áo trong, áo ngoài, thắt lưng và khăn vấn tóc.

Quần trong bộ trang phục của người phụ nữ Sán Chỉ được may từ vải chàm có chiều dài ngang cổ chân. Áo gồm hai loại: áo trong và áo ngoài, áo trong thường là áo mỏng có màu sáng, áo ngoài được làm từ vải chàm, áo có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được thêu một viền dải màu đỏ, chiều dài áo ngang cùng với quần. Điểm nhấn độc đáo của bộ trang phục người phụ nữ Sán Chỉ là kiểu cách vấn tóc và phụ kiện đi kèm cùng chiếc khăn đội đầu. Tóc được người phụ nữ Sán Chỉ vấn cao, búi về phía trước dùng cặp ba lá (khoảng 100 -120 cái tùy vòng đầu mỗi người) cặp lại thành 2 vòng kẹp bạc quanh đầu, phía dưới phần kẹp ba lá bằng bạc là các vòng tóc giả (xưa là tóc thật) tết gọn quấn quanh đầu, thông thường từ 4-5 vòng. Sau cùng là khăn vấn tóc bằng vải thô, giữa mảnh vải có hoa văn được làm thủ công trang trí các họa tiết cây, cỏ, hoa lá, hình tam giác… che phần đỉnh đầu. Đáng chú ý là phụ nữ Sán Chỉ dùng trâm bạc (trâm gỗ) kèm xà tích, vòng bạc, hoa văn bằng bạc làm điểm nhấn trên phần tóc nên chỉ cần nhìn vào kiểu cách vấn tóc là dễ dàng nhận biết phụ nữ dân tộc Sán Chỉ so với các dân tộc khác.

Vào những ngày lễ, tết, trên trang phục của người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ sẽ có thêm thắt lưng, dải yếm và nhiều trang sức bạc. Dải yếm trước áo ngoài được làm bằng nhiều sợi chỉ sắc màu được kết nối từ cổ dài xuống hết thắt lưng (bao gồm 12-14 sợi to). Thắt lưng được bện từ nhiều sợi chỉ sắc màu, cách một đoạn thắt lưng lại được trang trí bằng các sợi chỉ tua rua, rủ xuống dài từ 10-15cm. Khi quấn thắt lưng, hai mảng chỉ tua rua sẽ ở hai bên hông áo tạo thành điểm nhấn độc đáo. Ngoài ra, mặt ngoài thắt lưng điểm xuyết bởi những hoa văn bằng bạc tinh tế, được quấn quanh thân áo của người phụ nữ Sán Chỉ từ 2-3 vòng.

Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Sán Chỉ không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ Sán Chỉ chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Bộ trang phục phụ nữ dân tộc Sán Chỉ không phân biệt lứa tuổi, gia thế mà đều giống nhau.

Ngược lại, bộ trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ. Trang phục nam của người Sán chỉ được may bằng vải chàm với áo bà ba, áo có hai túi rộng, quần dài, ống quần rộng mềm mại về kiểu dáng để thuận tiện cho việc lao động, trồng trọt chăn nuôi và tiện lợi cho việc đi lại...

Bộ trang phục của người Sán Chỉ còn độc đáo ở kỹ thuật nhuộm màu cho vải để có màu sắc chàm đẹp, vừa mang màu sắc núi rừng vừa bền màu không phai dù sử dụng lâu dài. Để nhuộm được một mảnh vải may trang phục truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: Cây chàm được lấy về, rửa sạch cắt thành từng khúc ngâm vào chum hoặc vại. Qua một đêm, thứ nước đó được hòa với nước tro bếp và một bát nước vôi, sau đó khuấy đều và để lắng trong khoảng 30 phút. Vải sẽ được đem ngâm trong hỗn hợp nước này cùng với một số loại lá cây rừng. Khi nhuộm lần đầu, vải có màu xanh nhạt, dễ phai. Qua nhiều lần nhuộm rồi đem phơi nắng, vải sẽ sẫm lại, không bị phai màu. Vải có được màu sắc đẹp, bền màu hay không phải có kinh nghiệm.

Từ mảnh vải trắng được nhuộm nhiều lần rồi may thành một bộ trang phục hoàn chỉnh là cả một quá trình kiên trì, nhẫn nại của những người phụ nữ Sán Chỉ. Với đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù và tinh tế khi kết hợp nhiều kỹ thuật: Dệt, thêu, nhuộm chàm… đã làm nên mỗi bộ trang phục như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Do đó, trang phục truyền thống của người Sán Chỉ không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn chứa đựng trong đó cả giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ cao.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1