Nghề đan chiếu cót thủ công truyền thống của người Tày Cao Bằng
Lượt xem: 1551

Nghề đan chiếu cót hay còn gọi là “slan tjẹm bjoóc” của người Tày Cao Bằng là sự kết hợp hài hòa giữa tính công năng và tính thẩm mỹ, là sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ nổi tiếng với những hoa văn độc đáo, phong phú, tinh xảo mang đậm bản sắc dân tộc và không thể thiếu trong đời sống của người Tày bởi nó tạo nên hồn cốt văn hóa dân tộc. 

Sản phẩm chiếu cót nổi tiếng với những hoa văn mang tính nghệ thuật tạo hình đặc biệt riêng có của người Tày, mang đậm bản sắc dân tộc được lưu truyền một cách tự nhiên, bền vững trong cộng đồng dân tộc. Chiếu cót đan bằng nguyên liệu tự nhiên, tinh xảo đẹp mắt, là một trong những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cụ Hoàng Thị Biện, 96 tuổi ở xóm Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An) cho biết: Nghề đan chiếu cót của người Tày là nghề thủ công truyền thống từ xa xưa do các cụ tự cung, tự cấp cho nhu cầu cuộc sống, tự vót nan chẻ lạt từ cây giang, cây nứa và cải tiến hoàn thiện từ đơn giản đến tinh xảo cùng với tiến trình lịch sử của người Tày cho tới ngày nay.

Nghề đan chiếu cót gồm các công đoạn như: chọn cây chẻ lạt vót nan, đan lát, tạo hoa văn. Nghề đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ. Các mẫu tạo hình hoa văn là sự hài hòa giữa đường nét, khuôn hình hoa văn trên bề mặt cùng một màu sắc. Các đường nét sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo trên nền chủ đạo từ màu tự nhiên của thanh nan; đặc biệt không có sự pha trộn màu sắc, sản phẩm tạo nên bản sắc riêng của văn hóa truyền thống Tày khiến người ta khó có thể nhầm lẫn với cách tạo hình hoa văn mỹ thuật của các dân tộc khác. Nét độc đáo trong nghệ thuật tạo hình, đan chiếu cót không theo một khuôn mẫu tạo hình cố định, người nghệ nhân vừa đan vừa lập trình mẫu hoa văn theo sở thích của mình hoặc theo yêu cầu của người sử dụng. Trong tạo hình quan trọng là sự chia hình, tạo khối của hoa văn, đó là những bông hoa 8 cánh, là hình sóng mây, sóng nước, hình hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi hay một số muông thú như: hươu, nai, ngựa, chim, bướm, hình các linh vật (hổ, rồng, rùa, cá chép)… Tại sao người Tày họ hay đan, dệt hoa 8 cánh và có câu nói cửa miệng “4 phương, 8 hướng”, đó là tư duy về vũ trụ của người Tày từ bao đời nay. Đường nét nào là đường nét hoa chìm, đường nét nào là đường nét nổi, tất cả đều hiện lên theo cách sắp xếp nan của người đan. Nhưng hoa nổi là bề nổi sắc nét, nếu không có những bông hoa chìm thì những bông hoa nổi sẽ không thể nổi lên được. Hoa chìm còn tượng trưng cho đất, đất là ở dưới, tất cả những dường nét tạo nổi trên bề mặt chiếu tạo nên màu sắc lung linh của tấm chiếu. 

anh tin bai
 

Nghệ thuật tạo hoa văn trên chiếu cót của người Tày Cao Bằng.

Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam Nông Thị Nhi, nghệ nhân làng nghề đan chiếu cót bản Nà Đoỏng, xã Minh Khai (Thạch An) cho biết: Ngày xưa, các cụ đan chiếu cót đơn giản chỉ để làm phương tiện phơi thóc, phơi ngô, hoa màu. Nhưng sau đó do nhu cầu của cuộc sống cần có chiếu để nằm, các cụ đã biến tấu từ chiếu phơi nông sản thành chiếu cho người sử dụng, rồi dần dần nghĩ ra các loại hoa văn thêm sinh động và lạ mắt. Từ xa xưa, các cụ đã phân biệt nhiều loại hoa văn ứng với không gian cho người dùng như: chiếu cót để trải trong không gian thiêng trước bàn thờ tổ tiên thì đan hoa văn rồng, hổ, cá chép viền sóng mây, chiếu trải trong ngày cưới đan chữ song hỷ, chữ phúc và các loại hoa, chiếu trải cho người cao tuổi thường đan chữ thọ… Thời các cụ, chiếu cót thường dùng làm quà tặng dịp cưới, ngày mừng thọ, vào nhà mới. Khi con gái đi lấy chồng, ngày cưới thường mang theo vài tấm chiếu cót vừa để sử dụng vừa làm quà biếu ông bà, cha mẹ bên nhà chồng. Những tấm chiếu này đều do cô dâu tự đan trước khi về nhà chồng, nhìn những nét hoa văn trên tấm chiếu có thể đánh giá được tính cách kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, sự khéo léo của cô dâu. 

Nguyên liệu chính để đan chiếu cót là cây giang, cây nứa. Người đan tự chẻ lạt, vót nan hoàn toàn bằng thủ công. Khi tạo hình hoa văn đều được lập trình trong đầu của người nghệ nhân chứ không có sẵn mẫu mã. Kích thước rộng, dài của chiếu được đan theo nhu cầu không gian sử dụng, đơn cử như kích thước chiếu trải giường thường 1,6 x 1,8 m; chiếu trải phòng khách và các không gian khác tùy thuộc vào kích thước của căn phòng cũng như yêu cầu của người sử dụng. 

Nghệ nhân Nông Thị Nhi cho biết thêm: Hiện nay, một tấm chiếu cót 1,6 x 1,8 m có giá 2 triệu đồng, một tháng nếu làm chăm chỉ, tôi có thể đan được 3 tấm. Giờ sản phẩm làm ra không đủ phục vụ nhu cầu của khách trong và ngoài tỉnh, mỗi lần khách đặt từ vài chiếc trở lên. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chiếu, bằng nhiều loại chất liệu hiện đại nhưng nhiều khách hàng gần xa vẫn thích nằm chiếu cót của người Tày. Nét đặc biệt của chiếu cót là hoa văn tạo hình tinh xảo, trang nhã, không màu mè, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, dễ giặt, dễ lau, không thấm mồ hôi, không ố mốc, chiếu càng nằm lâu càng bóng đẹp, sử dụng lâu dài...      

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1