Ngọt ngào làn điệu Hèo Phươn của dân tộc Nùng An
Lượt xem: 686

Văn hóa dân gian dân tộc Nùng phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Trong kho tàng ấy, dân ca giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Với nhóm người Nùng An sống tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa) thì Hèo Phươn chính là làn điệu dân ca quê hương, đậm đà bản sắc dân tộc và là vốn văn hóa riêng.

Ngân vang lời ca Hèo Phươn

Dân tộc Nùng An tại huyện Quảng Hòa sống tập trung chủ yếu ở các xã Phúc Sen, Tự Do, Hạnh Phúc. Với đức tính cần cù, chịu khó, ngoài kinh tế nông nghiệp truyền thống, người Nùng An ở Phúc Sen còn vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thông qua việc lưu giữ, duy trì các làng nghề thủ công. Cũng bởi vậy, đời sống của người dân dần ổn định, có thêm nhiều thời gian quan tâm tới việc phát triển văn hóa, lưu giữ những "hồn cốt" quê hương.

          Hèo Phươn nghĩa là gọi bạn cùng hát trong các cuộc vui, đám cưới, ngày chợ, ngày hội, chúc thọ, mừng nhà mới, cầu mùa và hát giao duyên trong các lễ hội. Làn điệu Hèo Phươn có từ lâu đời, ca từ gần gũi, giản dị, mang đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh khát vọng của người Nùng An qua tiếng hát. Phân loại theo nội dung, có thể chia làn điệu Hèo Phươn ra thành hai, gồm hát ngoài trời và hát trong nhà.

anh tin bai

Làn điệu Hèo Phươn được thể hiện trong nhà dùng để đón bạn

          Hát Hèo Phươn trong nhà thường gồm các khúc phươn sử dụng trong  nghi lễ cúng thần như khúc ca cầu hoa, mừng thọ, mừng nhà mới và cả những khúc ca khi đón bạn, đón khách đường xa ghé chơi nhà. Lời ca của những khúc phươn hát trong nhà chỉ là câu hát đơn giản, mang hướng đối đáp, thăm hỏi nhau, cùng ngồi tâm sự, chia sẻ cuộc sống đời thường. Tựa như câu hát đón bạn trong khúc phươn ngày xuân: Nhây sảm ngụt vả hổi/ Vả mòi đổi mòi ròng/ Ròng ba quả vả tào/ Hảo bo quả râu nòi (Dịch nghĩa: Tháng hai hoa đào nở/ Nở trăm ngàn bông hoa/ Hoa đào nở đẹp quá/ Không bằng tình bạn ta).   

          Hát Hèo Phươn ngoài trời có thể tùy vào hoàn cảnh để để ứng đáp, thường là những câu hát giao duyên giữa các đôi trai gái, hát vui mừng trong lễ hội, ca tụng vụ mùa, vẻ đẹp của mùa xuân...Nếu hai bên đối đáp chưa gặp nhau lần nào, sẽ hát những khúc ca như lời chào, làm quen nhau. Nếu hai bên đối đáp đã quen biết nhau từ trước, sẽ cùng nhau lựa chọn những ca khúc theo vần thơ cổ, để đối đáp thành bài có sẵn. Tựa như câu hát giao duyên trong khúc phươn dành cho đôi lứa: Lực bâu lầư phai rắn/ Tòng pâư lầư phai lò/ Phai lò lum tỉu mảy/ Dầu cháy lum pâư rảu (Dịch nghĩa: Con của ai xinh xinh/ Đi đứng qua giữa đường/ Đi đường như kim chỉ/ Ước gì người của mình).

          Đặc biệt, làn điệu Hèo Phươn là thể loại dân ca không đứng hát một mình mà thường theo đôi, theo từng cặp, mỗi cặp có 2 câu, mỗi câu có 10 chữ. Khi hát thì mỗi bên nam, nữ đều có 2 người, một người hát, một người bè theo sau. Một người hát giọng trầm, một người hát giọng thanh, hát theo lời đối trả lời về câu cuối cặp. Giọng cao luôn chủ động dẫn đường về tiết tấu, cao độ, trường độ, đúng nhịp, luyến láy; còn giọng thấp hòa theo nâng đỡ như trợ sức vươn cho giọng cao.

           Khi hát, người hát giọng cao cất tiếng hát trước, khi nín chữ thứ hai thì người hát giọng trầm hòa giọng, bắt vào chữ thứ ba của câu hát và cùng hòa theo nhau tạo thành hai bè trầm bổng. Ông Nông Văn Quân, xóm Phja Chang, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), chia sẻ: Những bài Hèo Phươn thường có giai điệu cố định, lời hát thường được đối đáp, ứng phó ngay tức thì nên người hát Hèo Phươn phải là người có vốn ca từ phong phú, chắc về thanh âm và nhịp điệu, nhất là kỹ thuật lấy hơi. Lời ca và giai điệu là nét quan trọng để tạo nên đặc trưng của Hèo Phươn, nếu chọn không đúng khúc ca và lời hát thì sẽ làm cho câu hát phươn mất đi giá trị văn hóa cũng như khiến người nghe cười chê.

Lưu giữ văn hóa của dân tộc

          Để giữ gìn và lưu truyền làn điệu Hèo Phươn, hiện nay, nhiều người Nùng An cao tuổi tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa) đã tập hợp lại, thành lập những nhóm nhỏ giảng dạy làn điệu Hèo Phươn miễn phí cho thế hệ trẻ. Bà Nông Thị Kim, xóm Phja Chang, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là một người tâm huyết truyền dạy dân ca Hèo Phươn cho thế hệ trẻ, bà chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được theo các bà, các mẹ tham gia các nghi lễ, lễ hội quan trọng của địa phương. Làn điệu dân ca Hèo Phươn cũng vì vậy mà ngấm sâu và nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Với một niềm đam mê và yêu thích làn điệu dân ca Hèo Phươn, bà Kim vẫn hằng ngày lưu trữ, thu thập những giai điệu hay, lời hát cổ mà bà và những người cao tuổi trong làng còn nhớ hoặc từ đài báo, tivi vào quyển sổ tay ghi chép. Đây là tư liệu giúp bà có những bài giảng hay, gần gũi, dễ hiểu truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.

anh tin bai

Làn điệu Hèo Phươn được thể hiện bên ngoài trong các dịp hát giao duyên

          Hiện nay, chính quyền xã Phúc Sen cũng triển khai, phát động nhiều phong trào ý nghĩa nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển làn điệu dân ca Hèo Phươn. Ông Nông Văn Đài, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen (Quảng Hòa) chia sẻ: Thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương Cách Mạng Cao Bằng, giai đoạn 2019-2025 của Hội LHPN tỉnh. Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã chủ động kết hợp với người dân thành lập các Câu Lạc Bộ dân ca tại các xóm. Đây không chỉ là sân chơi, nơi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ mà còn mang ý nghĩa bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa dân ca truyền thống của địa phương. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu dân ca, yêu quê hương, đất nước. Từ đó có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

           Không biết có từ bao giờ nhưng làn điệu Hèo Phươn luôn được người dân tộc Nùng An gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau bằng phương pháp gần gũi nhất. Để dù cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, lời ca vẫn vang vọng qua khắp bản làng, len lỏi trên những ruộng nương và dào dạt chảy trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Ngọt ngào cùng những thanh âm truyền thống văn hóa dân tộc ngân vang xa mãi.

P.V

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1