Triển vọng từ mô hình trồng cây hồ đào ở Hà Quảng
Lượt xem: 854

Hồ đào là loại cây trồng mới, lần đầu tiên được đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa, bước đầu cho “trái ngọt”, hứa hẹn nhiều triển vọng tạo nên sự chuyển biến mới về hiệu quả, giá trị trên đất hoang hóa, mở ra một hướng đi mới cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Hà Quảng.

 

Nhiều hộ dân huyện Hà Quảng trồng cây hồ đào trong vườn.

Cây hồ đào hay còn gọi là cây óc chó, hạnh đào, hoàng đào,… thuộc họ hồ đào. Là loại cây lâm sản ngoài gỗ, sống lâu năm, cho sản phẩm lâu dài, dùng để chế biến dầu có giá trị kinh tế cao, có thể trồng thành rừng để chống xói mòn, rửa trôi đất, thay thế được một số cây trồng có hiệu quả, năng suất, giá trị kinh tế thấp.

Cây hồ đào có thể cao tới 30 m, vỏ nhẵn và có màu tro, lá cây dài tới 40 cm, khi vò ra có mùi hăng đặc biệt. Hoa đơn tính, màu lục nhạt; quả hồ đào to, có hai thành phần chính, vỏ xanh bên ngoài và hạt bên trong gồm vỏ hạt và nhân.

Hạt hồ đào là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và là hàng hóa được giao dịch nhờ những giá trị dinh dưỡng và y tế. Hiện nay, tại các chợ, siêu thị, giá 1 kg quả hồ đào sấy khô từ 300.000 - 450.000 đồng/kg. Gỗ cây hồ đào rất quý và được sử dụng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Ngoài ra, sản phẩm của cây hồ đào còn được dùng trong các bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng chữa nhuận tràng, trị ỉa chảy, trị giun, dẫn lưu hệ da và bạch huyết…

Từ những giá trị cây hồ đào, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng quyết định tìm hiểu về các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của loại cây này. Từ đó thực hiện đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây hồ đào tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất tự nhiên, tăng thu nhập và góp phần phát triển kinh tế cho nông dân tại các xã vùng cao của huyện.

Cuối năm 2014, đề tài nghiên cứu trồng thử nghiệm cây hồ đào trên đất rẫy khô hạn được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện Hà Quảng triển khai tại 3 xã: Cải Viên, Thượng Thôn, Nội Thôn (3 tiểu vùng khí hậu khác nhau của vùng Lục Khu) với diện tích 2 ha. Theo đó, tiến hành trồng thử nghiệm 600 cây, mỗi xã được phân bổ trồng 200 cây với 14 hộ dân tham gia. Các hộ gia đình được hỗ trợ 100% về giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch hồ đào... Tháng 4/2016, Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây hồ đào tại huyện Hà Quảng”.

Nhờ sự vận động của chính quyền các địa phương, hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của người dân, sau 6 năm triển khai, kết quả bước đầu cho thấy cây hồ đào phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đất đai ở vùng cao Lục Khu. Tỷ lệ cây sống trung bình đạt khoảng 75%, chiều cao từ 5 - 6 m, đường kính gốc 20 - 30 cm.

Anh Vương Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Nội Thôn cho biết: Xã Nội Thôn được phân bổ trồng thử nghiệm 200 cây hồ đào trên diện tích 6.667 m2, có 4 hộ dân tham gia. Với điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng của vùng cao Lục Khu, cây hồ đào trên địa bàn xã sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%. Đây là năm đầu tiên cây bắt đầu bói quả.

 

Quả hồ đào hay còn gọi là quả óc chó.

Cây hồ đào được trồng vào tháng 1 - 3 và 7 - 9 hằng năm. Cây ra hoa vào khoảng đầu mùa Xuân, đến cuối tháng 8 quả bắt đầu nứt lớp vỏ xanh dày. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11. Nếu trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc và quản lý tốt, sau 7 - 10 năm có thể cho thu hoạch và cho sản lượng khoảng trên 10 kg hạt/cây, theo giá thị trường hiện nay mỗi cây sẽ cho doanh thu 1 triệu đồng, đem lại thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha (đối với những năm đầu).

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng nhận định: Việc triển khai trồng thử nghiệm cây hồ đào tại các xã vùng cao của huyện là một hướng đi mới, nhằm chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Đồng thời giảm bớt diện tích đất trống, tận dụng được những diện tích đất xấu khó canh tác, giảm tỷ lệ rửa trôi đất, chống xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo tiền đề cho phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây lấy quả ép dầu…

Ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan, người dân cần có ý thức bảo vệ, chăm sóc, quản lý để cây hồ đào không chỉ là cây trồng triển vọng mà được nhân rộng, phát huy hết tiềm năng, giá trị riêng có. Từ đó mở ra hướng phát triển cây trồng mới ở huyện Hà Quảng nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển cây trồng bền vững theo chuỗi giá trị.      

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1