Thông Nông phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Lượt xem: 115

Xác định nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, những năm qua, huyện Thông Nông đã tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương như: trồng thuốc lá, lạc, đỗ tương; chăn nuôi bò, lợn đen theo hướng sản xuất hàng hóa…

Xác định nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, những năm qua, huyện Thông Nông đã tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương như: trồng thuốc lá, lạc, đỗ tương; chăn nuôi bò, lợn đen theo hướng sản xuất hàng hóa…, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay.

 

nong%20dan%20xom%20soong%20lang

Nông dân xóm Soọc Lạng, xã Thanh Long (Thông Nông) chăm sóc cây lạc.

Thanh Long là một trong những xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Thanh Long Đỗ Thế Giáp cho biết: Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, các xóm tập trung tuyên truyền vận động bà con tập trung phát triển cây thuốc lá, lạc, đỗ tương và chăn nuôi bò, lợn đen. Xã được các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm; cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi hằng năm tăng, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Năm 2016, diện tích thuốc lá của xã đã tăng lên 50 ha, năng suất đạt 21,2 tạ/ha, sản lượng 105,8 tấn; 39 ha lạc, năng suất ước đạt 19 tạ/ha; 61 ha đỗ tương, năng suất ước đạt 10,5 tạ/ha. Hiện nay, toàn xã có 871 con bò, 2.251 con lợn. Phấn đấu đến năm 2020, toàn xã trồng trên 70 ha thuốc lá, 60 ha lạc giống, 180 ha ngô hàng hóa; 1.200 con bò, 2.500 con lợn.

Huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, trong đó thuốc lá là cây trồng lợi thế của địa phương tập trung ở vùng lòng máng các xã: Lương Can, Đa Thông, Lương Thông, Cần Yên, Thanh Long, Bình Lãng. Để vùng thuốc lá nguyên liệu phát triển ổn định, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng công nghiệp Trung Kiên cho nông dân vay không tính lãi 4 triệu đồng/hộ để xây lò sấy; cho vay phân bón chậm trả; ký hợp đồng sản xuất thuốc lá với các hộ nông dân ngay từ đầu vụ và cam kết bao tiêu sản phẩm. Từ năm 2009 đến nay, Công ty đã cho bà con vay trên 3 tỷ đồng để xây lò sấy; cấp không giống thuốc lá 8 - 10 kg/năm; cho vay phân bón chậm trả trị giá 1,2 tỷ đồng/năm. Công ty phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình thuốc lá chất lượng cao, cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sấy, bảo quản thuốc lá. Chỉ đạo khuyến nông viên, các đoàn thể từ huyện đến thôn, xóm tuyên truyền vận động nông dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, diện tích, năng suất, chất lượng thuốc lá hằng năm đều tăng. Năm 2011, toàn huyện trồng 342 ha, năng suất đạt 17,5 tạ/ha, sản lượng 600 tấn; năm 2016 tăng lên 501 ha, năng suất đạt 21 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 1.053 tấn; giá trị trên đơn vị diện tích đạt trên 70 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân của các hộ trồng thuốc từ 20 - 40 triệu đồng/vụ, nhiều hộ thu trên 60 triệu đồng/vụ, tiêu biểu như các hộ: Lý Hoàng Huyên, Nông Văn Tân, Nông Văn Thực, xóm Bản Chang, xã Đa Thông; Riêu Văn Cung, Riêu Văn Thanh, xóm Bản Tâử, xã Thanh Long...

Ngoài cây thuốc lá, lạc cũng là cây phù hợp với khí hậu, đất đại tại vùng cao các xã: Yên Sơn, Cần Nông, Cần Yên, Bình Lãng, Đa Thông, Lương Thông. Năm 2006, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Cao Bằng ký kết bao tiêu sản phẩm giống lạc L14 cho bà con. Diện tích giống lạc L14 được duy trì từ 60 - 70 ha/năm, năng suất đạt 16 tạ/ha. Năm 2014, huyện phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Hòa An hỗ trợ bà con chuyển đổi giống lạc L23 với diện tích 50 ha tại các xã: Bình Lãng, Vị Quang, Thanh Long, năng suất đạt 18 tạ/ha. Năm 2015, toàn huyện nhân rộng lên 354 ha, sản lượng đạt 627,8 tấn. Sản phẩm lạc được Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Hòa An bao tiêu nên bà con tiếp tục duy trì diện tích. Thu nhập bình quân các hộ trồng lạc từ 10 - 15 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập 30 triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hộ: Lý Phụ Quẩy, Lý Dào Thông, xóm Rằng Thượng; Nông Văn Nam, xóm Mường Mằn, xã Thanh Long... Cây đỗ tương tập trung trồng tại các xã vùng cao của huyện, hằng năm bà con đều mở rộng và duy trì diện tích 700 - 781 ha, năng suất đạt 10,9 tạ/ha, sản lượng đạt 700 - 862 tấn.

Cùng với phát triển các cây trồng hàng hóa, Thông Nông còn tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, lợn đen theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình phát triển đàn bò và vốn Chương trình 30a của Chính phủ, nguồn Chữ thập đỏ..., huyện đã hỗ trợ 1.392 con bò cái sinh sản cho nông dân thuộc 11 xã, thị trấn, trị giá hơn 19,307 tỷ đồng. Hỗ trợ trồng 45 ha cỏ, 600 kg túi nilon, 26 máy thái thức ăn cho gia súc... Đồng thời, tuyên truyền bà con di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, đói rét cho trâu, bò. Do đó, hằng năm số lượng đàn bò của huyện đều tăng, đến nay toàn huyện có 9.091 con bò, nhiều hộ nuôi trên 10 con bò. Ngoài ra, Thông Nông còn có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi lợn đen theo hướng hàng hóa tại các xã: Thanh Long, Yên Sơn, Bình Lãng, Ngọc Động, Cần Nông, Cần Yên, Lương Thông và một số xóm vùng cao của xã Đa Thông. Bình quân các hộ nuôi từ 10 con/lứa, thu nhập từ chăn nuôi lợn đen khoảng 60 triệu đồng/năm.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Thông Nông tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Gắn sản xuất hàng hóa với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng và giữ gìn thương hiệu, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện trồng trên 500 ha thuốc lá, sản lượng đạt 1.275 tấn; trên 200 ha lạc giống, sản lượng trên 400 tấn; 800 ha đỗ tương, sản lượng đạt trên 1.000 tấn. Phát triển chăn nuôi đạt mức tăng trưởng bình quân 3 - 5%; thành lập 1 - 2 trang trại chăn nuôi/xã, thị trấn, đặc biệt chú trọng hình thành trang trại chăn nuôi bò và lợn đen Táp Ná.                    

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1