OCOP Cao Bằng - đi vào thực chất, chậm mà chắc
Lượt xem: 3116

Kỳ 1: Tiềm năng và thách thức những ngày đầu “khởi động OCOP”.

Chương trình OCOP được xem là “cú hích” phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong quá trình “khởi  động” triển khai chương trình tỉnh đã gặp nhiều khó khăn, thách thức.

 

Sản phẩm dao rèn và nông cụ cầm tay của làng rèn xã Phúc Sen (Quảng Hòa) thu hút đông đảo người dân tìm mua tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Sau khi Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ  được phê duyệt “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), tỉnh ta chủ động triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các bộ, ngành liên quan. Xác định không thực hiện ồ ạt, làm theo phong trào mà đi vào thực chất, cách làm hiệu quả chậm mà chắc - đó là chủ trương, đích hướng tới khi tỉnh thực hiện Chương trình OCOP.

Theo Trưởng Phòng Quản lý Chương trình OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đặng Văn Cường, qua các cuộc làm việc và khảo sát với tỉnh Cao Bằng, chúng tôi nhận thấy Cao Bằng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển Chương trình OCOP. như: hạt dẻ Trùng Khánh; lạc đỏ, hồng ngâm, thạch đen, lê vàng (Thạch An); chè Đoỏng Pán, khoai lang tím (Quảng Hòa); miến dong Nguyên Bình; gạo nếp Ong, quýt (Trùng Khánh); nếp Pì Pất (Hòa An); nếp Hương, lê vàng (Bảo Lạc); nếp cẩm (Bảo Lâm); lợn đen Tắp Ná (Hà Quảng), tinh dầu hồi, xả…

Qua thống kê bước đầu, Cao Bằng có gần 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm: nhóm thực phẩm trên 135 sản phẩm; nhóm đồ uống 11 sản phẩm; nhóm thảo dược 19 sản phẩm; nhóm vải và may mặc 3 chuỗi sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí 6 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn 10 sản phẩm...

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế vốn có, Cao Bằng còn nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai Chương trình OCOP do địa hình chủ yếu là đồi núi chia cắt, dân số ít, phân bố rải rác nên chi phí đầu tư hạ tầng lớn; nguồn nhân lực hạn chế về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiêu dùng thấp; năng lực cạnh tranh của địa phương, doanh nghiệp còn yếu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa mạnh.

Hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển yếu dẫn đến tình trạng các sản phẩm truyền thống mới ở dạng thô sơ, chưa hoàn thiện (chưa có bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng,…) chưa chế biến sâu, chưa đa dạng hóa như: các loại dược liệu tươi/khô, rau, củ, quả các loại, bánh chưng, bánh khảo, mật ong… Kiến thức, kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế dẫn đến việc người dân sản xuất và bán các sản phẩm không theo nhu cầu của thị trường; thiết kế bao bì, nhãn mác không theo thị hiếu của người tiêu dùng.

Năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp còn yếu; sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ; chưa khai thác hiệu quả các phương tiện quảng bá sản phẩm như website, mạng xã hội, các trang bán hàng online… Thiếu các nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong và sau quá trình triển khai Chương trình OCOP về con người, các dịch vụ thiết kế, in ấn, bao bì, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu...

Mặt khác, dù đã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nhưng khi chính thức bắt tay vào thực hiện Chương trình OCOP tại tỉnh do đây là mô hình mới nên vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm và tìm giải pháp tốt nhất để triển khai hiệu quả. Trong đó, khó nhất là nhận thức của một số bộ phận cán bộ và người dân về OCOP những ngày đầu còn nhiều hạn chế nên con đường đến đích OCOP của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

 

Các sản phẩm dầu xả Java của Công ty TNHH Trường Thọ Cao Bằng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Ông Nông Văn Mạnh, Bí thư kiêm Trưởng xóm Phja Chang, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) chia sẻ: Là vùng đất có  nghề rèn truyền thống lâu đời, có tiềm năng lớn tham gia Chương trình OCOP nhưng những ngày đầu chưa hiểu về OCOP nên khi lồng ghép tuyên truyền cho bà con tại những buổi họp xóm, không ai quan tâm.

Đến khi được tham gia các chương trình tập huấn và tìm hiểu thêm qua sách, báo, ti vi…, bản thân tôi và bà con mới hiểu ý nghĩa của chương trình là đưa sản phẩm lợi thế của địa phương đạt những yêu cầu các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác rõ ràng, an toàn cho người sử dụng và được tin dùng. Từ đó, có thể mở rộng thị trường tiêu thụ tại các siêu thị trên hệ thống cả nước, nâng tầm sản phẩm, đem lại giá trị thương hiệu và kinh tế cho người tham gia Chương trình OCOP.

Theo quy định, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP phải đáp ứng 3 nhóm tiêu chí: sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng); khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm); chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế).

Quá trình phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP của tỉnh căn cứ vào kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí và tổng điểm đánh giá tối đa cho mỗi sản phẩm là 100 điểm và được phân thành 5 hạng từ 1 sao đến 5 sao. Trong đó, sản phẩm phân hạng 4, 5 sao đạt cấp quốc gia, quốc tế. Qua sự chặt chẽ trong quá trình đánh giá đã làm nên uy tín và thương hiệu của mỗi sản phẩm OCOP, điều đó lý giải vì sao các sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đều mong muốn tham gia OCOP để sản phẩm được đánh giá, phân hạng gắn sao.

Đây cũng là căn cứ để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm của địa phương, thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm có điều kiện ưu tiên được hỗ trợ bằng các chính sách: quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại…, đặc biệt là mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Có thể nói, có rất nhiều tiềm năng, cơ hội, thách thức và khó khăn đặt ra trong những ngày đầu “khởi động” Chương trình OCOP tại tỉnh. Để đạt mục tiêu trong thực hiện Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 là phải đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; đồng thời thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1