Nghiên cứu, xác định các sản phẩm chủ lực góp phần phát triển KT - XH
Lượt xem: 144

Xác định đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào sản xuất. Qua đó, đóng góp quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Xác định đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào sản xuất. Qua đó, đóng góp quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cây thuốc lá là cây trồng chủ lực trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”; ngày 14/5/2014, UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của tỉnh Cao Bằng đến năm 2020”. Trước năm 2015, cả tỉnh chưa có đề tài, công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào về xác định danh mục các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm thuộc tiềm năng thế mạnh của tỉnh và đề ra các giải pháp nhằm phát triển phù hợp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng thế mạnh của địa phương. Việc quan tâm đầu tư phát triển về một sản phẩm nào đó, chỉ dừng lại ở quy hoạch, kế hoạch của một ngành, một địa phương của tỉnh, nên các sản phẩm đó chưa thực sự đem lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa và chi phối phát triển KT - XH ở địa phương.

Với Đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” được triển khai từ năm 2015 do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện nhằm nghiên cứu xác định danh mục một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc hữu, sản phẩm có tiềm năng thế mạnh có thể phát triển trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Trên cơ sở điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng các sản phẩm thuộc tiềm năng thế mạnh của địa phương về các lĩnh vực: Nông  nghiệp, lâm nghiệp, công  nghiệp, dịch vụ... trên địa bàn tỉnh từ năm 2005 trở lại đây, các nhà khoa học đã lựa chọn và xác định được một số sản phẩm có tiềm năng thế mạnh, với những đặc điểm và điều kiện riêng nếu được quan tâm đầu tư và có chiến lược phát triển đúng, có thể phát triển thành sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT - XH địa phương từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Kết quả nghiên cứu cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, các loại sản phẩm chủ lực, gồm: Cây thuốc lá, đậu tương, mía, trúc sào...; cây ăn quả: lê, cam, quýt, hạt dẻ, rau trái vụ…; thủy sản: nuôi cá nước lạnh và cá nước mát; vật nuôi: bò, lợn. Trong lĩnh vực công nghiệp: Khai thác và chế biến các loại khoáng sản: sắt, mangan, chì, kẽm; lĩnh vực dịch vụ: Hệ thống dịch vụ du lịch thành phố Cao Bằng và phụ cận, tham quan, nghiên cứu Khu du lịch thác Bản Giốc, Khu du lịch Pác Bó, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, hồ Thang Hen, du lịch biên giới. Lĩnh vực dịch vụ thương mại, gồm: dịch vụ thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu: Tà Lùng, Hùng Quốc, Sóc Giang, các cặp chợ đường biên; hình thành các trung tâm thương mại và tổ hợp tạo sức lan tỏa và liên kết theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Đề tài đề xuất các nhóm giải pháp có tính đồng bộ và khả thi, như: Giải pháp về quy hoạch, giải pháp về liên kết, giải pháp về đầu tư, giải pháp về phát triển công nghệ, giải pháp về thị trường và giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể. Bên cạnh đó, Đề tài cũng đề xuất kiến nghị đối với các cấp, các ngành có liên quan trong việc hỗ trợ về nhiều mặt để sản phẩm chủ lực có đủ điều kiện phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng dẫn đến cạnh tranh ngày càng mang tính toàn cầu. Đây là tiền đề, là căn cứ quan trọng để các ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH phù hợp, hiệu quả.

Với đặc trưng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam, có nhiều tài nguyên khoáng sản, có lợi thế về cửa khẩu với nước bạn Trung Quốc, khí hậu ôn hòa với bốn mùa phân biệt, là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển KT - XH, tuy nhiên, tốc độ phát triển KT - XH của tỉnh hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả của việc nghiên cứu xác định danh mục các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm thuộc tiềm năng thế mạnh của tỉnh là căn cứ quan trọng để các ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp trong mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT - XH ở địa phương. Kết quả nghiên cứu sẽ là định hướng quan trọng để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực, các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm thuộc tiềm năng thế mạnh của tỉnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo và phát triển KT - XH của tỉnh theo hướng ổn định, bền vững. Đồng thời, tránh được tình trạng phát triển dàn trải, lãng phí tiền của và công sức.

Việc tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực đã được điều tra, nghiên cứu và xác định sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng hàm lượng chất xám, sử dụng ít năng lượng, nguyên liệu và giá trị gia tăng cao, từng bước hình thành được các ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, góp phần bảo tồn, duy trì và phát triển những nguồn gen, những giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm, hay khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của địa phương… Đây là nguồn đóng góp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh từ nay đến năm 2020, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1