Kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan trên diện rộng
Lượt xem: 3305

Trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đang có chiều hướng lây lan và diễn biến phức tạp tại 10/10 huyện, Thành phố. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, Thành phố, các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin VDNC, kiểm soát tốt tình hình, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn sử dụng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cho thú y viên xã Triệu Nguyên (Nguyên Bình).

Bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại xã Lý Quốc (Hạ Lang) vào tháng 10/2020, sau đó nhanh chóng lây lan ra 37 xã thuộc 6 huyện, đã có 624 con trâu, bò của 330 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh, trong đó có 84 con bị chết và tiêu hủy. Từ cuối tháng 4 đến nay, dịch bệnh lại tiếp tục phát sinh và có chiều hướng lây lan rộng tại 10/10 huyện, Thành phố với 1.331 con trâu, bò của 795 hộ tại 262 xóm thuộc 92 xã, thị trấn mắc bệnh. Số trâu, bò mắc bệnh tăng cao nhất tại các huyện: Bảo Lâm (653 con), Hòa An (247 con), Bảo Lạc (139 con), Nguyên Bình (189 con), trong đó có 61 con bò bị chết.

Gia đình ông Bàn Văn Tu, xóm Khuổi Tông, xã Triệu Nguyên (Nguyên Bình) có 1 con bò mắc bệnh VDNC. Ông Tu cho biết: Lúc đầu thấy bò có biểu hiện bỏ ăn, tiết nước bọt nhiều, tôi nghĩ do thời tiết nắng nóng, nhưng qua nhiều ngày theo dõi tôi thấy tình trạng ngày càng nặng, xung quanh cổ nổi hạch, xuất hiện các nốt sần ở cổ, chân, bầu vú. Tôi đã nhốt tách đàn bò riêng chuồng với các con còn lại, rắc vôi bột tại khu vực chăn nuôi, báo thú y viên phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và đăng ký tiêm vắc xin VDNC cho đàn bò. Bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc để bò tăng sức đề kháng. Đến nay, con bò mắc bệnh VDNC của gia đình đang dần hồi phục, những con khác được kiểm soát tốt.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 110.000 con bò, 102.000 con trâu. Trước tình hình dịch bệnh VDNC đang có chiều hướng xấu, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh lây lan; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí mua 40.000 liều vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, đến thời điểm này có khoảng 10.000 con trâu, bò được tiêm vắc xin.

Qua thống kê nhu cầu đăng ký của các huyện, Thành phố, tỉnh dự kiến mua thêm 42.000 liều vắc xin, phấn đấu tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn trâu, bò. Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, Thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Yêu cầu đối với các địa bàn đang có dịch bệnh VDNC thực hiện công bố dịch đúng theo quy định; bố trí các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan kéo dài. Thực hiện việc tiêm phòng vắc xin VDNC cho bò, trâu trong vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao đối với huyện đã được cấp vắc xin.

Cán bộ thú y xã Triệu Nguyên (Nguyên Bình) tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hoàng Minh Đạt, nguyên nhân dịch bệnh gia tăng do các địa phương chưa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch, chưa bố trí kịp thời nguồn kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng. Hơn nữa, chăn nuôi trâu, bò chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, hộ gia đình, chăn thả rông nên việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi còn hạn chế. Lực lượng thú y viên cấp xã còn thiếu, chuyên môn hạn chế; chưa có hệ thống thú y thôn bản, do vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm phòng, giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh theo quy định.

Công tác tổ chức phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, chỉ đạo mang tính hình thức, thiếu sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Việc giám sát, báo cáo dịch bệnh còn chậm dẫn đến dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Công tác tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch chậm, đạt tỷ lệ thấp. Khâu phòng bệnh còn chủ quan, lơ là; công tác kiểm soát, vận chuyển gia súc và các sản phẩm từ gia súc trên địa bàn tỉnh ở một số nơi còn buông lỏng; một số hộ dân khi có trâu, bò mắc bệnh chưa thực hiện việc khai báo theo quy định mà tự ý chữa bệnh cho trâu, bò… Hiện nay, để phòng bệnh cho trâu, bò, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm phòng vắc xin VDNC.

Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tập trung nguồn nhân lực tăng cường đến các địa bàn cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn về tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò. Trong đó, tập trung vào các địa bàn phức tạp có số gia súc mắc dịch bệnh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức phòng bệnh còn hạn chế; thực hiện tốt khâu phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi; khuyến cáo người dân cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng các bệnh, nhất là những bệnh thường xảy ra trong mùa nắng nóng để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mắc dịch kép ở đàn trâu, bò.                      

Bệnh VDNC còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút gây bệnh trên trâu, bò. Đườnglây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve, mòng, qua tiếp xúc trực tiếp với trâu, bò mắc bệnh, dùng chung máng ăn, uống, dụng cụ mang mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 - 14 ngày, khi trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu như: sốt cao có thể trên 410C; bỏ ăn; viêm mũi, viêm kết mạc, tiết nhiều nước bọt; nổi hạch, xuất hiện các nốt sần ở đầu, cổ, chân, bầu vú… Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, xơ hóa để lại vết trong vài tháng hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoạt tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng, đường tiêu hóa, khí quản, phổi. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò mang thai có thể sảy thai.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1