Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển rừng và chế biến lâm sản
Lượt xem: 2541

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 30/12/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng và chế biến lâm sản giai đoạn 2010-2020, ngành lâm nghiệp tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai.

Giai đoạn 2010-2020, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết là 478.145,4 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 290.217,4 triệu đồng, ngân sách địa phương 22.416 triệu đồng; vốn huy động khác 165.512 triệu đồng (126.159 triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng, 39.353 triệu đồng do các tổ chức, cá nhân tự đầu tư). Từ nguồn vốn, tỉnh triển khai 13 dự án bảo vệ phát triển rừng tại các huyện, Thành phố; 05 dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất; 01 dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tại các xã có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn (khu vực II, III).

Diện tích rừng tại xã Trương Lương (Hòa An)

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt. Tổng diện tích trồng rừng tập trung đạt 15.693,04 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,1%, năm 2015 đạt 53,5%, đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,29%, bằng 92,15% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng diện tích rừng năm 2020 đạt 370.478,57 ha, bằng 91,87% so với mục tiêu Nghị quyết, trong đó diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 206.663,08 ha, bằng 89,56% so với mục tiêu Nghị quyết; diện tích rừng sản xuất đạt 167.433,29 ha, bằng 97,05% so với mục tiêu Nghị quyết. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá cố định năm 2010 là 142,099 tỷ đồng, năm 2015 đạt 338,389 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 384,9 tỷ đồng, bằng 75,9% so với mục tiêu Nghị quyết. Chuyển đổi 321,813 ha diện tích rừng sang mục đích khác; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; quản lý rừng bền vững bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, giáo dục môi trường trong khu rừng đặc dụng, kết hợp giữa bảo tồn với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí và cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Việc quản lý, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ được thực hiện đúng theo quy định. Rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới được duy trì và hình thành cấu trúc rừng đảm bảo chức năng phòng hộ; quy hoạch vùng trồng rừng tập trung, trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày tại các huyện Hòa An, Thạch An; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; hỗ trợ đầu tư trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất, hỗ trợ trồng các loài cây gỗ lớn... Thực hiện bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2010-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ( Khu vực II và III) góp phần ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, khai thác rừng trái phép và các hành vi xâm hại đến rừng và tài nguyên rừng.

Công tác phát triển các mô hình kinh tế trang trại được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Toàn tỉnh thành lập được 160 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu”; hỗ trợ thành lập 15 hợp tác xã có liên quan đến trồng rừng, chăm sóc rừng và gieo ươm giống cây lâm nghiệp; hỗ trợ 02 mô hình trồng cây lâm nghiệp với tổng kinh phí 480 triệu đồng. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất rừng trồng; tăng cường lực quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

 

Rừng hồi đã cho khai thác của nhân dân xã Thị Ngân (Thạch An).

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện còn một số hạn chế như: Công tác phối hợp chỉ đạo của một số đơn vị liên quan chưa kịp thời; việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong quá trình thực hiện có lúc, có nơi chưa sâu sát; diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp ngày càng thu hẹp, manh mún, khó thực hiện trồng rừng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng nhiều nơi chưa hiệu quả, chưa thường xuyên; nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, chưa có đủ nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, đồng thời đảm bảo phù hợp với tổng thể quy hoạch chung của tỉnh; xây dựng phương án quản lý bền vững; khai thác sử dụng gắn với bảo tồn thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế rừng và giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân. Thực hiện hoàn thành các mục tiêu dự án, Đề án, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt các quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như vai trò, giá trị quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, giảm thiểu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích, đồng quản lý trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận giữa chủ rừng và các đối tượng tham gia quản lý; kêu gọi thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.      

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1