Chắp cánh cho trúc sào vươn xa
Lượt xem: 3246

Cây trúc sào được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh góp phần giảm nghèo. Tuy nhiên, người trồng trúc những năm qua vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề trúc sào kém chất lượng từ nhiều địa phương khác mạo danh trúc sào Cao Bằng tiêu thụ trên thị trường. Để bảo vệ danh tiếng, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, tháng 8/2016, tỉnh đã triển khai Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý  “Cao Bằng” cho sản phẩm cây trúc sào.

Cây trúc sào được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh góp phần giảm nghèo. Tuy nhiên, người trồng trúc những năm qua vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề trúc sào kém chất lượng từ nhiều địa phương khác mạo danh trúc sào Cao Bằng tiêu thụ trên thị trường. Để bảo vệ danh tiếng, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, tháng 8/2016, tỉnh đã triển khai Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý  “Cao Bằng” cho sản phẩm cây trúc sào.

   Cây trúc sào Cao Bằng có những ưu điểm vượt trội để làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm được ưa chuộng

Từ năm 2002, cây trúc sào đã được triển khai trên diện rộng tại 5 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Thông Nông, Hòa An. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.730 ha trúc, trong đó, hơn 2.903 ha đã cho khai thác. Cây trúc sào Cao Bằng có những ưu điểm vượt trội, như: thân thẳng, to, tròn đều, mắt ít nối, dễ uốn, khi chế biến thân có màu vàng ngà, sáng bóng... Các sản phẩm: bàn ghế, chiếu, đồ gia dụng..., do Công ty TNHH một thành viên 688 và Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng sản xuất đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và trở thành mặt hàng xuất khẩu, khẳng định được thương hiệu, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Từ trồng trúc, nhiều hộ thu nhập bình quân 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, việc phát triển cây trúc sào đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Người trồng trúc hiện trồng và chăm sóc trúc chưa theo quy trình kỹ thuật chuẩn, chất lượng sản phẩm giữa các vùng chưa đồng đều dẫn đến chất lượng các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ chưa đồng nhất khiến tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao, nhất là thị trường xuất khẩu; nhu cầu dùng trúc sào làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm rất lớn nhưng diện tích hiện nay không đủ cung cấp, vì vậy, nhiều nơi đã lạm dụng khai thác cả cây non nên không đảm bảo cho rừng tái sinh và chất lượng cây trúc sào làm nguyên liệu; diện tích trồng còn manh mún, chưa tập trung thành vùng nguyên liệu, khó khăn trong việc thu mua, vận chuyển đến xưởng chế biến; mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường... 

Để bảo tồn nguồn gen, giữ vững và phát triển mạnh thương hiệu trúc sào Cao Bằng trên thị trường trong và ngoài nước nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, tỉnh đã triển khai Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm cây trúc sào của tỉnh Cao Bằng. Dự án được triển khai từ tháng 8/2016 - 8/2018 với kinh phí 650 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh. Đồng chí Phạm Thị Huyên, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Cây trúc sào là sản phẩm thứ hai được Nhà nước bảo hộ sau thành công chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ huyện Trùng Khánh. Dự án có các nội dung chính: Điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu đánh giá vùng xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm trúc; nghiên cứu xác định đặc thù về tính chất, chất lượng của trúc sào Cao Bằng; nghiên cứu xác định các yếu tố về điều kiện tự nhiên và con người có ảnh hưởng quyết định đến đặc thù của trúc sào Cao Bằng. Sau khi tiến hành các nội dung trên, sẽ xác định vùng chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm trúc của tỉnh; xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm cây trúc sào; xây dựng hệ thống nhận diện, công cụ quảng bá, phát triển và xúc tiến thương mại. Mục tiêu chung của xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho  sản phẩm trúc sào của tỉnh nhằm bảo vệ danh tiếng, nâng cao chất lượng, quảng bá và thương mại sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm và hiệu quả sản xuất trúc sào của người dân tại địa phương. 

Việc triển khai Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm cây trúc sào đã triển khai các hoạt động: Thu thập thông tin để xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý; tổ chức hội nghị triển khai thực hiện dự án; tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về sản phẩm đăng ký bảo hộ, lô gô chỉ dẫn địa lý, bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý, quy chế quản lý Dự án... 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Nông Quốc Hùng cho biết: Nguyên Bình có 19/20 xã, thị trấn trồng trúc, tổng diện tích trên 1.822 ha, đang cho khai thác gần 1.439 ha. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cây trúc sào có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng tầm giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường qua việc chuẩn hóa các tiêu chí chất lượng, yêu cầu kỹ thuật trong hoạt động trồng, thu gom, bảo quản đối với sản phẩm; quy chế kiểm soát chất lượng được xây dựng sẽ là công cụ quan trọng giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ trúc, giúp cho tỉnh có chính sách phù hợp trong quy hoạch cũng như hỗ trợ cho sản phẩm sau khi được Nhà nước bảo hộ.

Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm cây trúc sào sẽ nâng cao khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, từ đó mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1