Vạt áo chàm của phụ nữ Tày và câu chuyện tình yêu chung thủy
Lượt xem: 52

Chiếc áo chàm của người phụ nữ Tày gắn với một câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng và cuộc đấu tranh chống cường quyền phong kiến.

Chiếc áo chàm của người phụ nữ Tày gắn với một câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng và cuộc đấu tranh chống cường quyền phong kiến.

Từ thực tế tấm áo có hai vạt đằng trước, một vạt ngắn phía bên trong để che kín phần thân thể từ thắt lưng trở lên của người phụ nữ, một vạt dài quá gối phủ lên đôi chân của họ, dân gian đã gắn cho nó tính biểu tượng của sự thủy chung và thái độ kiên quyết đấu tranh bảo vệ hạnh phúc gia đình. Ý nghĩa biểu tượng đó có được từ đoạn kết của truyện thơ Tày “Tam Mậu Ngọ” - một câu chuyện cảm động về thân phận người mồ côi và tình yêu son sắt thủy chung của nhân vật.

Chuyện kể rằng: Một cặp vợ chồng trẻ đang sống êm đềm, hạnh phúc. Một đêm nọ, người vợ nằm mơ thấy mình nuốt mặt trời vào bụng. Sau đó nàng thụ thai. Đủ chín tháng mười ngày, vào một ngày trời quang mây tạnh, nàng khai hoa trong sự kiện kỳ lạ của vũ trụ: Tiếng sấm bỗng vang rền và người ta thấy bóng rồng hiện trong không trung. Vợ chồng nàng đặt tên con là Mậu Ngọ.

phu%20nu%20tay%20trong%20trang%20phuc

Phụ nữ Tày trong trang phục truyền thống.

Mậu Ngọ sinh ra, trở thành niềm hạnh phúc lớn lao của bố mẹ. Nhưng khi cậu bé lên ba tuổi, bỗng nhiên cả cha và mẹ lăn ra ốm rồi chết cùng một ngày. Mậu Ngọ lớn lên trong tình yêu thương của ông, bà ngoại. Càng lớn, Mậu Ngọ càng tỏ ra thông minh, nhanh nhẹn. Lên sáu tuổi, bỗng nhiên hoả tinh trong người cậu phát thành lửa, thiêu cháy nhà cửa của cậu mợ và hàng xóm. Hai năm liên tiếp cháy nhà, cháy hết cả lương thực, người cậu đuổi Mậu Ngọ ra khỏi nhà. Cứ liên tiếp như vậy, Mậu Ngọ đi đến đâu, đám cháy xảy ra nơi đó. Khi vừa mười lăm tuổi, Mậu Ngọ bị bắt giải lên kinh đô.

Với tội danh phóng hoả gây hại cho người khác, Mậu Ngọ bị nhà vua khép tội chết. Song một vị quan trong triều đã nhắc nhở nhà vua về khung hình phạt đối với lứa tuổi vị thành niên. Nhà vua cho tống giam Mậu Ngọ chờ đủ mười tám tuổi sẽ thụ án.

Trong khi Mậu Ngọ bị giam trong ngục chờ ngày thụ án, thì ở tỉnh Tây Sơn có vợ chồng một phú ông lao đao với cô con gái độc nhất vừa tròn tuổi mười lăm của họ. Bỗng nhiên cô lăn ra ốm sau giấc mơ lạ thấy mình du chơi cõi mây. Cô héo hon dần. Phú ông lo sợ vội tìm đến thầy tướng số. Thầy gieo quẻ nói rằng, Bích Nga mệnh yểu, do ngày giờ sinh, tháng năm sinh khắc kỵ nhau. Đến năm mười sáu tuổi nàng sẽ quy tiên. Phú ông hoảng hốt van xin thầy tìm cách cứu giúp. Thầy vận dụng mọi tri thức của mình để giúp phú ông. Và ông cũng tìm được giải pháp: Bích Nga sẽ tránh được đoản thọ nếu kết hôn với người mang tên Tam Mậu Ngọ, mệnh nàng sẽ được phù, biến thành lương mệnh, sống được đến bảy mươi xuân. Phú ông mừng rỡ khăn gói lên đường tìm rể quý cứu con.

Ông đi khắp nơi, dò tìm mọi chỗ, nhưng không có ai mang cái tên lạ lùng đó. Ông níu hy vọng vào chốn kinh thành đông đúc. Quả nhiên, ông biết được tin có người mang tên Tam Mậu Ngọ đang chờ thụ án trong nhà ngục. Phú ông đánh liều gặp vua, trình bày nguyện vọng, hoàn cảnh của mình và xin được chuộc Mậu Ngọ khỏi nhà ngục. Nể lời ông lão và nể lời của bá quan văn võ, vua tha cho Mậu Ngọ tội chết và cho về cùng ông lão sau khi ông lão bỏ ra khoản vàng, bạc chuộc thân chàng bằng đúng số cân nặng của chàng trai. 

Đến ở rể nhà phú ông, Mậu Ngọ được gia đình vợ yêu chiều. Gia đình cho mời thầy về nhà dạy học cho chàng. Chàng học rất nhanh, tỏ rõ là người sáng dạ. Gặp năm triều đình mở khoa thi, Mậu Ngọ lên kinh đô ứng thí. Chàng giật bảng vàng, đỗ Trạng nguyên. Sau khi đỗ trạng, Mậu Ngọ chưa được hồi hương thì công chúa đem lòng yêu quý Trạng. Nàng chủ động đặt vấn đề tình cảm song Trạng từ chối với lí do đã có vợ ở nhà. Công chúa nhờ vua cha tìm cách ép Trạng lấy mình. Vua vì thương con đã dùng uy quyền buộc Trạng kết hôn với công chúa, bỏ qua mọi lời trình bày và nguyện vọng của Trạng.

Trạng buộc phải làm phò mã, song chàng rất nhớ vợ và không chung đụng với công chúa. Chàng ở riêng trong phủ của mình. Công chúa bức bối trong lòng. Nàng bèn dùng cách viết giả thư Trạng từ hôn với Bích Nga hòng ly gián vợ chồng Bích Nga. Mặt khác, xúi giục vua giữ Trạng ở lại trong triều không cho hồi quê.

Bích Nga nhận thư, bàng hoàng đau đớn. Nàng quyết đến kinh đô tìm chồng để tìm hiểu sự thật. Trên đường đi, nàng gặp muôn vàn khó khăn. Một đêm nọ, nàng nghỉ trọ tại nhà một bà lão trong rừng. Bà lão có hai con trai nhưng đều là quỷ. Hai con quỷ thấy nàng xinh đẹp đã không ăn thịt nàng mà tranh nhau lấy nàng làm vợ. Không ai chịu nhường ai, chúng đánh giết lẫn nhau, cả hai cùng chết. Bích Nga đưa hết số vàng bạc mang theo cho bà để bà dưỡng lão. Đáp lại thịnh tình của nàng, bà lão tặng nàng một cây đàn. Bích Nga từ giã bà cụ, tìm đường lên kinh thành. Dọc đường đi, nhờ cây đàn, nàng kiếm được cơm ăn. Đến kinh đô, Bích Nga ngồi giữa chợ, gẩy đàn. Người người xúm lại, mê mẩn quên lối về. 

Một sáng kia, Thị Đàn, một thị nữ nấu ăn cho quan Trạng trong cung đi chợ.  Thấy người xúm đen xúm đỏ, Thị Đàn chen vào và lập tức bị hút hồn bởi âm thanh dìu dặt từ cây đàn trên tay cô gái lạ. Mải mê nghe và xem, đến khi nhớ ra thì chợ đã tàn, không còn thịt cá bán nữa. Trở về cung, Thị Đàn bị công chúa trách mắng. Thị nữ bèn trình bày nguyên do. Công chúa muốn biết thực hư. Hôm sau nàng ta cùng thị nữ xuống chợ. Quả nhiên, sự việc đúng như Thị Đàn nói. Công chúa xông tới, thét mắng người con gái chơi đàn về tội mê hoặc người khác rồi giật lấy cây đàn đập tan tành.

Mất đàn, Bích Nga hết kế sinh nhai. Nàng đành phải xin ăn qua ngày. Tối đến, nàng náu mình trong hốc cây, vòm đá. Thị Đàn đi chợ qua lại, thấy lạ về việc người thiếu phụ trẻ đẹp cứ quanh quẩn ở chợ. Nhìn kỹ, cô thấy trên ngón tay thiếu phụ đeo một nửa chiếc nhẫn vàng, giống như nửa nhẫn mà nàng thấy trên tay quan Trạng. Thị Đàn sinh nghi, lân la làm quen và dò hỏi Bích Nga. Bích Nga đánh liều nói với Thị Đàn về chuyện của mình. Vốn là người tốt bụng, Thị Đàn bèn tìm cách giúp Bích Nga. Cô đem nửa chiếc nhẫn Bích Nga đưa bỏ vào trong chiếc bánh dùng cho bữa điểm tâm của quan Trạng. Trạng ăn cắn phải nhẫn, ngạc nhiên hỏi rõ nguồn cơn. Biết lòng dạ Trạng vẫn một mực yêu thương vợ, Thị Đàn bày kế giúp vợ chồng chàng được gặp gỡ.

Mượn chuyện sinh nhật Trạng, Thị Đàn nói với công chúa về việc lo tính chu đáo cho bữa tiệc mừng. Cô nói việc quán xuyến yến tiệc một mình lo e không chu đáo, cô muốn tìm thêm người giúp đỡ. Công chúa đồng ý và cho rằng đây là một sự kiện tốt, vì Trạng nói sau tiệc sinh nhật, Trạng sẽ chính thức sống cuộc sống vợ chồng với công chúa.  Bích Nga được đưa vào cung trong bộ quần áo thị nữ.

Trong bữa tiệc, công chúa lộng lẫy ngồi bên quan Trạng, hai bên tả hữu là công hầu. Trạng ân cần tiếp rượu công chúa. Ngây ngất trong men say, công chúa uống hết chén này đến chén khác. Rồi nàng ta say khướt, hai thị nữ dìu nàng ta về cung. Khách khứa cũng đứng dậy ra về, chỉ còn lại mình “thị nữ” Bích Nga ở lại hầu quan Trạng. Vợ chồng gặp nhau, họ nói rõ với nhau mọi chuyện trong làn nước mắt. Trạng bày cho vợ viết đơn kiện nhà vua. Bích Nga xé vạt áo của nàng, cắn đầu ngón tay lấy máu làm mực, viết đơn tố cáo kẻ dùng mưu mô, quyền lực đoạt phu lừa phụ, chia rẽ tình thâm.

Nhận được đơn tố cáo, phán quan đến gặp Trạng, bàn về cách thức xử lý. Trạng nói cứ thực thi theo trình tự của luật nước đã ban. Phán quan trình lên vua. Vua chủ quan, không ngờ đó là chuyện của mình. Vua cho gọi Trạng đến, giao cho Trạng toàn quyền điều khiển việc xét xử. Trạng nói vụ việc phức tạp, có liên quan đến triều đình. Vua lớn tiếng tuyên bố cứ xử theo luật.

Vụ án được đem ra xét xử. Bích Nga được gọi đến trình bày. Nàng vạch tội kẻ đang tâm chia cắt tình chồng nghĩa vợ, kể rõ gia cảnh của mình. Trạng tiếp lời Bích Nga, tố cáo vua dùng uy quyền ép buộc Trạng lấy công chúa, dung túng cho công chúa làm càn, chia rẽ vợ chồng, gây nỗi đau ly tán. Bá quan văn võ xanh mặt trước câu chuyện gia đình Trạng. Phán quan tuyên xử vua theo luật. Trạng đề xuất tránh tội chết cho vua bằng cách cạo đầu cắt tóc, tóc thay người chịu tội. Vua bị cạo trọc đầu, bị truất ngôi. Văn võ trong triều đồng tình tôn Trạng lên làm vua trị quốc. Bích Nga được phong làm hoàng hậu. Lên ngôi, Mậu Ngọ ban bố chính sách mới, tha bổng cho tù nhân, cấp thêm chức sắc, lương bổng cho quan chức...

Cảm kích trước sự chân tình của người thị nữ Thị Đàn, Bích Nga khuyên chồng nạp Thị Đàn làm phi. Họ chung sống hạnh phúc trong hoàng cung. Đất nước thanh bình, yên ả dưới sự trị vì của vua Tam Mậu Ngọ.

Đồng bào Tày cho rằng, từ câu chuyện của Tam Mậu Ngọ, vạt áo phụ nữ Tày mới có vạt ngắn vạt dài. Câu chuyện tình yêu chung thủy được dùng để lý giải cấu tạo của chiếc áo. Một lý giải theo kiểu sự tích, thấm đẫm quan niệm nhân sinh của tộc người Tày. Hay nói đúng hơn, người Tày (thông qua tác giả truyện thơ) đã sự tích hóa tấm áo của người phụ nữ Tày. Sự lý giải giúp cho tấm áo người phụ nữ Tày mang thêm một ý nghĩa văn hóa, một giá trị đạo đức cao đẹp.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1