Trang phục truyền thống không chỉ đơn thuần là quần áo, mà còn là biểu tượng của bản sắc văn hóa, thể hiện tâm hồn và tình yêu của một dân tộc đối với cội nguồn. Đối với người Dao, mỗi bộ trang phục không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng tinh thần dân tộc, truyền tải những thông điệp về phong tục, tín ngưỡng và nghệ thuật thủ công độc đáo.
Người dân tộc Dao gửi tình yêu dân tộc vào trang phục truyền thống
Trang phục của người Dao có nhiều kiểu dáng khác nhau tùy theo từng nhóm Dao, như: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt,… Tuy nhiên, điểm chung là sự tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ, hoa văn thêu tay và cách phối màu hài hòa. Chi tiết đầu tiên dễ nhận biết nhất trong bộ trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ chính là khăn quấn đầu, hay còn được gọi “gòng phá”. Đối với người phụ nữ Dao Đỏ ở Cao Bằng, khăn quấn đầu càng to, càng thể hiện được nét đẹp của người phụ nữ, thông thường “gòng phá” có số vòng quấn là 30, khi người phụ nữ trên 15 tuổi bắt đầu đội “gòng phá”. Vòng ngoài cùng của chiếc “gòng phá” được trang trí bởi những họa tiết thêu tay thủ công hình cây cỏ, hoa lá. Các họa tiết này được trang trí trên miếng vải hình chữ nhật có kích thước 5 x 10 cm và được sắp xếp xen kẽ nhau trên nền vải đỏ. Các vòng quấn bên trong là vải chàm được nhuộm và xếp gấp chồng lên nhau. Các vòng tròn có kích thước lớn dần.

Đối với người phụ nữ Dao Đỏ ở Cao Bằng, khăn quấn đầu càng to, càng thể hiện được nét đẹp của người phụ nữ.
Trang phục của người Dao đỏ thường có các hoa văn phong phú đẹp mắt với màu sắc cơ bản là chàm, đỏ và trắng. Trên chất liệu vải chàm thô cùng với kỹ thuật tạo hoa văn từ thêu, chắp ghép những trang sức, người phụ nữ Dao đỏ thể hiện sự khéo léo, tinh tế và gửi mọi tâm tư tình cảm và những khát vọng sống của mình trong những họa tiết rất phong phú, đa dạng, thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Mỗi hoa văn ấy được sắp xếp bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính bản sắc văn hoá riêng của người con dân tộc Dao đỏ. Trang phục người Dao đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Trong đó, có sự khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết... Điển hình như trang phục người Dao đỏ ở một số nơi thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực. Số lượng và kích cỡ tùy quan niệm mỗi vùng.
Mỗi mũi thêu được thực hiện tỉ mỉ
Người Dao quan niệm rằng, mỗi bộ trang phục không chỉ là để mặc mà còn là một phần của đời sống tinh thần. Những hoa văn thêu tay trên áo, váy không chỉ để làm đẹp mà còn ẩn chứa những câu chuyện về vũ trụ, đất trời, gia đình và tình yêu đôi lứa. Thêu trang phục là cả một nghệ thuật, các cô gái Dao ngay từ nhỏ đã được dạy cách thêu thùa, may vá. Mỗi mũi thêu đều được thực hiện tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo, kiên nhẫn và tình yêu dành cho văn hóa dân tộc. Với người Dao, trang phục truyền thống còn là cầu nối tình cảm. Một cô gái trước khi về nhà chồng thường tự tay may và thêu bộ quần áo cưới, như một món quà gửi gắm yêu thương và mong ước về một cuộc sống hạnh phúc. Người Dao quan niệm Màu đỏ trên trang phục là sắc màu của hạnh phúc, nó được coi như một biểu tượng của sự may mắn, tình yêu và sức sống mãnh liệt.
Ngày nay, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều người Dao đã chuyển sang mặc trang phục đơn giản hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trong các dịp lễ tết, cưới hỏi hay hội làng, trang phục truyền thống vẫn được giữ gìn như một niềm tự hào dân tộc. Nhiều địa phương đang khuyến khích việc dạy thêu và may trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các lễ hội văn hóa dân gian là dịp để người Dao trình diễn và tôn vinh trang phục truyền thống. Nhiều nghệ nhân và nhà thiết kế đang nỗ lực cách tân trang phục Dao để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa.
Mỗi bộ trang phục truyền thống của người Dao không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là linh hồn của dân tộc, nơi gửi gắm tình yêu và niềm tự hào về bản sắc văn hóa. Việc giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống không chỉ giúp bảo tồn di sản quý báu mà còn khẳng định sự trường tồn của văn hóa Dao trong dòng chảy hiện đại.
Dương Liễu