Hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ cùng em khám phá công viên địa chất”
Lượt xem: 169

Công viên địa chất (CVĐC) non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.683 km2, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng, các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. CVĐC là nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài lên đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này. Nơi đây có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Với 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, khu vực CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có hệ động, thực vật đa dạng cả về giống loài và loài quý hiếm, có rất nhiều giống loài trong khu vực có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Ngay khi CVĐC Non nước Cao Bằng được công nhận là CVĐC Toàn cầu, dựa trên các văn bản, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng, các trường học đẩy mạnh thực hiện giáo dục nhận thức cho học sinh. Những thông tin, kiến thức về CVĐC Non nước Cao Bằng được tích hợp vào giảng dạy trong các môn Lịch sử, Địa lý, Toán, Tiếng Anh và các tiết học ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp với hình thức phong phú, sinh động để thu hút học sinh tham gia.

Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học thông qua phát huy hiệu quả của mô hình “Câu lạc bộ (CLB) cùng em khám phá CVĐC”.

 

anh tin bai

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nặm Nhũng (Hà Quảng) tổ chức tham quan thực tế tuyên truyền Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC” triển khai tại 6 trường (3 trường THCS, 3 trường THPT) trên địa bàn Thành phố. Mỗi CLB do 2-3 giáo viên phụ trách cùng với 15-20 học sinh thành viên của CLB có khả năng hội họa, đam mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, di sản địa chất, khả năng sử dụng tiếng Anh. CLB nhằm xây dựng một đội ngũ học sinh nòng cốt để nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung CVĐC cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các thầy cô và Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng.

Trên cơ sở hiểu biết và những kiến thức đã nghiên cứu, các thành viên của “CLB cùng em khám phá CVĐC” sẽ xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến về CVĐC cho các bạn học sinh khác ở trong trường học. Tham gia mô hình, học sinh được trải nghiệm thực tế và lồng ghép, vận dụng những kiến thức của CVĐC để minh họa, bổ sung kiến thức cho các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các học sinh khác. Triển khai các hoạt động làm bản tin, báo tường CVĐC học đường với nội dung do các học sinh viết và thiết kế trên cơ sở kiến thức mà học sinh được cung cấp, trải nghiệm thực tế, dựng clip hoặc sân khấu hóa…phục vụ công tác tuyên truyền, ngoại khóa tìm hiểu về CVĐC tại trường học.

Đến nay, 30/30 trường trung học phổ thông và 185/185 trường trung học sơ sở trong tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về dục về CVĐC Non nước Cao Bằng theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong năm 2023, các cơ sở giáo dục tổ chức được 192 buổi ngoại khóa; số học sinh được trải nghiệm tại các điểm di sản là 15.580 học sinh; các trường học tổ chức 110 buổi dọn dẹp vệ sinh, môi trường, bảo vệ cảnh quan tại các điểm di sản gần trường học trong vùng CVĐC; xây dựng “Góc Thông tin về CVĐC Non nước Cao Bằng” tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh…

 

anh tin bai

Trường THCS Phục Hòa (Quảng Hòa) tuyên truyền về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với hình thức sân khấu hóa.

Hằng tuần, các CLB phối hợp với các nhà trường và Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tổ chức ngoại khóa, trải nghiệm các khu di tích tại địa phương để học sinh được trực tiếp tìm hiểu và khám phá. Mỗi trường căn cứ vào kế hoạch giảng dạy cụ thể để xây dựng giáo án với nội dung về CVĐC. Đến nay, đa số học sinh được trang bị kiến thức cơ bản và trả lời được những câu hỏi như: CVĐC Non nước Cao Bằng là gì? Cần làm gì để giữ gìn và bảo vệ CVĐC?.. Thông qua sự hiểu biết này, có thể các học sinh chính là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền về CVĐC Non nước Cao Bằng đến với mọi người dân cũng như du khách.

Theo cô Đàm Thị Yêu, Tổng phụ trách Đội, Chủ nhiệm CLB “Cùng em khám phá CVĐC” Trường THCS Đề Thám (Thành phố) cho biết: Hoạt động “CLB cùng em khám phá CVĐC” rất thiết thực và có ích đối với công tác giảng dạy các môn học trong trường học và tuyên truyền giáo dục về CVĐC. Ngoài việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về CVĐC còn giúp các em học sinh hiểu và liên hệ lý thuyết của các môn học mà các em được học trong trường học với cuộc sống thực tế như trong môn hóa học các em học sinh có thể liên hệ về lý thuyết bộ môn hóa học để giải thích về quá trình hình thành các hang động karst; những tác động đến môi trường từ việc sử dụng các chất hóa học trong việc rửa và tuyển khoáng sản từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Em Đinh Hà Thy, học sinh lớp 9A, thành viên “CLB cùng em khám phá CVĐC” Trường THCS Đề Thám (Thành phố) chia sẻ: Tham gia CLB, em được tìm hiểu về CVĐC Non nước Cao Bằng, qua những buổi trải nghiệm, học tập, em hiểu thêm và tự hào về quê hương mình. Em được hiểu rõ hơn về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của địa phương như: động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, quần thể hồ Thang Hen, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén,... từ đó, góp phần giúp em có kiến thức và học tốt hơn môn lịch sử, địa lý và giáo dục địa phương. Bằng những hiểu biết của em khi được tham gia “CLB cùng em khám phá CVĐC”, em sẽ giới thiệu cho bè và du khách khi đến với Cao Bằng.

Thông qua “CLB cùng em khám phá CVĐC”, các thầy, cô giáo sẽ có cơ hội học hỏi thêm kiến thức, phương pháp giảng dạy với những hình thức tổ chức lớp học sáng tạo, phát huy tính chủ động của học sinh. Các học sinh được nâng cao ý thức về việc sử dụng, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên địa chất, sinh học, văn hóa và môi trường. Hướng dẫn và trang bị cho các em những kiến thức, thông tin về các điểm di sản địa chất, văn hóa, các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Với những kiến thức đã được học, các em học sinh chính là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền về CVĐC và từ đó, các em cũng có trách nhiệm hơn chung tay gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên của quê hương, góp phần tích cực cho việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi về CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đến với mọi người.

Dương Liễu

 

 

 

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1