Từ Pác Bó đến Tân Trào - Hành trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định đổi thay vận mệnh dân tộc
Lượt xem: 4933

LTS: Đầu thế kỷ XX, Cao Bằng đã sớm có phong trào đấu tranh yêu nước, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh thành lập ngày 1/4/1930 đưa phong trào cách mạng phát triển rộng khắp toàn tỉnh. Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn Pác Bó (Hà Quảng) trở về nước chỉ đạo phong trào cách mạng, xây dựng Mặt trận Việt Minh nhanh chóng phát triển ra cả nước.

Đến tháng 5/1945, khi điều kiện, thời cơ, tình hình quốc tế và trong nước chín muồi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang) để tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra thời đại Hồ Chí Minh cho nhân loại tiến bộ trên thế giới. Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và Quốc khánh 2/9, Báo Cao Bằng đăng loạt bài “Từ Pác Bó đến Tân Trào - Hành trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định đổi thay vận mệnh dân tộc” để bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa lịch sử quan trọng này.

Bài 1: Pác Bó - Nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thắp lửa đấu tranh cách mạng

Đã 75 năm, nhớ về nơi khởi đầu đưa cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc bước sang trang mới, chúng tôi trở lại Pác Bó, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng hoạt động cách mạng: "Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/Ai hay ngọn lửa trong hang núi/Mà sáng muôn lòng vạn kiếp sau"... (Tố Hữu).

 

Cán bộ, phóng viên Báo Cao Bằng, Báo Tuyên Quang tác nghiệp tại cột mốc 108, Pác Bó (Hà Quảng).

Bên núi Các Mác, suối Lê-nin, chúng tôi vẫn như nghe thấy lời Người ấm ấp qua lời kể của Lão thành cách mạng Hoàng Thị Khìn, đã từng đưa cơm cho Già Thu khi Người về đây thắp ngọn lửa sáng đấu tranh cách mạng… “Vào Tết Tân Tỵ (28/1/1941), trời lạnh rét buốt cắt da thịt, ông Ké - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số cán bộ cách mạng từ nước ngoài về Pác Bó ở trong hang Cốc Bó lạnh lẽo. Ngày đó đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông… khắp các bản làng quanh năm làm nương rẫy không đủ ăn vì phải nộp sưu cao, thuế nặng cho quan Pháp và bọn tay sai phong kiến.

Ai chống lệnh quan trên nộp sưu thuế không đủ chúng cướp bóc, đánh đập… mạng sống con người không bằng thân trâu, ngựa. Tết năm đó nhà nhà trong bản chẳng mấy ai ra ngoài vì rét buốt sắc như kim châm, ngồi lặng lẽ bên bếp lửa… Mấy ngày Tết, Pá (bố) tôi (ông Hoàng Quốc Long, Lão thành cách mạng) cùng vài người khách lạ (Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm) đi vắng, mấy mẹ con ở nhà lo lắng, mong mỏi.

Khi Pá về cùng người khách lạ (đồng chí Lê Quảng Ba) nói với chị tôi (Hoàng Thị Hoa, Lão thành cách mạng) và tôi: “Pá có người bạn Tồng (nhận nhau làm anh em kết nghĩa) tốt bụng đang ở tạm trên rừng đầu nguồn suối Giàng (suối Lê-nin). Hai chị em nấu cơm đem lên cho bạn Tồng của Pá nhé!”. Nghe vậy, hai chị em tôi lo lắng hỏi Pá “Ngày Tết trời lạnh buốt thế này, sao bạn Tồng của Pá không đến nhà mình mà lại ở trên rừng rậm hoang vắng, nhiều thú dữ…?”. Pá tôi vẻ mặt trầm tư nói: “Hai con cứ bí mật làm như Pá dặn, rồi sau này các con sẽ hiểu”.

Đang ngày Tết nên hai chị em đồ ít xôi và làm món thịt treo gói vào lá chuối, rồi theo đồng chí Lê Quảng Ba đi lên đầu nguồn suối Giàng gặp ông Ké. Ông Ké nói tiếng Nùng rất ấm áp, ân cần hỏi thăm đời sống của dân bản và giải thích: “Cháu có biết vì sao dân bản sống khổ cực như thân trâu, ngựa không? Vì bọn thực dân Pháp vừa bóc lột dân ta đến cùng cực vừa không cho dân đi học để thực hiện chính sách ngu dân. Người dân không hiểu biết, không dám đấu tranh để chúng dễ cai trị, bóc lột và đánh đập. Muốn dân bản hết khổ cực, chúng ta học chữ mở mang hiểu biết, phải đoàn kết cùng nhau đứng lên đấu tranh lật đổ bọn chúng…”.

Về nhà, hai chị em tôi vui mừng kể cho Pá nghe về những điều mà ông Ké ở trong rừng giảng giải. Được Pá động viên, hai chị em tôi đi học chữ và vận động dân bản cùng đi học...

 

Lão thành cách mạng Hoàng Thị Khìn kể lại những ngày đưa cơm cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Được ông Ké quan tâm mở lớp học, trong lớp học ai cũng cố gắng học để biết đọc báo, sách tuyên truyền về đường lối cách mạng cho gia đình, dân bản và vận động mọi người tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Chỉ từ tháng 1 - 4/1941, bản Pác Bó thành lập 5 đội cứu quốc đại diện cho người già, thanh niên, nông dân, phụ nữ và nhi đồng cứu quốc. Hai chị em tôi tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, cùng Tổ Phụ nữ cứu quốc xóm vận động chị em trong bản, xã đóng góp lương thực, lấy củi đổi muối nuôi cán bộ, làm tốt công tác hậu cần, đưa đón, bảo vệ cán bộ 3 miền Bắc, Trung, Nam về Pác Bó học các lớp tập huấn cán bộ, du kích…

Dân bản Pác Bó ngày càng tin tưởng vào lời ông Ké, như ngọn đuốc sáng soi đường cho bao cuộc đời làm than khổ cực đi tới tương lai tươi sáng. Dưới sự chỉ đạo, tuyên truyền giác ngộ của ông Ké và cán bộ cách mạng, chỉ trong 3 tháng (tháng 2 - 4/1941) các tổ chức cứu quốc các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đã kết nạp thêm hàng nghìn hội viên là đồng bào các dân tộc và trở thành các châu Việt Minh hoàn toàn.

Đến tháng 5/1941 sau khi thí điểm xây dựng các tổ chức cứu quốc tại các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình ngày càng lớn mạnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, từ ngày 10 - 19/5/1941, tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó. Dự Hội nghị có các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài.

Hội nghị đã xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh.
Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện, chính trị, quân sự cho cán bộ địa phương, lược dịch cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”, viết cuốn “Lịch sử nước ta”, xuất bản tờ báo “Việt Nam độc lập”..., thành lập đội du kích tập trung đầu tiên.

 

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc họp bàn xây dựng các tổ chức cứu quốc với cán bộ cách mạng trong hang Cốc Bó. Tranh Tư liệu.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh đã thâm nhập bám rễ vào các xóm, bản làng và nhanh chóng thu hút đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… Tại các châu thí điểm Mặt trận Việt Minh, Người trực tiếp mở các lớp bồi dưỡng, huấn luyện quần chúng yêu nước làm cách mạng. Với phương châm “Lấy cụm dân cư làm địa bàn cơ sở, xây dựng đến đâu chắc đến đó…”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo tổ chức các Hội quần chúng lấy tên Hội cứu quốc.

Sau khi tuyên truyền, giác ngộ, các tổ chức cứu quốc lần lượt ra đời và ngày càng phát triển, thu hút đầy đủ các thành phần dân tộc, lứa tuổi, các giới tham gia lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh. Đầu năm 1942, khắp các địa phương của tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện nhiều “xã Việt Minh hoàn toàn”, phong trào lớn mạnh phát triển thành các “tổng Việt Minh hoàn toàn” tiến tới các “châu Việt Minh hoàn toàn”. Trên cơ sở đó, Ban Việt Minh các cấp từ xã đến châu lần lượt được thành lập, phong trào lan rộng ra các châu trong toàn tỉnh.

Để phát triển phong trào cách mạng rộng ra cả nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo mở rộng khu căn cứ địa Cao Bằng nối liền với Bắc Sơn (Lạng Sơn) - Võ Nhai (Thái Nguyên) để hình thành căn cứ địa cách mạng rộng lớn ở Việt Bắc phát triển về xuôi và tiếp xúc với toàn quốc. Ngày 22/11/1942, Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất được tổ chức tại thành nhà Mạc, Lam Sơn, châu Hòa An. Sau đó các đội xung phong “Nam tiến” được thành lập, Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng ra đời.

Ban Việt Minh khu Thiện Thuật do đồng bào Mông và Khu Quang Trung do đồng bào Dao cũng được thành lập… là sự kiện chính trị lớn trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng căn cứ địa ở Cao Bằng. Ngày 22/12/1944, tại xã Nà Sác là xã Việt Minh hoàn toàn, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Từ năm 1941 - 5/1945, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ từ vùng thấp đến vùng cao. Cao Bằng trở thành chiếc nôi cách mạng, là nơi đầu mối thông tin phong trào cách mạng trong nước và nước ngoài, giữa miền núi và miền xuôi, nơi đóng cơ quan Ban tham mưu lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mặt trận Việt Minh được xây dựng rộng rãi chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta, là nhân tố quan trọng quyết định cho chuẩn bị tổng khởi nghĩa toàn quốc.
                   
Bài 2: Mở đường “Nam tiến”, thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa toàn quốc đã đến

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: "Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng mới cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ".

 

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1