Trung tướng Trịnh Chân
Lượt xem: 1443

Đến Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), ai cũng biết vị tướng lĩnh quê Cao Bằng cùng gia đình ở đây. Đó là Trung tướng Trịnh Chân, tên khai sinh là Trịnh Ngọc Chân, sinh ngày 28/11/1928, tại thị xã Cao Bằng (nay là Thành phố).

 

     

    Trung tướng Trịnh Chân.

     

    Vốn là người con thông minh, lanh lợi, ham hiểu biết, từ thời niên thiếu, Trịnh Ngọc Chân đã chứng kiến cảnh lầm than, đau thương của nhân dân dưới ách đô hộ cai trị hà khắc của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến phản động áp bức, bóc lột, bất công. Lòng căm thù giặc giày xéo quê hương đã làm cho ngọn lửa yêu nước, thương dân bừng cháy trong lòng người thanh niên ưu tú Trịnh Ngọc Chân.

    Mới tròn 17 tuổi, anh tham gia hoạt động cách mạng và có chí tiến thủ, không ngừng vươn lên. Được Đảng, quân đội quan tâm dìu dắt, đồng chí nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trở thành vị tướng đức độ, tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam, là niềm tự hào của gia đình và quê hương Cao Bằng.

    Những năm 1939 - 1945, thời kỳ cách mạng ở Cao Bằng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ của quần chúng lên cao. Sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (Hà Quảng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

    Tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII tại Pác Bó; Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, coi trọng nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cần thiết đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, làn sóng đấu tranh cách mạng lan khắp toàn tỉnh, quần chúng nhân dân hăng hái tham gia các tổ chức Việt Minh và hưởng ứng phong trào phản đế sôi nổi. Tháng 4/1945, đồng chí Trịnh Ngọc Chân xung phong gia nhập Đội Thanh niên Tự vệ của Thị xã và cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân. Tháng 11/1946, khi mới tròn 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là dấu ấn quan trọng, bước ngoặt của toàn bộ sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí.

    Tháng 2/1947, được sự quan tâm của tổ chức, đồng chí được học tập tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, là học viên khóa 2 của trường. Bước vào Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, đồng chí được bổ nhiệm làm Trợ lý tham mưu tác chiến, Đội trưởng Đội biệt động Trung đoàn 74 Cao Bằng. Đồng chí đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta, làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch, bảo vệ an toàn đầu não của cách mạng ở chiến khu Việt Bắc.

    Tháng 1/1950, đồng chí được điều động giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, một trong những đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, còn có tên là Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng, đa phần là chiến sĩ con em các dân tộc Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

    Đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn phối hợp với các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương tham gia chiến đấu quả cảm, làm nên Chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, mở rộng vùng giải phóng và hành lang biên giới với các nước xã hội chủ nghĩa, giải phóng Cao Bằng, tạo nên thế chủ động của ta từ phòng ngự sang tấn công trên các chiến tuyến.

    Tháng 7/1953, đồng chí được cấp trên điều động làm Phó trưởng phòng, Cục Địch vận thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến tháng 1/1959, đồng chí được điều động làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Từ tháng 1/1963 - 1/1974, đồng chí là Cục phó Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang; Cục trưởng Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.

    Do yêu cầu nhiệm vụ mới, tháng 1/1980, đồng chí được đề bạt làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng. Nhiệm vụ công tác nào đồng chí cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc, được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trân trọng, quý mến. Tháng 4/1984, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

    Tháng 5/1990, đồng chí được Bổ nhiệm làm Quyền Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; tháng 9/1991 là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tháng 12/1992, đồng chí vinh dự được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1998, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ.

    Suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã có nhiều cống hiến trong lực lượng vũ trang Việt Nam. Quá trình đó, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cùng nhiều huân, huy chương và các danh hiệu cao quý khác.

    Theo Baocaobang.vn





    Thống kê truy cập
    • Đang truy cập: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1