Tìm dấu tích đền thờ vua Lê Thái Tổ ở Cao Bằng qua Mộc bản triều Nguyễn
Lượt xem: 34

Ngày nay, ở tỉnh Cao Bằng vẫn còn duy nhất ngôi đền thờ vua Lê Lợi, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử để lại thì đền vua Lê Thái Tổ vốn là thành quách của Nùng Tồn Phúc khi ông xưng Chiêu thành Hoàng đế, lập ra nước Trường Sinh. Để ghi nhớ công lao của vua Lê Thái Tổ, đời sau cho dựng đền trên nền thành xưa của họ Nùng để thờ vua.

Ngày nay, ở tỉnh Cao Bằng vẫn còn duy nhất ngôi đền thờ vua Lê Lợi, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử để lại thì đền vua Lê Thái Tổ vốn là thành quách của Nùng Tồn Phúc khi ông xưng Chiêu thành Hoàng đế, lập ra nước Trường Sinh. Để ghi nhớ công lao của vua Lê Thái Tổ, đời sau cho dựng đền trên nền thành xưa của họ Nùng để thờ vua.
 
        


Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 17 còn khắc dấu tích về địa điểm miếu thờ vua Lê Thái Tổ tại xã Na Lữ, huyện Thạch Lâm, trấn Cao Bằng (nay là làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng).    

Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Đây là loại hình tài liệu có giá trị về nhiều mặt, như: Vật mang tin, phương pháp chế tác và đặc biệt về nội dung ghi chép, phản ánh chiều dài lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Ngoài ra, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu lịch sử văn hóa của một số nước khác trên thế giới, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ, Trung Quốc...

Dưới triều Nguyễn, tài liệu Mộc bản được xem như quốc bảo, chỉ những người có thẩm quyền làm việc trong Quốc Sử quán mới được tiếp xúc. Mỗi bộ sách khi biên soạn xong đều được dâng lên vua ngự lãm, sau đó mới được đem đi khắc in. Do vậy, Mộc bản triều Nguyễn không chỉ là kho tư liệu quý, mà còn là nguồn sử liệu gốc mang tính lịch sử và có giá trị pháp lý cao.

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản triều Nguyễn, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30/7/2009. Đây cũng chính là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 17 còn khắc dấu tích về địa điểm miếu thờ vua Lê Thái Tổ: “Miếu Lê Thái Tổ ở xã Na Lữ, huyện Thạch Lâm, trấn Cao Bằng thờ”. Ngôi đền thờ của vua Lê Thái Tổ hiện vẫn còn tồn tại ở làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Kiến trúc của đền được xây theo hình chữ tam (三) gồm 3 nhà, 7 phòng, tường xây bằng gạch vồ, mái lợp ngói máng, cột kèo, hoành phi bằng gỗ. Trên các hoành phi có trạm trổ hình long, phượng. Cửa đền mở theo hướng Đông Nam thông ra bờ sông Mãng. Xung quanh đền đều được xây tường thành dài.

Đền thờ vua Lê ở tỉnh Cao Bằng từ lâu đã được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào hàng miếu thờ các bậc đế vương. Mỗi lần quốc lễ, triều đình đều sai quan đến tế, nhân dân quanh năm được phụng thờ. Dưới triều Nguyễn, đền thờ Lê Lợi cũng được các bậc vua chúa quan tâm đặc biệt. Năm 1802, vua Gia Long đã đích thân đến yết miếu Lê Thái Tổ và cho đặt miếu phụ các miếu lịch đại Đế vương lấy xã dân sở tại sung vào: Miếu Lê Thái Tổ ở trấn Cao Bằng 56 người. Đến năm 1827, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn trọng các triều trước và tỏ ý yên ủi các thần, vua Minh Mạng đã cho đặt 50 dân phu trông coi miếu vua Lê ở đây.

Sở dĩ các vua triều Nguyễn quan tâm đến miếu thờ Lê Thái Tổ bởi vì theo vua Minh Mạng: “Lê Thái Tổ là người oai võ giỏi, mưu lược lớn”; “Từ đời Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông và Lê Thái Tổ, thừa vận lần lượt nổi lên, đều là vua sáng dựng nghiệp một đời”.

Ngày 20/4/1995, đền vua Lê Thái Tổ ở tỉnh Cao Bằng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, là nơi tập trung lễ hội, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân trong vùng tỉnh Cao Bằng. Đền vua Lê là di tích có giá trị về mặt lịch sử, giáo dục truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân ta, đồng thời là di sản văn hóa nghệ thuật có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật của dân tộc.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1